Hành trình gõ cửa kêu oan

Tháng 2-1994, ông đã bị kết án 18 năm tù giam về tội giết người. Nạn nhân là một góa phụ sống một mình trong căn biệt thự sang trọng ở ngôi làng giàu có vùng Mougins, gần Cannes, French Riviera (Pháp).

Ngày Chủ nhật định mệnh

Ghislaine Marchal 65 tuổi, là tên của nạn nhân xấu số. Chủ nhật 23-6-1991, bà ngồi thư giãn bên cạnh hồ bơi và chơi trò chơi ô chữ mà bà rất thích. Khi ông bà Koster, người hàng xóm, gọi vọng qua hàng rào để mời ăn trưa, bà Marchal nhanh chóng đồng ý.

1 giờ 30 chiều, bà Koster lo lắng vì đến giờ dùng bữa mà bạn mình vẫn chưa qua. Bà Koster gọi điện thoại qua nhà bà Marchal để nhắc nhở nhưng không có người nhấc máy. Rất khó hiểu nhưng bà Koster nghĩ chắc không có chuyện gì xảy ra.

Ngày hôm sau (24-6), cảnh sát phát hiện bà Marchal đã bị đâm chết trong tầng hầm căn nhà. Hiện trường cho thấy nạn nhân nằm trên mặt đất, đầu bị đập, hộp sọ bị vỡ, một ngón tay và cổ họng bị cắt, cùng với 10 nhát dao trên mình. Ngoài ra, bên trong cánh cửa là lối ra vào duy nhất của tầng hầm có một dòng chữ tiếng Pháp viết bằng máu: “OMAR M’A TUER”, nghĩa là “Omar đã giết tôi”. Ngoài ra, còn có một dòng chữ tương tự nhưng viết không đầy đủ: “OMAR M’A T..”.

Hành trình gõ cửa kêu oan ảnh 1

Gương mặt khắc khổ của ông Omar Raddad

Dựa vào dòng chữ tố cáo này, cảnh sát đã nhanh chóng bắt Omar Raddad, người làm vườn thời vụ cho bà Marchal. Omar sinh ra ở Maroc. Năm tám tuổi, ông cùng gia đình sang Pháp định cư. Ông Omar làm vườn cho nhà bà Marchal đều đặn mỗi Chủ nhật. Tuy nhiên, vào ngày bà Marchal bị giết, ông lại làm vườn cho gia đình khác. Thời điểm bà Marchal gặp nạn, Omar khai nhận đang ăn trưa một mình nhưng chẳng có ai chứng minh cho sự ngoại phạm của ông.

Lãnh án tù giam

Ngày 27-6-1991, ông Omar bị giam giữ tại trại giam nhà tù Grasse (Pháp) để chờ xét xử. Cơ quan chức năng cho rằng động cơ giết người của Omar là tiền. Họ nói Omar là kẻ rong chơi lười nhác, nợ nần cờ bạc, dính líu đến các vụ quan hệ bừa bãi và không đủ tiền để trang trải. Ông đã yêu cầu bà Marchal ứng lương nhưng bà Marchal từ chối. Hai bên cãi cọ và Omar không thể kiểm soát bản thân mình. Trong cơn giận dữ, Omar đã đánh vào đầu bà Marchal bằng một thanh gỗ và sau đó đâm nhiều nhát liên tiếp vào bà.

Dư luận Pháp lập thành hai phe ủng hộ và chống Omar. Sau 2,5 năm bị giam giữ, tháng 1-1994, Omar được đưa ra xét xử. Omar luôn phủ nhận tội giết bà chủ nhà. Tuy nhiên, tại phiên tòa vào ngày 2-2-1994, ông bị kết tội giết người và chịu án 18 năm tù giam.

Hành trình gõ cửa kêu oan ảnh 2

Bà Ghislaine Marchal trong ảnh chụp với một người cháu trai

Luật sư bào chữa cho Omar, ông Maître Georges Kiejman, phản bác lại các chứng cứ buộc tội Omar nhưng không được chấp nhận. Dầu vậy, dư luận vẫn nghi ngờ vì quá trình điều tra thực hiện quá sơ sài. Người ta cho rằng Omar bị kết tội dựa trên các bằng chứng mâu thuẫn đến mức khó chấp nhận.

Năm 1998, Tổng thống Pháp Jaccques Chirac thăm Maroc. Dưới áp lực căng thẳng của vua Hassan (Maroc), Tổng thống Chirac đã ra lệnh ân xá cho Omar khi chuyến thăm kết thúc. Ân xá không có nghĩa là Omar vô tội. Quyết tâm rửa sạch tên mình, Omar đã nộp đơn kháng cáo vào năm 1999. Thế nhưng đến nay, sau 11 năm tự do, Omar vẫn tiếp tục cuộc hành trình để minh oan cho mình.

Những dấu máu kỳ lạ

Dòng chữ viết hoa “OMAR M’A TUER”, “OMAR M’A T..” được xác định là của bà Marchal nhưng lại có quá nhiều nghi vấn. Trong tiếng Pháp, cụm từ này được viết sai ngữ pháp, đúng chuẩn phải là “Omar m’a tuée”. Người có học đàng hoàng sẽ viết bằng chữ thường chứ không phải chữ in hoa như vậy.

Các chuyên gia phân tích bà Marchal là một người Pháp có học nên không thể mắc lỗi cơ bản này. Hơn nữa, nạn nhân mang trên mình những vết thương đau đớn thì sao lại viết tới hai lần buộc tội. Cảnh sát cho rằng bà Marchal có 15-30 phút trước khi chết, tại sao bà có thể khẳng định mình sẽ chết mà lại viết là “Omar đã giết tôi”. Cánh cửa và vị trí bà Marchal tử vong không gần nhau. Vì sao bà Marchal không viết những dòng tố cáo ngay tại chỗ mà phải khó nhọc lê sang khu vực cửa ra vào để viết. Tại hiện trường, cảnh sát không tìm ra bất cứ dấu máu nào trên sàn nhà cho thấy nạn nhân đã di chuyển.

Giá thuyết ông Omar viết dòng chữ này bị loại vì dù chuyển sang Pháp từ nhỏ nhưng ông lại mù chữ. Hoặc giả ông biết chữ đi nữa thì chẳng bao giờ ông lại viết những dòng chữ để tự tố cáo mình.

Các chuyên gia phân tích dòng chữ bằng máu được viết rất mờ nhạt. Có khả năng hung thủ đã dùng ngón tay của mình nhúng vào máu bà Marchal và chạy lại chỗ cánh cửa để viết.

Hơn chục năm trước, thuật xem tướng chữ không được coi là một khoa học mang tính chính xác. Tuy nhiên, cảnh sát có lập danh sách những nhà xem tướng chữ có thẩm quyền để tư vấn trong trường hợp cần thiết. Các chuyên gia xem tướng chữ thường dựa vào hình dạng của đường cong nét chữ, hoặc lực đè và độ nhấn mà nét chữ thể hiện trên bề mặt giấy. Tuy nhiên trong vụ án này, chữ được viết trên bề mặt cứng nên khó kết luận chính xác.

Có hai chuyên gia khẳng định 80% chữ này do bà Marchal viết. Phản biện lại, luật sư của Omar mời hai nhà xem tướng chữ khác nghiên cứu lại. So sánh những dòng chữ bằng máu với mẫu chữ viết tay của bà Marchal trong trò chơi ô chữ (trong lời giải ô chữ bà Marchal dùng chữ in hoa), hai chuyên gia lập bản báo cáo dày 150 trang gửi tòa án chứng tỏ bà Marchal đã không viết những dòng chữ cáo buộc Omar. Tuy nhiên, bản báo cáo này không được chấp nhận vì một tác giả không nằm trong danh sách chuyên gia xem tướng chữ do cảnh sát lập ra.

Tại hiện trường còn có sự xuất hiện của các dấu tay đẫm máu trên sàn nhà nhưng các nhà điều tra đã bỏ qua. Nếu những dấu tay bằng máu ấy là của bà Marchal khi bà cố gắng gượng dậy hoặc di chuyển thì chắc chắn phải bị nhòe đi. Theo các chuyên gia, một người mang trên mình quá nhiều vết thương đau đớn thì không thể có những dấu tay bằng máu rất gọn gàng như vậy. Hơn nữa, cảnh sát điều tra cũng không phát hiện ra bất kỳ dấu máu hay dấu vân tay nào trên quần áo ông Omar cũng như ở tầng hầm. Điều này chứng tỏ từ khi nhận làm việc cho bà Marchal, ông Omar chưa bao giờ bước vào tầng hầm.

Hàng loạt nghi vấn

Ngoài dòng chữ tố cáo đầy nghi vấn, những kẽ hở khác trong quá trình điều tra cũng được phân tích nhằm chứng minh ông Omar vô tội.

Bà Marchal chết do bị nhiều vết thương đâm vào ngực và bụng. Hồ sơ giám định pháp y cho thấy sau khi bị tấn công, bà không chết ngay lập tức mà chết sau đó khoảng 15-30 phút. Thời gian tử vong được xác định trong khoảng từ 11 giờ 48 đến khoảng 1 giờ 30 chiều. Đó là khoảng thời gian bà Marchal gọi điện thoại cho một người bạn và thời gian bà hàng xóm Koster gọi điện thoại nhắc nhở vào bữa trưa.

Hành trình gõ cửa kêu oan ảnh 3

Gian nan hành trình minh oan

Cảnh sát cho biết khi họ vào tầng hầm thì bên trong cánh cửa bị chặn bởi một chiếc giường xếp và một thanh sắt. Đây là lối ra vào duy nhất của tầng hầm. Cảnh sát cho rằng bà Marchal đã dùng những vật này để chặn lối đi vì sợ tên sát thủ sẽ quay lại. Cũng có nghi vấn rằng bà Marchal tự giết mình, tự chặn cửa. Bởi chẳng có cách nào khác để ra khỏi tầng hầm mà không đi qua cửa này vì đây là lối duy nhất. Trong khi đó, kẻ giết người không thể rời khỏi tầng hầm, sau đó đặt chiếc giường và thanh sắt vào bên trong.

Cảnh sát cho rằng bà Marchal có thể bị đâm bằng một con dao làm bếp. Tuy nhiên, họ không thể tìm thấy hung khí của kẻ giết người. Hiện trường chỉ có một thanh gỗ dài có vướng những sợi tóc của nạn nhân trên sàn nhà.

Ai là hung thủ?

Luật sư bào chữa cho ông Omar đã yêu cầu phân tích ADN. Vào năm 2001, cảnh sát đã đồng ý lấy mẫu thử ADN từ máu của bà Marchal trên cửa và trên mảnh gỗ dùng để đập bà. Kết quả cho thấy trong mẫu máu xét nghiệm có lẫn dấu ADN của một người nam với máu của nạn nhân. Mẫu máu này không trùng với máu của ông Omar.

Công tác điều tra chưa hoàn thành và vụ án vẫn còn dang dở thì người nhà của bà Marchal lại được phép mang xác bà đi hỏa táng. Việc điều tra chứng minh ông Omar vô tội và tìm ra hung thủ thật sự của vụ án gặp nhiều vốn khó khăn càng thêm khó khăn bội phần. Khi nghiên cứu tài liệu của bộ phận giám định tử thi, luật sư Maître Vergès xác định ngày tử vong của bà Marchal bị xác định sai. Thực tế nạn nhân chết vào ngày 24-6 nhưng tài liệu ghi ngày 24-7. Tuy điều này không thể chứng minh Omar vô tội nhưng cũng chứng tỏ cách làm việc cẩu thả của cơ quan điều tra.

Hơn 10 năm sau khi được tự do, giờ đây Omar đã 48 tuổi. Ông vẫn hằng ngày gõ cửa công lý để minh oan cho mình. “Tôi không yêu cầu gì nhiều, chỉ đơn thuần là một cuộc điều tra mới” - ông Omar cho biết.

(Theo Crime Magazine)

NGỌC CHÂU

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 163)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm