VỤ NGƯỜI GIỮ TRẺ TẮM TRẺ BẰNG… CHÂN

Hành vi đáng lên án nhưng xử phải theo luật

Công an huyện Thuận An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời tạm giam hai tháng đối với Trần Thị Phụng về tội hành hạ người khác theo khoản 2 Điều 110 Bộ luật Hình sự. Các quyết định và lệnh trên đều đã được VKS huyện phê chuẩn.

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 27-11, Thượng tá Hồ Quang Thành, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận An, cho biết căn cứ khởi tố chính là clip ghi lại một lần tắm trẻ và lời khai của bị can. Nhiều bạn đọc thắc mắc: Muốn xử lý hình sự tội hành hạ người khác, các cơ quan pháp luật phải căn cứ vào những yếu tố nào? Trường hợp nào thì bị tạm giam? Chúng tôi ghi nhận ý kiến phân tích của các luật sư.

Phải có yếu tố gây đau đớn về thể xác, tinh thần

Theo Điều 110 Bộ luật Hình sự, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì có thể bị xử tội hành hạ người khác

Theo Bình luận khoa học Bộ luật hình sựcủa Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý và thực tiễn xét xử, hành vi đối xử tàn ác có thể là đánh đập, giam hãm, bắt nhịn ăn, uống… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần. Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện do cố ý. Những hành động bạo lực như thế phải được thực hiện một cách có hệ thống, được lặp đi lặp lại.

Bà giữ trẻ Trần Thị Phụng đã rất vô tư khi chính quyền địa phương đến làm việc với bà về hành vi tạt nước vào mặt trẻ. Ảnh: VÕ BÁ

Ở đây, việc bà Phụng đối xử với bé gái trong clip có phải là hành hạ người khác hay không cần phải xem xét thấu đáo. Hành vi ấy có trực tiếp làm cho người bị hại đau đớn về thể xác, bị đè nén, áp bức về tinh thần, gây tổn thương nghiêm trọng về tâm sinh lý, sự phát triển bình thường sau này của trẻ…

Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN, Đoàn Luật sư TP.HCM)

Chỉ nên tạm giam khi có dấu hiệu bỏ trốn

Theo khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Đối chiếu quy định này với trường hợp của bà Phụng, có lẽ công an và VKS huyện cũng cần xem xét, cân nhắc về sự cần thiết phải tạm giam bị can. Bởi tội hành hạ người khác không thuộc tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hiện bị can có nơi cư trú rõ ràng, không có dấu hiệu bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra.

Luật sư PHẠM HỮU TÌNH, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương

Xác định rõ mục đích phạm tội

Theo khoa học hình sự, mặt chủ quan của tội phạm là một trong bốn yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm. Mặt chủ quan đó chính là trạng thái tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi đó gây ra. Những dấu hiệu cơ bản của mặt chủ quan của tội phạm gồm có: lỗi, động cơ và mục đích phạm tội.

Lỗi là dấu hiệu cơ bản nhất của mặt chủ quan của tội phạm và biểu hiện dưới hai hình thức: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Động cơ là nhân tố tâm lý bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện tội phạm. Mục đích phạm tội là khuynh hướng, là cái đích mà người phạm tội mong muốn đạt được.

Theo đó, để việc xử lý hình sự người giữ trẻ ở Bình Dương được chặt chẽ, đúng pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận An cần làm rõ mục đích phạm tội của bị can là gì. Có thực sự là bị can muốn đối xử tàn ác để “hành xác” người bị hại hay chẳng qua do thiếu hiểu biết, không có phương pháp chăm sóc trẻ, bị can đã có cách tắm mạnh tay đối với trẻ…?

Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI

THÁI BÌNH - VÕ BÁ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới