Hành vi hối lộ tình dục được đưa vào hướng dẫn của Tòa Tối cao

Đáng chú ý, theo bản sơ thảo nghị quyết, nhóm nghiên cứu đề xuất hướng dẫn “lợi ích vật chất khác” là những lợi ích được định giá cụ thể phục vụ nhu cầu như ăn, mặc, ở, đi lại… của con người. Còn “lợi ích phi vật chất” là những lợi ích biểu hiện dưới các hình thức như hối lộ tình dục, hối lộ thông tin, hối lộ thành tích, hối lộ điểm thi…

Hối lộ tình dục là “lợi ích phi vật chất”

Đến từ Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Hà Thanh băn khoăn: “Lợi ích phi vật chất” mới chỉ được quy định là tình tiết ở khoản 1 của nhóm tội hối lộ. Tại sao không được quy định ở các khoản tăng nặng trách nhiệm hình sự?”. Ông Thanh đề nghị về lâu dài cần sửa đổi quy định này của BLHS. Còn trước mắt cần có hướng dẫn vấn đề này hoặc bằng án lệ, bởi có những trường hợp việc nhận, đưa, môi giới hối lộ bằng “lợi ích phi vật chất” còn gây hậu quả nguy hiểm hơn “lợi ích vật chất”.

Ông Lê Văn Minh (Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã -WCS) cũng cho rằng khái niệm “lợi ích phi vật chất” cần được giải thích rõ hơn. “Có những lợi ích phi vật chất cũng có thể đong đếm được bằng tiền. Ví dụ, một người thuê một cô gái có giá thị trường là 20.000 USD để đi với một quan chức trong một đêm. Giá trị của cô này quy ra tiền Việt sẽ là hơn 400 triệu đồng. Hoặc một người được mời tham gia một tour du lịch vòng quanh thế giới, giá của tour này là hàng trăm ngàn USD” - ông Minh nói.

“Nếu những lợi ích phi vật chất này chúng ta cũng chỉ xử tương đương với mức từ 2 triệu đến dưới 100 triệu đồng thì rõ ràng là có vấn đề” - ông Minh nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị nghị quyết hướng dẫn rõ lợi ích phi vật chất không đo đếm được bằng tiền thì xử lý thế nào và đo đếm được bằng tiền thì xử lý thế nào.

Ông Phạm Nhật Vũ là bị can được CQĐT đề nghị cho hưởng chính sách “hình sự đặc biệt”. Ảnh: BCA

Băn khoăn chính sách “hình sự đặc biệt” với ông Phạm Nhật Vũ

Tại tọa đàm, một số ý kiến đề nghị hướng dẫn cả những tội có liên quan đến nhóm tội phạm về tham nhũng, như tội đưa hối lộ.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, quyền phụ trách UNODC tại Việt Nam, cho rằng theo quy định về đưa hối lộ thì chúng ra rất có thể đang nằm trong số đó. Ví dụ, khi bản thân hoặc người nhà mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị ở một bệnh viện rất đông bệnh nhân. Để được khám, chữa kịp thời thì chuyện chúng ta đưa tiền, đưa hối lộ là rất dễ xảy ra. Từ đó bà đề nghị nghị quyết của Hội đồng thẩm phán lưu ý trường hợp nếu “làm hoặc không làm một việc” nhưng vì lợi ích chính đáng thì có bị xử lý hình sự hay không.

“Nghe chị Minh nói vậy, tôi lại bức xúc” - TS Lê Đăng Doanh (giảng viên ĐH Luật Hà Nội) nói. Ông kể lại câu chuyện đưa cháu đi khám bệnh. “Tôi xếp hàng, lấy phiếu số 15 nhưng đối tượng có tiền lại chen lên trước, khám trước. Quyền bảo vệ sức khỏe là như nhau, anh đến sau phải khám sau, đến trước khám trước. Nếu coi đây là lợi ích chính đáng thì chết người nghèo, vì người nghèo không có tiền đưa hối lộ” - TS Doanh nêu quan điểm.

Tranh luận lại, bà Minh nói nếu đưa tiền để chiếm lượt của người khác là lợi ích không chính đáng.

Ông Lê Văn Minh thì dẫn lại vụ MobiFone/AVG đang làm nóng dư luận hiện nay và nêu nội dung Bộ Công an đang đề nghị áp dụng chính sách “hình sự đặc biệt” đối với ông Phạm Nhật Vũ. “Nhiều chuyên gia hiện cũng đang băn khoăn về chính sách này. Cần có hướng dẫn để bảo đảm sự hiểu và áp dụng thống nhất trong các cơ quan bảo vệ pháp luật” - ông Minh đề nghị.

Dự thảo nghị quyết dự kiến hướng dẫn một số quy định tại bảy điều luật trong BLHS: Điều 353 về tội tham ô tài sản; Điều 354 tội nhận hối lộ; Điều 355 tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Điều 356 tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Điều 357 tội lạm quyền trong thi hành công vụ; Điều 358 tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và Điều 359 tội giả mạo trong công tác.

Không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”

Một trong những điểm mới đáng chú ý của BLHS 2015 không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (tham ô hoặc nhận hối lộ từ 500 triệu đồng trở lên) quy định tại khoản 3 và 4 các điều 353, 354 BLHS. Quy định này nhằm truy cứu đến cùng những tội phạm tham nhũng lớn, góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm