Đó là một quán cà phê nhỏ trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ. Tuy nhiên, tối thứ Bảy khách ùn ùn kéo đến đây chật kín và chỉ hơn 8 giờ tối thì chủ quán đã thông báo: “Anh chị thông cảm, hết chỗ rồi, hẹn gặp vào hôm sau nhé!”.
Chật kín chỗ ngồi
Hỏi ra mới biết quán cà phê hôm nay đông lạ thường vì có chương trình hát cho nhau nghe do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thực hiện để gây quỹ từ thiện. Các sinh viên thực hiện chương trình đến từ câu lạc bộ Guitar ký túc xá ĐH Bách khoa, câu lạc bộ Văn nghệ BKMC và câu lạc bộ Hành trình nhân ái (đều thuộc ĐH Bách khoa).
Căn phòng được trang hoàng theo phong cách mùa đông, chứa chừng 70-80 người. Một bạn trong đội văn nghệ cho hay khách đến đây là thầy cô, bạn bè trong trường, phụ huynh, khách quen, khách vãng lai đi ngang tò mò vào ủng hộ…: “Tuy cây nhà lá vườn nhưng đêm nào có đội sinh viên về hát thì quán đông hẳn, kín hết chỗ ngồi”.
Sân khấu chỉ vỏn vẹn chừng vài ba mét vuông, các sinh viên thay nhau đệm đàn guitar, đánh trống Cajon và hát. Cứ thế, lần lượt những “nghệ danh” nhí nhố được giới thiệu cùng các ca khúc trữ tình, nhạc xưa, nhạc miền quê… Chương trình mang phong cách trẻ trung, pha hài hước, đôi khi thêm chút lãng mạn. Các “ca sĩ bất đắc dĩ” đưa khán giả trải qua nhiều cảm xúc khiến nhiều người múa theo, hát theo, reo hò nhưng cũng có khi phải nín thở với các đoạn luyến láy đầy biểu cảm.
Một quán cà phê rất đỗi bình thường nhưng những gì các bạn trẻ dàn dựng và thực hiện khiến mọi người hào hứng vỗ tay nồng nhiệt.
Các sinh viên thay nhau đệm đàn guitar, đánh trống Cajon và hát gây quỹ giúp người nghèo khổ sống về đêm. (Ảnh do nhóm sinh viên cung cấp)
Hát ra… cơm, áo cho người cùng khổ
Phía sau sân khấu ấy là rất nhiều tấm lòng nhân ái và bao dung của các bạn sinh viên. “Trước đây, câu lạc bộ BKMC có tổ chức đêm văn nghệ truyền thống vào dịp Giáng sinh hay các ngày lễ lớn để vận động quỹ hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên cách đây hơn một tháng, các bạn sinh viên mở rộng chương trình để có hiệu quả hơn” - một bạn trong nhóm có biệt danh Út Haha chia sẻ.
Thời gian đầu đội gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh nghiệm tổ chức chương trình nên cái gì cũng bỡ ngỡ, từ khâu liên hệ tìm địa điểm quán, làm poster tới lên chương trình, kịch bản và số lượng tiết mục, kế hoạch tập duyệt… Tuy nhiên, nhờ cùng chí hướng và thân thiết nhau nên cả ba câu lạc bộ kết hợp rất tốt, mô hình được triển khai tại các phòng trà, quán cà phê… với kết quả khá thành công.
Niềm vui lớn nhất của đội là cuối giờ nhận được khoản tiền trích ra từ doanh thu tiền nước, góp vào quỹ và thực hiện những chuyến tình nguyện trong đêm, mang cơm áo đến với người nghèo. “Đêm nhạc hôm nay tụi em thu 20.000 đồng từ mỗi suất nước. Tổng cộng nhóm gây quỹ thêm gần 2 triệu đồng. Hơi tiếc vì không đủ chỗ ngồi nên nhiều người phải đứng hoặc là đến nơi lại phải quay về” - một bạn cho hay.
Đại diện nhóm cho biết nguồn quỹ thu được sẽ phục vụ cho các đợt phát quà đêm như Đông ấm, Trung thu hành trình... Các thành viên trong nhóm chọn thời gian nửa đêm, từ 23 giờ đến 2, 3 giờ sáng vì khoảng thời gian này những người thiếu may mắn sẽ bị tách hẳn ra với những người khác. Họ là những người đi nhặt ve chai, ngủ trên những vỉa hè, bậc thềm, co ro, không chăn không gối… “Dù còn là sinh viên, thậm chí có cả sinh viên hoàn cảnh khó khăn, phải vất vả vật lộn với cuộc sống nhưng trong các chuyến từ thiện “hành trình đêm”, tặng áo ấm, thực phẩm cho những người túng quẫn, khó khăn, tụi em thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều người khác, thế nên chia sẻ là chuyện rất đỗi bình thường và ai cũng thấy vui” - Út Haha bộc bạch.
Ứng dụng chuyện học vào làm từ thiện
Chia sẻ về ý tưởng của chương trình, đại diện nhóm sinh viên cho hay: “Từ một buổi học môn Phát triển kỹ năng quản trị ở trường, giảng viên có yêu cầu mỗi nhóm lập một dự án nào đó và tự đứng ra tổ chức. Lúc đó trong đầu tụi em nghĩ ngay tới mô hình đêm nhạc này. Tụi em lập kế hoạch sơ bộ, ban tổ chức gồm các mảng tiếp thị (marketing), xây dựng kịch bản chương trình và quản lý chung, liên hệ với ba câu lạc bộ thành viên. Khi bắt tay vào thực tế, gặp khó khăn mới biết từ lý thuyết học trên trường đến thực tiễn là chuyện không hề đơn giản.
Làm sao để thu xếp thời gian, không ảnh hưởng việc học tập? Bạn Út cho biết: “Trong câu lạc bộ Hành trình nhân ái, anh Thông - người quản lý câu lạc bộ luôn luôn nhắc nhở các sinh viên phải lo được cho bản thân mình rồi mới lo cho người khác được. Nghĩa là việc học phải đặt lên hàng đầu, phải đảm bảo mục tiêu điểm cuối kỳ mới được tham gia dự án. Hơn nữa, khi tham gia các hoạt động thì cũng học hỏi nhiều bài học không có trên lớp”.
UYÊN LÊ
Tuy mới chính thức hoạt động hơn một tháng nhưng nhóm sinh viên có nhiều dự tính về việc tìm kiếm, mở rộng các địa điểm quán cà phê hay phòng trà để tăng độ đa dạng, nâng cao hiệu quả nguồn thu cho ngân quỹ của nhóm để sắp tới có thể hỗ trợ người nghèo nhiều hơn. |