Hậu À Ra Thế - Kỳ 92

Đề hỏi: “Ai đúng? Ai sai? Tại sao?”. Đáp án của BTC cho rằng CSGT đúng vì khoản 1.a Điều 12 Nghị định 73/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi “không mang theo giấy CMND, giấy tờ tùy thân”; và khoản 1a Điều 28 Nghị định này cũng nêu rõ: “Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 200.000 đồng”…

Bạn thân mến,

Tuần rồi, các bạn phản biện đáp án quá dữ dội, mỗi người một ý, lý lẽ khác nhau. Nên số này BTC chỉ chọn đăng được một số ý thôi, chờ có bạn nào ủng hộ đáp án không, rồi Chủ nhật tuần sau nữa BTC mới gút được.

Cảnh sát chỉ phạt trong lĩnh vực phụ trách!

Nghị định 128/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, tại khoản 2 Điều 15 quy định: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Như vậy, chiến sĩ công an khi đang làm nhiệm vụ có quyền phạt tiền đến 200.000 đồng nhưng chỉ trong lĩnh vực chiến sĩ đó đảm nhiệm. Chiến sĩ CSGT chỉ có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 34/2010 chứ không có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội theo Nghị định 73/2010.

ĐIỆP HỒ (bachhodiep@yahoo.com.vn)

CSGT sao được phạt qua các lĩnh vực an ninh, an toàn xã hội?!

Đáp án Kỳ 92 cho rằng theo Nghị định 73, công an nhân dân khi đang thi hành công vụ thì có quyền xử phạt. Vậy cứ là CAND thì được xử phạt, như chiến sĩ đang làm nhiệm vụ gác cổng cũng được phạt người không mang theo CMND sao? Thực tế tôi chưa thấy trường hợp CSGT “phạt vạ” như đáp án! Tôi không hy vọng đến việc thay đổi đáp án của BTC, chỉ mong BTC nghiên cứu lại Nghị định 128/2008/NĐ-CP ngày 16-12-2008 của Chính phủ!

NGÔ QUANG SÁNG (Đội CSĐT Công an huyện Lộc Ninh, Bình Phước)

Anh CSGT: Sai hoàn toàn!

Khi thấy người đang lưu thông trên đường, CSGT có quyền chặn xe lại để hỏi CMND không; nhất là vi phạm về CMND là vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội chứ không phải vi phạm vào lĩnh vực giao thông đường bộ! CSGT đã sai hoàn toàn!

HUỲNH HUY BÍCH(286/8 Minh Phụng, quận 11, TP.HCM)

CSGT hỏi CMND là không đúng!

Công an cũng có đôi ba đường công an: cảnh sát PCCC, CSGT, cảnh sát môi trường, cảnh sát đường thủy, cảnh sát điều tra xét hỏi, trật tự xã hội, cảnh sát phòng, chống ma túy, tội phạm… Xét cho cùng CSGT thì được hỏi về lĩnh vực giao thông như bằng lái xe, cà vẹt xe, bảo hiểm xe máy. Còn CMND là của cảnh sát điều tra xét hỏi, trật tự xã hội, đối tượng đang có lệnh truy nã, tình nghi… Còn CSGT mà đi hỏi CMND là không đúng chút nào!

NGUYỄN HUỆ LINH(Bưu điện Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai)

Phạt như vậy là “máy móc”!

Dù luật pháp Việt Nam có quy định như vậy nhưng trong tình huống này, anh A đã chấp hành đúng luật giao thông đường bộ. Mặt khác, một số trường hợp công dân có thể dùng các loại giấy tờ khác để thay thế CMND trong các giao dịch dân sự. với giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe… cũng đã được cung cấp rất nhiều thông tin về nhân thân của công dân. Vì vậy CSGT không nên “máy móc”!

TRẦN LÊ ANH TUẤN (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Phú Yên)

Cần phân định thẩm quyền xử phạt rõ hơn…

Theo Nghị định số 73/2010, các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của chiến sĩ công an nhân dân được quy định tại khoản 1 các Điều 7, 8, 9, 11, 12, 16, 20, 22, 24 và khoản 2 Điều 12. Trong đó có một số hành vi vi phạm nếu CSGT xử phạt thì không thuyết phục lắm. Thí dụ: hành vi lạm dụng tình dục, hành vi vi phạm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ… Đành rằng luật quy định “chiến sĩ công an nhân dân” ắt phải có cả CSGT nhưng khi vận dụng các quy định này, cần hiểu hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực nào thì người có thẩm quyền ở lĩnh vực đó xử phạt chứ không thể “lấn sân” ôm đồm nhiệm vụ của người khác. Nghị định 73/2010 cần được hoàn thiện để phân định rõ hơn về thẩm quyền xử phạt.

TRẦN THỊ THU HIỀN (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh)

Đã có giấy phép lái xe thì không phạt về… CMND!

Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 73/2010 quy định phạt hành vi: “Không mang theo CMND, giấy tờ tùy thân”. Điều luật này dùng dấu phẩy mà không nói rõ là “và” hay “hoặc”. Đáp án của BTC dùng từ “và” để giải thích nhưng theo tôi trong trường hợp này nên dùng từ “hoặc”. Bởi vì CMND đã là một loại giấy tờ tùy thân rồi nên nếu buộc công dân vừa phải mang theo CMND vừa phải mang theo giấy tờ tùy thân (khác) thì rõ ràng là không cần thiết và bất hợp lý! Theo tôi, nếu không mang CMND nhưng có mang giấy tờ tùy thân khác thì không bị phạt.

KIỀU ANH VŨ (Văn phòng đoàn Trường ĐH Luật TP.HCM, 2-4 Nguyễn Tất Thành, TP.HCM)

Đòi hỏi CMND là dư thừa!

Việc không mang theo CMND khi đi đường (chứ không hẳn là đi xe máy) là bị phạt khi bị kiểm tra hoàn toàn đúng theo quy định. Tuy nhiên, việc CSGT kiểm tra thêm CMND sau khi anh A xuất trình giấy phép lái xe là dư thừa. Bởi vì những thông tin trên CMND đều thể hiện trong giấy phép lái xe hết rồi, thế thì yêu cầu thêm CMND để làm gì? Ở nước ngoài, khi đi ra đường, người dân chỉ cần mang theo giấy phép lái xe là đủ, nó vừa là thay CMND (ID). Vậy việc CSGT đòi hỏi thêm CMND sau khi xem giấy phép lái xe của anh A là dư thừa và “làm khó” người dân mà thôi. Cơ quan chức năng cần xem lại quy định này.

DƯƠNG VĂN KIỆT (N.35 Cư xá Phú Lâm A, phường 12, quận 6, tp.hcm)

Chỉ nên nhắc nhở, cảnh cáo

Trong trường hợp này, CSGT chỉ làm nhiệm vụ chủ yếu về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Do đó theo tôi, nếu muốn áp dụng Điều 12 và 28 Nghị định 73/2010 ngày 12-7-2010 của Chính phủ thì chỉ nên nhắc nhở và phạt cảnh cáo anh A là đủ.

HUỲNH QUANG DIỆP (69/33/4 đường 30 tháng 4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Không nên ôm đồm!

Theo tôi, dù pháp luật có cho phép chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ được phép xử phạt người đi đường không mang theo CMND thì CSGT cũng không nên quá ôm đồm, dài tay khi xử lý những trường hợp như vậy, chỉ nên nhắc nhở hoặc phạt cảnh cáo thì tốt hơn. Vì đó không phải là nhiệm vụ chính của người CSGT, có chăng là để cho lực lượng cảnh sát 113, trật tự, quản lý hành chính, công an xã, phường, thị trấn đang đi tuần tra bảo vệ an ninh trật tự thực hiện thì phù hợp hơn.

HOÀNG TUẤN ANH (UBND xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm