Hậu À Ra Thế kỳ 99

Cán bộ tư pháp không giải quyết, đòi anh A phải ra tòa làm thủ tục ly hôn với chị C xong thì xã mới tiến hành làm thủ tục kết hôn cho anh A với chị B được.

Đề hỏi “Ai đúng, ai sai, tại sao” và đáp án của BTC cho rằng anh A đúng, cán bộ sai. Vì với tình trạng như vậy thì xã phải giải quyết cho anh A và chị B kết hôn với nhau bởi về mặt pháp luật, anh A không có vợ…

Bạn thân mến,

Theo thông lệ, BTC dành ưu tiên cho các bạn cãi chống lại đáp án của BTC. Số báo Chủ nhật tới chúng ta sẽ tiếp tục cãi nhau nữa. Cứ cãi tới bến!

Cán bộ xã đúng!

A và C đã tổ chức lễ cưới thì dù không được pháp luật công nhận là vợ chồng nhưng được coi là đã chung sống với nhau như vợ chồng nếu đủ điều kiện kết hôn. Vì vậy, nay muốn kết hôn với người khác, A phải nộp đơn yêu cầu ly hôn để tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại Điều 87 Luật HNVGĐ. cán bộ tư pháp xã nói “phải có giấy ly hôn” tuy không chuẩn về thuật ngữ (đúng ra phải nói là “bản án của tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng”) nhưng nói vậy là đúng về mặt thủ tục.

Nếu nói như BTC, nam và nữ làm lễ cưới mà không đăng ký kết hôn thì có quyền đăng ký kết hôn với người khác mà không cần qua thủ tục chấm dứt mối quan hệ “chung sống như vợ chồng” trước đó thì xã hội sẽ ra sao? Có lẽ BTC đã “quên” Thông tư liên tịch số 01/2001 chăng?

NGUYỄN VĂN CHÍ (84 Quang Trung, Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định)

A với C đã… như vợ chồng!

A đã làm đám cưới với C, tức là A đã chung sống với C như vợ chồng, mà C bỏ đi thì A có quyền đăng ký kết hôn với người khác. Theo đáp án của BTC như vậy là đúng luật. Theo tôi, nói pháp luật chưa điều chỉnh thì chính xác hơn. Nếu A không đăng ký kết hôn với C mà A vẫn làm đám cưới với B và được coi là chung sống như vợ chồng với B rồi B lại bỏ ra đi. cứ như vậy A lại làm đám cưới với D, E, F… Đến khi nhìn lại A còn nhiều người phụ nữ được coi là vợ và nhiều người con. Lúc này thì rắc rối, làm sao đây?

NGÔ QUANG SÁNG (Đội CSĐT Công an huyện Lộc Ninh, Bình Phước)

A đã có vợ!

Nếu A chung sống với chị C trước ngày 3-1-1987 thì phải coi là A đã có vợ. BTC đưa lý do chị C “đã bỏ đi” nên giữa A và C không được công nhận vợ chồng, là chưa hợp lý. Vì đề bài không nói rõ là C bỏ đi đâu, đi bao lâu… Giả dụ nếu C đi xa để làm ăn hoặc vì công việc gia đình chứ không phải là mâu thuẫn vợ chồng thì không thể viện dẫn điểm c.1 khoản 1 Nghị quyết số 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành Luật HNVGĐ năm 2000 được.

NGUYỄN QUỐC SỬ(Phòng Tư pháp TP Tam Kỳ, Quảng Nam)

Dựa vào “không còn chung sống” là không hợp lý!

Dù A và C có ăn ở như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 mà nay họ không còn chung sống với nhau thì cũng không được coi là “đang có vợ, có chồng” như điểm c.1 khoản 1 Nghị quyết 02/2000 đã hướng dẫn, là không hợp tình, hợp lý. Trường hợp này, pháp luật chỉ khuyến khích A và C đăng ký kết hôn chứ không bắt buộc, khi có yêu cầu ly hôn thì tòa án vẫn thụ lý. Theo tôi, A và C vẫn tồn tại tư cách vợ chồng, nếu giải quyết cho A và C mất tư cách vợ chồng kể từ thời điểm họ không còn chung sống với nhau, thì quả là thiệt thòi cho C!

ĐỖ TRẦN DUY CƯỜNG (Sinh viên khoa Luật Thương mại - ĐH Luật TP.HCM-252/55 Cao Thắng (nối dài), quận 10, TP.HCM)

Nên có quyết định của tòa án!

A nên yêu cầu tòa giải quyết “ly hôn” tức là tòa tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng (nếu họ sống như vợ chồng sau ngày 1-1-2003) hoặc giải quyết cho ly hôn (nếu họ xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 3-1-1987) để làm cơ sở chứng minh rõ ràng, dứt khoát về tình trạng hôn nhân hiện tại của A.

HOÀNG TUẤN ANH (UBND xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)

Bà chủ tịch xã mới sai!

Chủ tịch xã nghe lời A nói C đã bỏ đi thì lập tức cho A làm thủ tục đăng ký kết hôn với B, mà không cho điều tra xác minh để làm rõ lời A nói là thật hay giả. Lời A nói đó có giá trị về mặt pháp lý không vậy? Vậy rốt cuộc chỉ có bà chủ tịch xã sai thôi!

THÁI ĐOÀN TRƯỞNG (178 Thủ Khoa Nghĩa, thị xã Châu Đốc, An Giang)

Tư pháp xã chưa hẳn là sai!

Dù giữa hai người không đăng ký kết hôn thì vẫn là hôn nhân thực tế. Tư pháp xã cẩn thận nên yêu cầu anh A ly hôn với chị C, có nghĩa là đòi phải có quyết định của tòa án không công nhận hai người là vợ chồng cho chắc ăn. Nếu lúc chị C giận bỏ nhà ra đi, đã có bầu với anh A, sau thời gian hết giận chị trở về mái nhà xưa… Mọi chuyện sẽ rắc rối, nếu như anh A đã đăng ký kết hôn với chị B rồi.

“Tư pháp cẩn thận vẫn hơn,

Không khéo rắc rối, biết đâu mà lường!”

NGUYỄN THẾ SƠN (CLB À Ra Thế Thuận An, Bình Dương)

A được hai bà vợ!

Giải thích của BTC tôi e không ổn. Vì nếu như A cưới C trước 3-1-1987, rồi C giận chồng bỏ đi… Ngày nào đó C hết giận, nghĩ đến cái nghĩa “tàu khang” quay trở về. Lúc đó, C là vợ A còn B thì sao? Tóm lại, nếu cán bộ tư pháp xã sai thì A được pháp luật công nhận tới hai bà vợ à!?

LÊ VĂN TRUYỆN (68/5 KP Hòa Long, phường Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm