Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản mà còn gây hậu quả khôn lường đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Tập đoàn Cao su nói riêng trên thương trường quốc tế.
Nhiều container chứa mủ cao su ly tâm có dấu hiệu bị “rút ruột”
Thủ đoạn tinh vi
Ngày 8-4-2010, trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Vạn Tiến - Trưởng ban xuất nhập khẩu, Tập đoàn Cao su Việt Nam - cho biết, trước đây chưa thấy khách hàng nước ngoài nào phản ứng việc cân thiếu mủ cao su, thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn cả chục đối tác từ Indonesia, Malaysia, Pháp, Đức, Mỹ... đồng loạt cho biết họ bị thiếu mủ ly tâm với số lượng từ vài trăm ký đến vài tấn/lô hàng. Mặc dù chỉ là phản ánh đơn thuần của khách hàng vì chưa có cơ sở kết luận, nhưng vì có nhiều khách hàng ở nhiều nước phản ánh nên Tập đoàn Cao su đã gửi thông báo tình trạng trên đến các công ty thành viên có xuất khẩu cao su trực thuộc và đơn vị vận tải là Công ty TNHH Nguyên Đức (Bình Dương) để phối hợp làm rõ.
Ông Tiến khẳng định, có ít nhất 11 lô hàng (mủ ly tâm) của Tập đoàn Cao su dù xuất kho cân đầy đủ (quy định đủ trọng lượng mới được xuất kho) nhưng bị đối tác phản ánh “bốc hơi” từ 800kg đến 2,12 tấn với tổng giá tiền cả tỷ đồng. Kiểm tra cân thì hàng xuất đi có trọng lượng chính xác; các nhà máy cũng tuân thủ nghiêm quy trình đóng hàng, cân hàng, bấm seal (bấm chì niêm phong cửa container) nên nghi ngờ mủ bị mất có thể trên đường vận chuyển sau khi xuất khỏi kho của Tập đoàn Cao su. Theo quy trình nhập mủ thì cao su ly tâm (dạng nước chứa 60% cao su) được bơm vào túi chuyên dụng lót trong thùng container sau khi đủ trọng lượng sẽ được đóng lại và niêm chì rồi vận chuyển ra cảng để xuất khẩu. Thế nhưng, tại cảng đi và đến, niêm phong vẫn còn, do đó dấu hiệu “rút ruột” cao su tại container là vô cùng tinh vi.
Cao su tăng giá đang là “mồi ngắm” của bọn trộm cắp
Yêu cầu giám định
Có thể thấy số tiền từ cao su bị “rút ruột” thực tế là không nhỏ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Tập đoàn Cao su Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung. “Một, hai đối tác phản ánh đã thấy áy náy rồi, đằng này hàng loạt đối tác ở khắp các nước phản ứng. Nếu mình không làm rõ thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng bởi mất uy tín với đối tác” - ông Tiến nói. Điều đáng báo động là hiện nay ngày càng nhiều khách hàng nhập khẩu cao su của Tập đoàn Cao su phản ánh. Cụ thể: ngày 17-1-2010 khách hàng Đức cho biết thiếu 835kg/100 tấn; ngày 19-1 khách hàng Mỹ phản ánh thiếu 1.940kg/44 tấn; ngày 23-1 khách hàng Pháp phản ánh thiếu 1.700kg/105 tấn... Được biết, tùy theo lô hàng mà thời gian vận chuyển phải kéo dài từ 20 ngày đến 2 tháng mới tới nơi. Hiện còn nhiều lô hàng đang trên đường vận chuyển nên Tập đoàn Cao su chưa nhận được phản hồi nhưng một số khách hàng ở khu vực châu Á cũng vừa phản ánh tình trạng “hao hụt” đến vài phần trăm trên một số lô hàng với số lượng tính bằng tấn.
Tập đoàn Cao su đã yêu cầu các nhà máy của đơn vị thành viên trước khi bơm mủ ly tâm phải cho cân trọng lượng xe và container rỗng. Sau khi bơm xong mủ ly tâm phải cân toàn bộ trọng lượng xe và container đã có hàng. Kết quả của hai lần cân phải được thể hiện trên biên bản giao nhận hàng giữa tài xế hoặc đại diện của đơn vị vận chuyển và người quản lý nhà máy. Bên vận chuyển trực tiếp phải xem đồng hồ bảng cân cả hai lần cân trước khi hai bên ký vào biên bản giao nhận. Biên bản này sẽ được gửi cho cả bên mua hàng để làm cơ sở đối chiếu với kết quả cân tại cảng xuất.
Để khách quan, Tập đoàn Cao su cũng yêu cầu bên vận chuyển phải cân trọng lượng xe và container rỗng tại cảng trước khi cho xe đi đóng hàng. Đóng hàng xong và vận chuyển về đến cảng xuất đi phải cho cân lại toàn bộ xe và container rồi mới đưa lên tàu. Do đó, nếu phát hiện sự chênh lệch giữa kết quả cân của nhà máy và tại cảng thì phải cho ngừng giao hàng để làm rõ. Kết quả cân tại cảng cũng được gửi cho khách hàng nhập khẩu như một phần của bộ chứng từ xuất hàng.
Để bảo vệ uy tín của mình, Tập đoàn Cao su đang khẩn trương làm rõ việc “rút ruột” diễn ra từ khâu nào và yêu cầu đơn vị nhập khẩu cao su làm giám định những lô hàng thiếu, nếu có cơ sở thì có khả năng sẽ đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc.
Theo Đỗ Hưng (CATP)