Trong một cuộc điện thoại vào đêm 22-10-1968, thời điểm ông Richard M. Nixon vẫn còn so kè căng thẳng với đối thủ thuộc đảng Dân chủ Hubert H. Humphrey để tranh cử vào Nhà Trắng, trợ lý thân cận nhất của ông là H.R. Haldeman nhận được một chỉ thị mật. Nixon muốn người trợ lý tìm cách phá bĩnh các nỗ lực của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Lyndon B. Johnson nhằm mở ra đàm phán hòa bình cho chiến tranh Việt Nam.
Trong gần nửa thế kỷ qua, ông một mực phủ nhận mình từng đưa ra chỉ thị này. Thế nhưng trên tờ The New York Times, sử gia Jack Farrell tiết lộ đã tìm thấy những ghi chú của ông Haldeman về chỉ thị của Nixon và chứng tỏ các biện bạch của vị cựu tổng thống Mỹ trước nay đều là giả dối.
Mảnh ghép còn thiếu
Những đồn đoán về việc ông Nixon can thiệp và phá hoại hòa đàm Paris vào năm 1968 đã tồn tại trong suốt nhiều năm trời. Vào năm 2013, khi những thước băng ghi âm Nhà Trắng từ thời cố Tổng thống Lyndon B. Johnson được giải mật, nội dung các cuộc điện thoại cho thấy người tiền nhiệm của Nixon đã phát hiện sự can thiệp và phá hoại của ông.
Trong một cuộc điện thoại với thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Russell, ông Johnson đã tiết lộ rằng Nixon đã đặc phái cố vấn cấp cao của đảng Cộng hòa là bà Anna Chennault tiếp cận với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Cơ quan An ninh nội địa Mỹ (NSA) đã nghe lén các cuộc gọi của Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Washington, tờ The Atlantic cho biết. Họ đã ghi âm được bà Chennault thuyết phục Việt Nam Cộng hòa rằng nếu họ không hợp tác với Johnson và rút lui ra khỏi hòa đàm Paris, họ sẽ có một thỏa thuận tốt hơn nhiều. Chỉ thị này được đưa ra là vì chiến dịch tranh cử của ông Nixon phụ thuộc rất nhiều vào việc kéo dài cuộc chiến tranh trước khi có kết quả bầu cử. Ông muốn sử dụng thất bại trong đàm phán hòa bình để làm suy yếu uy tín của ông Johnson và đối thủ thuộc đảng Dân chủ. Chính việc Việt Nam Cộng hòa rút khỏi hòa đàm Paris đã góp phần giúp Nixon giành chiến thắng cực kỳ sít sao.
Tổng thống Lyndon Johnson đã vô cùng tức giận. Trong một cuộc điện thoại với thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Everett Dirksen, vị cố tổng thống chỉ trích hành động của Nixon: “Tôi đã bắt tận tay chúng cả rồi Everett ạ. Đây là phản quốc!”. Ông ra lệnh cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đưa ông Nixon và các thành viên chiến dịch tranh cử của ông vào diện bị giám sát. Johnson đã thông báo cho Humphrey các hành động của Nixon, mặc dù ông rốt cuộc quyết định không công bố với hy vọng hão huyền rằng đảng Dân chủ đang trên đường chiến thắng.
Tổng thống Johnson còn gửi cho Nixon một lá thư khẳng định những can thiệp của ứng cử viên đảng Cộng hòa đã bị phát hiện. Đáp lại cơn giận của vị tổng thống, Nixon ra vẻ ngây thơ rằng mình không biết vì sao miền Nam Việt Nam rút khỏi hòa đàm và thậm chí còn đề nghị đến tận Việt Nam để thuyết phục chính phủ Nguyễn Văn Thiệu quay trở lại bàn đàm phán. “Lạy Chúa tôi! Tôi sẽ chẳng bao giờ thuyết phục họ rời khỏi hòa đàm đâu” - Nixon trả lời trong một cuộc điện thoại với Johnson.
Vị cố tổng thống Mỹ cuối cùng đã không công bố các phát hiện của mình về sự can thiệp của Nixon, bất chấp những nài nỉ của các cố vấn và trợ lý thân cận nhất. Mảnh ghép mà Johnson và các cộng sự của mình còn thiếu là một bằng chứng cho thấy ứng cử viên đảng Cộng hòa đã chỉ đạo can thiệp hòa đàm Paris. Trong một cuộc điện đàm được ghi âm chỉ một ngày trước khi Nixon thắng cử, Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford đã kết luận sẽ giữ im lặng vì thiếu “bằng chứng đanh thép” cho cáo buộc Nixon trực tiếp liên quan đến các nỗ lực phá hoại hòa đàm.
Bà Anna Chennault (giữa) chụp ảnh cùng Tổng thống Richard Nixon (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (phải). Ảnh: THE GUARDIAN
Hé lộ ghi chú mật
Cả sau khi đắc cử vào năm 1968 lẫn khi đã từ chức vì vụ bê bối Watergate, các bằng chứng còn thiếu đã cho phép ông Nixon thoái thác mọi trách nhiệm và phủ nhận mọi cáo buộc phá hoại hòa đàm. Ngay cả trong cuộc phỏng vấn huyền thoại vào năm 1977 với nhà báo kỳ cựu David Frost, cựu tổng thống Mỹ vẫn khăng khăng nói mình “không làm bất cứ điều gì” góp phần khiến miền Nam trì hoãn đàm phán. “Đối với bà Chennault hay bất cứ những người nào khác có liên quan, tôi chưa bao giờ ra chỉ thị cho họ và không hay biết bất cứ điều gì về các liên lạc của họ với miền Nam Việt Nam thời điểm đó” - Nixon trả lời David Frost. “Lương tâm tôi không cho phép tôi làm như vậy”.
Vị cựu tổng thống Mỹ buộc phải tiếp tục sống với lời nói dối của mình. Các hành động của ông nếu được xác nhận sẽ là trái pháp luật. Việc một cá nhân ngoài chính phủ tìm cách “phá hoại các quyết định của chính phủ Mỹ” có khả năng bị xem là một hành động phản quốc. Các luật sư của Nixon đã đấu tranh suốt nhiều năm trời để giữ cho những tài liệu chiến dịch tranh cử năm 1968 của ông được giữ là bí mật đời tư. Các trao đổi của bà Chennault được tiết lộ nhiều năm sau nhưng mảnh ghép cuối cùng là bằng chứng tố giác Nixon vẫn mãi không được hé lộ. Những chuyên gia nghiên cứu và các nhà điều tra không thể đưa ra được kết luận cuối cùng.
Mảnh ghép bị thiếu bấy lâu cuối cùng đã được hé lộ. Sử gia Jack Farrell đã tìm thấy những ghi chú viết bởi cố vấn thân cận của Nixon là H.R. Haldeman về các chỉ thị của ông. Những ghi chú này được lặng lẽ giải mật và đưa vào thư viện Tổng thống Nixon vào năm 2007 mà không một ai hay biết. Mãi đến mới đây, khi Farrell đang tìm kiếm tài liệu để viết sách về cuộc đời của Nixon, những ghi chú này đã được phát hiện. Trong một trao đổi vào ngày 22-10-1968, Haldeman ghi lại chỉ thị của cấp trên yêu cầu tìm cách phá hoại hòa đàm.
Các ghi chép của ông Haldeman cho thấy ông Nixon đã trực tiếp yêu cầu “giữ bà Anna Chennault tiếp tục làm việc” với miền Nam Việt Nam và yêu cầu người trợ lý tìm thêm “bất kỳ cách nào để phá hoại” thỏa thuận. Ứng cử viên đảng Cộng hòa khi đó cũng ra lệnh cho thư ký riêng là Rose Mary Woods liên hệ với doanh nhân Trung Quốc Louis Kung tăng thêm sức ép với ông Thiệu. “Yêu cầu ông ấy cứng rắn hơn” - Haldeman ghi lại. Không những thế, những ghi chú tuyệt mật này còn tiết lộ Nixon đã tìm cách thuyết phục lãnh đạo Đài Loan khi đó là Tưởng Giới Thạch hỗ trợ can thiệp. Ứng cử viên phó tổng thống của Nixon là Spiro T. Agnew cũng được lệnh tăng sức ép lên Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ Richard Helms, đe dọa sẽ cho ông này mất việc nếu không đứng về phía Nixon.
Không những thế, theo tiết lộ của Farrell trên tờ The New York Times, tập hợp những ghi chú của ông Haldeman còn chứa đựng nhiều chỉ thị khác về các lời hứa của Nixon với các thành viên đảng Cộng hòa miền Nam, cam kết rằng ông sẽ bỏ bớt đi các quyền tự do dân sự và gây khó dễ cho các phong trào đòi quyền của người da màu. Ông thậm chí cũng từng bàn luận với người trợ lý về kế hoạch nghe lén các đối thủ chính trị tại California vào năm 1962.
Thời gian cuối cùng đã đánh bại Nixon. Nhà sử gia người Mỹ nhận định việc ông Nixon phá hoại hòa đàm và kéo dài cuộc chiến trong gần năm năm, khiến thêm hàng ngàn thanh niên Mỹ bỏ mạng tại chiến trường Việt Nam là trầm trọng hơn gấp nhiều lần những gì đã xảy ra trong vụ bê bối Watergate và xứng đáng phải bị xem xét điều tra.
Cuộc phỏng vấn huyền thoại Ông David Frost là một nhà báo truyền hình người Anh, nổi tiếng trên thế giới nhờ một loạt cuộc phỏng vấn với cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Trong sự nghiệp truyền hình kéo dài năm thập niên, ông Frost có một danh sách dài những cuộc phỏng vấn với những nhân vật có ảnh hưởng và quyền lực nhất thế giới, trong đó có các thủ tướng Anh, các tổng thống Mỹ và biểu tượng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid Nelson Mandela. Trong cuộc phỏng vấn thực hiện năm 1977 với ông Nixon, ông Frost đã khiến cho cựu tổng thống phải bày tỏ sự hối tiếc về hành động của mình trong vụ bê bối Watergate đã buộc cựu tổng thống phải từ chức ba năm trước đó. Ông cũng đã chất vấn Nixon về các cáo buộc can thiệp phá hoại hòa đàm Paris nhưng cuối cùng cũng không thể tạo đủ sức ép để vị cựu tổng thống tiết lộ sự thật. |