Hi hữu: Tim xẹp như... ruột vẫn được cứu sống

Bệnh nhân may mắn là ông Trần Bảo Khanh (47 tuổi), ngụ quận Gò Vấp (TP.HCM). Dự kiến hôm nay, 17-1, ông Khanh sẽ được xuất viện về với gia đình sau 60 ngày điều trị tại BV Chợ Rẫy.

Ca phẫu thuật ngoạn mục

Trước đó, chiều 16-11-2017, ông K. bị tai nạn giao thông được đưa vào BV Chợ Rẫy trong tình trạng lơ mơ, da nhợt nhạt, mạch và huyết áp không đo được. Kết quả chụp CT ở bệnh viện tuyến trước cho thấy bệnh nhân bị vỡ eo động mạch chủ ngực, đe dọa tính mạng rất lớn. Các bác sĩ nhận định nếu mổ trễ chỉ vài phút, bệnh nhân cầm chắc cái chết.

Nhận bệnh thời điểm đó, BS Vũ Dzuy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, nhận định tình trạng bệnh nhân rất nặng nhưng nhờ sự phối hợp sớm, mạng sống của bệnh nhân mới được giữ lại. Nhiều thủ tục hành chính được bỏ qua để ca mổ tiến hành kịp thời với sự hội chẩn liên khoa cấp cứu, gây mê hồi sức, phẫu thuật mạch máu và tim.

Tham gia gây mê hồi sức cho ca phẫu thuật, BS Lưu Hòa Hiệp nhớ lại: “Tính mạng bệnh nhân chỉ còn tính bằng phút. Kế hoạch đặt ra là huy động nhiều loại máu và chế phẩm của máu, những đường truyền tĩnh mạch trung tâm được thiết lập để truyền dịch và bù máu khối lượng lớn. Mọi hoạt động gây mê hồi sức được tiến hành song song khi bác sĩ phẫu thuật khâu vá chỗ rách động mạch. Tất cả sự phối hợp nhịp nhàng đó mới mang lại thành công cho ca phẫu thuật. Thật tôi không dám nghĩ tới bệnh nhân sẽ thoát chết ngoạn mục như vậy”.

Anh Khanh và các bác sĩ tham gia ca phẫu thuật kỳ tích. Ảnh: H.LAN

BS Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa Mạch máu, là phẫu thuật viên chính của ca mổ, chia sẻ đây là một ca bệnh vô cùng hy hữu, tính mạng bệnh nhân ngàn cân treo sợi tóc vì ngưng tim nhiều lần. Nếu mổ trễ hơn năm phút, bệnh nhân có thể tử vong. Tỉ lệ sống sót ở những trường hợp này chỉ chiếm 5/10.000 trường hợp. Tim bệnh nhân ngừng đập trên bàn mổ nên bắt buộc vị bác sĩ phải dùng tay trực tiếp bóp tim trong lồng ngực để hồi sức cho tim. BS Ánh kể lại: “Vết thương ở động mạch chủ ngực đã gây mất máu gần hết cho bệnh nhân, máu tràn hết khoang màng phổi, trung thất. Tim bệnh nhân không còn đập nữa, tim xẹp như ruột vì không còn máu bên trong. Tôi đã không nghĩ quả tim còn trong đó”.

Tuy nhiên, sự nỗ lực phối hợp với êkíp gây mê hồi sức bơm máu, truyền dịch liên tục, quả tim dần được lấp đầy máu thì vị bác sĩ mới cảm giác được vật thể mình đang bóp thực sự là quả tim. Song song hồi sức cho tim, nhiều tình huống khác đã được đặt ra như làm sao cấp máu cho não và xử lý vết thương ở động mạch chủ nhưng không gây ra liệt tủy, dẫn đến biến chứng liệt hai chi dưới. “Chúng tôi sợ nhất máu không kịp bơm lên não để cấp dinh dưỡng cho não chỉ quá năm phút thôi là bệnh nhân sẽ sống cảnh thực vật. Tình trạng vỡ eo động mạch chủ rất hiếm, trong hơn 30 năm cầm dao mổ, đây là lần thứ hai tôi gặp, có điều ca trước còn đo được mạch và huyết áp, không mất máu ồ ạt như ca này. Thần chết đã đến gõ cửa nhưng bệnh nhân có thể ra viện, trở về trong vòng tay gia đình đã mang lại niềm vui vô bờ bến cho chúng tôi” - BS Ánh xúc động nói.

Máu truyền từ 20 người khác nhau

Thế nhưng khó khăn chưa dừng lại tại đó, bệnh nhân còn phải trải qua quá trình hồi sức hết sức vất vả. BS Huỳnh Quang Đại, khoa Cấp cứu hồi sức, nhớ lại khi tiếp nhận bệnh nhân cũng hết sức bất ngờ vì kỳ tích của ca phẫu thuật. BS Đại cho biết bệnh nhân được truyền đến 20 đơn vị máu (tương đương 5 lít máu) đến từ 20 người khác nhau, cộng với tình trạng sốc kéo dài sẽ dẫn đến suy đa cơ quan như gan thận, hôn mê lâu dài, khó sống được. “Nhưng với công sức anh em đã đổ ra, chúng tôi quyết cố gắng hết sức. Bệnh nhân được cho truyền máu, thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh, ổn định huyết áp và theo dõi sát sao. Sau một tháng, huyết áp, gan thận dần hồi phục, bệnh nhân tỉnh lại và được tập cai máy thở. Nhưng do sức yếu, bệnh nhân phải đối mặt với nhiễm trùng bệnh viện nên phải dùng kháng sinh, bổ sung dinh dưỡng, tập hô hấp, sau một tháng bệnh nhân mới được chuyển lên khoa mạch máu. Tại đây, bệnh nhân được cho tập thêm vật lý trị liệu và dinh dưỡng. Chúng tôi rất vui khi nghe tin bệnh nhân sẵn sàng xuất viện” - BS Đại vui mừng chia sẻ.

Khoảng 11 giờ khuya 15-11, tôi nhận được điện thoại báo chồng bị tai nạn nhập BV Nhân dân Gia Định khi đang trên đường trở về nhà sau khi tổ chức sinh nhật cùng bạn bè. Lúc vào bệnh viện, chồng tôi vẫn tỉnh nhưng đến trưa 16-11 thì khó thở nên được các bác sĩ chụp CT lồng ngực. Tại đây, bác sĩ nhận thấy anh Khanh bị vỡ eo động mạch chủ nên chuyển gấp qua BV Chợ Rẫy với thông báo nếu vỡ ra, chồng tôi có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Khi qua Chợ Rẫy cấp cứu, tim mạch, huyết áp chồng tôi trụy hết, càng lúc càng khó thở đến nỗi ngưng thở trên băng ca. Tôi không định thần được gì, phải nhờ người cháu dìu. Mọi sự đều trông chờ vào bác sĩ, chỉ biết cầu mong, khấn nguyện. Chỉ khi bác sĩ báo là chồng tôi đã qua cơn nguy kịch tôi mới hoàn hồn.

Tôi rất mừng và biết ơn các bác sĩ nhiều lắm. Bình thường chồng tôi làm kế toán nuôi vợ con, tôi sau sinh đứa thứ nhất bị nhau tiền đạo không di chuyển được nhiều. Giờ chỉ mong anh bình phục đi làm lại.

Lúc mổ, bác sĩ cũng báo sau phẫu thuật chồng tôi có nguy cơ bị suy thận, suy gan nhưng giờ ổn định, tôi mừng lắm. Tuy chưa nói được nhưng nhìn khẩu hình hơi gió của chồng, tôi biết những ngày nằm đây chứng kiến người chết liên tục, tôi biết ảnh sợ và thấy mình còn may mắn từ cõi chết trở về gặp vợ con và dặn lòng sau này đi đứng cẩn thận hơn.

Chị LƯU THỊ THU HÀ, vợ bệnh nhân Trần Bảo Khanh 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm