Hiện đại hóa lưới điện, góp phần xây dựng đô thị thông minh

Trong giai đoạn 2020-2025, EVNHCMC tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác hiện đại hóa lưới điện. Các ứng dụng này sẽ góp phần thực hiện định hướng xây dựng đô thị thông minh của TP.HCM theo chỉ đạo của UBND TP.

Lưới điện thông minh được triển khai bài bản

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước kiện toàn và hiện đại hóa lưới điện thông qua việc xây dựng và tổ chức triển khai “Đề án phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn năm 2025”.

Công tác này đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như hoàn thành trước hai năm kế hoạch chuyển đổi 100% trạm biến áp 110 kV vận hành theo tiêu chí không người trực; hoàn thành trước một năm đối với chỉ tiêu tự động hóa lưới điện phân phối; đưa vào vận hành trung tâm điều khiển từ xa lưới điện phân phối đầu tiên tại Việt Nam…

Theo ông Thanh, EVNHCMC đã có những định hướng đúng đắn trong việc nghiên cứu, tiếp cận, xây dựng và thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh theo xu hướng của thế giới.

Các cấu phần của lưới điện thông minh được triển khai bài bản, đầy đủ, có kế hoạch chi tiết (phân công nội dung thực hiện, trách nhiệm, tiến độ cụ thể) và cơ bản đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Việc khai thác hiệu quả các ứng dụng lưới điện thông minh chính là nền tảng để tổng công ty đạt được những kết quả tốt trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, số lần mất điện trung bình của lưới điện (SAIFI) là 0,77 lần/năm và thời gian mất điện trung bình của lưới điện (SAIDI) là 58,4 phút/năm. Tỉ lệ tổn thất điện năng là 3,48%, thấp hơn so với chỉ tiêu EVN giao đến năm 2020 là 3,5%...

Nhận định được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong lưới điện thông minh, EVNHCMC đã triển khai tốt công tác nghiên cứu, phát triển các hệ thống công nghệ thông tin. Từ đó đã cơ bản số hóa hoàn tất công tác quản lý kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực quản lý vận hành lưới điện, làm tiền đề để từng bước tiếp cận và áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 (Big Data, IoT, AI, Cloud) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh điện.

EVN đang áp dụng công nghệ 4.0 vào vận hành lưới điện. Ảnh: TN

Góp phần xây dựng đô thị thông minh

Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ EVNHCMC sẽ triển khai chín chương trình hành động theo nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tổng công ty. Trong đó, “Chương trình hiện đại hóa lưới điện, phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2020-2025” sẽ chú trọng kiện toàn kết cấu lưới điện theo nguyên tắc chuẩn hóa, đồng bộ nhằm tối ưu hóa công tác quản lý vận hành.

EVNHCMC đang đẩy mạnh công tác ngầm hóa để nâng cao an toàn, mỹ quan lưới điện.

Đồng thời, công ty cũng áp dụng giải pháp thi công không gây mất điện khách hàng như: công nghệ sửa chữa đường dây đang mang điện (live line) cho lưới điện đến cấp điện áp 110 kV; vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao; đóng kết mạch vòng lưới điện 22 kV, 110 kV; tự động chuyển nguồn khi có sự cố…

Cạnh đó, EVNHCMC cũng đẩy nhanh tiến độ lắp đặt công tơ đo xa, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng thông qua việc khai thác hóa đơn tự, cung cấp thông tin tình hình sử dụng điện tới khách hàng qua ứng dụng di động và trên website. 

Trong đó, EVNHCMC tập trung duy trì lưới điện 110 kV đáp ứng vận hành theo tiêu chí N-1, riêng các trạm cấp điện cho khu vực trung tâm đạt tiêu chí N-2 (dự phòng đến hai nguồn); tái cấu trúc lưới điện trung, hạ thế để giảm bán kính cung cấp điện và nâng cao độ tin cậy, ổn định cho sự phát triển của TP.

Nhằm góp phần thực hiện định hướng xây dựng đô thị thông minh của UBND TP.HCM, EVNHCMC tiếp tục triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình lưới điện thông minh.

Trọng tâm của mô hình này là cấu phần tự động hóa lưới điện toàn diện từ cấp điện áp 110 kV đến trung, hạ áp và chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. Đồng thời, áp dụng mô hình tiên tiến về công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị lưới điện phân phối theo điều kiện vận hành thực tế (CBM).

Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác hiện đại hóa lưới điện; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến - cải tiến kỹ thuật thông qua mô hình hoạt động câu lạc bộ khoa học kỹ thuật.

Ngoài ra, EVNHCMC cũng phát triển, xây dựng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề, có trách nhiệm cũng như đủ năng lực để tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới.

Các chỉ tiêu hướng đến trong năm năm tới

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVNHCMC, các chỉ tiêu mà đơn vị hướng tới đến năm 2025 gồm:

Số lần mất điện trung bình trong năm của lưới điện SAIFI ≤ 0,5 lần (phấn đấu ≤ 0,3 lần) và thời gian mất điện trung bình trong năm của lưới điện SAIDI ≤ 50 phút (phấn đấu ≤ 30 phút).

Tỉ lệ tổn thất đo đếm điện năng ≤ 3,40%; 100% các trạm 110 kV, các trạm ngắt, lưới điện 22 kV được giám sát, điều khiển từ xa; tối thiểu 50% số tuyến dây trung thế công cộng vận hành tự động (DAS/DMS).

100% các trạm biến áp phân phối được giám sát vận hành từ xa (có tính năng cảnh báo mất điện tức thời); xây dựng 5÷10 trạm biến áp số; đưa vào vận hành trung tâm điều khiển dự phòng; 100% công tác quản lý kỹ thuật vận hành lưới điện được số hóa.

Đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cực đại của TP. Dự kiến đạt 7.000 MW vào năm 2025, thương phẩm đạt khoảng 38,630 tỉ kWh với tăng trưởng bình quân 6,8%/năm.

Duy trì sản lượng điện tiết kiệm ở mức ≥ 2% kế hoạch thương phẩm năm và hệ số đàn hồi năng lượng điện ≤ 0,85. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới