Năm xây nhà được tính theo năm âm lịch, bắt đầu sau Tết Nguyên đán. Xây nhà hai năm được hiểu là việc xây nhà kéo dài từ năm này sang qua Tết nguyên đán của năm sau và nhiều người cho rằng việc ấy là đại kị.
Vì sao xây nhà hai năm không tốt?
Theo chuyên gia phong thủy, đối với một tuổi nhất định sẽ hiếm khi có hai năm liên tiếp đều tốt cho việc làm nhà. Nghĩa là nếu năm nay gia chủ được tuổi để làm nhà thì năm sau sẽ không phải là năm được tuổi. Xây nhà là việc lớn, nếu diễn ra trong năm mà tuổi chủ nhà không tốt thì sẽ cảm thấy không an tâm. Đó là lý người ta kiêng xây nhà trong hai năm âm lịch.
Tuy nhiên, cần hiểu đúng về thời gian thực cần có để hoàn thiện một ngôi nhà. Ví dụ các công trình nhỏ, giản đơn như nhà cấp 4, nhà phố với 1, 2, 3 tầng… thì thời gian xây dựng khoảng 4 đến 10 tháng. Nhưng các công trình lớn như biệt thự lớn thì có khi kéo dài 2-3 năm là bình thường.
Khi đó không thể vì “kiêng” mà rút ngắn công đoạn quá mức được. Bởi hậu quả nhãn tiền sẽ là chất lượng công trình không đảm bảo. Thời gian xây nhà phải căn cứ theo quy mô xây dựng trước tiên.
Người trong nghề nói gì?
Nhà xây qúa lâu có thể bị ảnh hưởng độ bền. Ảnh minh hoạ
Đứng ở góc độ khoa học, người trong giới xây dựng và kiến trúc nhận định việc xây nhà kéo dài lâu sẽ ảnh hưởng đến nền móng của công trình. Trải qua thời gian dài mưa nắng, thời tiết mà nhà chưa hoàn thiện thì sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu, độ bền của nhà.
Nhiều người không chọn khởi công đầu năm là bởi thời tiết lúc này ở miền Bắc thì ẩm ướt, miền Nam lại vướng tâm lý đầu năm đầu tháng, chưa sẵn sàng dành nhiều sức lực cho kiểu công việc nặng nề như xây dựng.
Xây nhà trong thời gian lâu sẽ khiến kéo dài sự lo lắng, căng thẳng của gia chủ. Thời gian xây lâu thì cuộc sống lâu ổn định, nhiều người thậm chí phải đi thuê nhà. Từ những bất tiện đó dẫn đến tâm trạng gia chủ không vui vẻ, gia đình dễ cãi vã, bất hoà.
Một lý do lớn nữa là việc xây nhà kéo dài sẽ khiến chi phí tăng lên, tạo áp lực cho chủ đầu tư.
Làm sao để khắc phục
Về mặt tâm lý phải hiểu thời gian thực tế cần cho loại công trình mình muốn xây là bao nhiêu để không quá lo lắng, sốt ruột.
Đối với vấn đề tuổi tác làm nhà, các chuyên gia cho rằng việc quan trọng nhất là chọn tuổi để lấy ngày động thổ. Thời gian xây dựng có thể kéo dài qua năm sau cũng không quá đáng ngại.
Tính toán kỹ thời điểm khi xây nhà
Gia chủ có thể động thổ trong năm hợp tuổi, làm lễ vào nhà mới trong năm này luôn và sau đó tiếp tục việc hoàn thiện nhà. Một cách khác là mượn tuổi của bạn bè, người thân để xây nhà sau đó làm lễ "bán" lại cho chủ nhà là được.
Để không lãng phí thời gian thực khi xây nhà thì phải thống nhất trong nội bộ gia đình tất cả các vấn đề liên quan đến xây nhà, tránh để đến lúc vừa làm vừa tranh cãi. Sắp xếp chính xác thời điểm khởi công; chuẩn bị tài chính đầy đủ (có gia đình phải kéo dài thời gian xây do thiếu kinh phí); sắp xếp nhân công soi sóc và đôn đốc liên tục nhà thầu để hoàn thành đúng tiến độ.
Niềm vui khi dọn về nhà mới. Ảnh: lovepick.com
4 Lưu ý khi chọn thời điểm xây nhà Thời tiết: Nên hạn chế khởi công vào mùa mưa vì sẽ rất khó khăn cho công đoạn làm móng nhà. Thuê thợ: Tránh những lúc cao điểm như đầu và cuối năm vì số lượng nhân công không đảm bảo. Chính nhà thầu cũng sẽ không chắc chắn có đủ quân cho bạn. Giá vật tư: Cuối năm giá vật thường tăng từ 10-15%. Nếu có kế hoạch xây nhà thì có thể chuẩn bị sẵn hàng hoặc đặt cọc, chốt giá trước với cửa hàng vật liệu. Hoàn thiện: Khi hoàn thiện nhà với phần sơn, bố trí nội thất cũng phải tránh thời gian mùa mưa vì sẽ rất bất tiện cho thực hiện, vận chuyển đồ mộc. |