Có không ít những cái tên được nêu ra cho vị trí danh giá tại Nhà Trắng vào năm 2016. Nổi bật trong số đó là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, từng giữ chức thượng nghị sĩ bang New York và là phu nhân cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, đang được giới quan sát đánh giá là một ứng viên nặng ký dù bà Clinton chưa có quyết định tranh cử (sẽ được công bố vào năm 2015). Cựu Giám đốc CIA David Petraeus khẳng định bà Clinton có thể trở thành một “tổng thống vô cùng vĩ đại”.
Đại diện nặng ký của đảng Dân chủ
Hãng thông tấn AP (Pháp) đưa tin kết quả khảo sát hồi tháng 7-2014 cho thấy cùng với thượng nghị sĩ Rand Paul (đảng Cộng hòa), bà Clinton đang chiếm ưu thế trong các ứng cử viên tiềm tàng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu chọn tổng thống Mỹ năm 2016. Dù vị chính trị gia 66 tuổi này trước đây tuyên bố cần nghỉ ngơi sau bốn năm làm ngoại trưởng Mỹ nhưng nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ vẫn cho rằng bà Clinton rất có khả năng tranh cử tổng thống vào năm 2016.
Theo báo cáo của Pew, trung tâm nghiên cứu xã hội nổi tiếng tại Mỹ, công bố ngày 22-10, có đến khoảng 53% cử tri đảng Dân chủ yêu mến và ủng hộ bà Clinton. Còn theo kết quả thăm dò dư luận Quinnipiac Poll tháng 11-2014, bà Clinton đứng đầu trong các lựa chọn của đảng Dân chủ, chiếm 57% cho ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Dân chủ tham gia tranh cử tổng thống năm 2016.
Các trang báo, tạp chí danh tiếng của Mỹ đã và đang đẩy mạnh các cuộc khảo sát dư luận về khả năng ứng cử và đắc cử của bà Clinton. Trong khi đó, các chuyên gia chính trị lại đưa ra không ít lý do cho thấy bà Clinton hoàn toàn có khả năng hạ gục bất kỳ ứng viên nào trong cuộc đua vào Nhà Trắng tính đến thời điểm hiện tại (nếu bà Clinton chấp nhận trở thành đại diện của đảng Dân chủ).
“Người chinh phục đỉnh cao”
Hermene Hartman, người phụ nữ da màu quyền lực trong giới truyền thông Mỹ và nhà sáng lập tạp chí danh giá N’DIGO, nhận định trên tờ Huffington Post: “Bà Clinton sẽ chiến thắng. Người phụ nữ ấy đã trả hết nợ đời trong vai trò một nữ ứng viên chính trị, một người vợ và một người phụ nữ. Giờ là lúc bà ấy phải được ngồi vào đúng vị trí của mình bởi bà hội tụ đầy đủ các điều kiện bất kể người khác săm soi bà ra sao”.
Hermene Hartman đưa ra 10 lý do giúp bà Clinton đắc cử vào năm 2016. Trong đó Hermene Hartman nhấn mạnh “không có ai thuộc đảng Cộng hòa có tiềm năng như bà Clinton”. Các chỉ số thăm dò dư luận cho thấy số cử tri ủng hộ bà Clinton vượt xa ba ứng cử viên tiềm năng thuộc đảng Dân chủ: nữ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đương kim Phó Tổng thống Joe Biden, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo.
Bên cạnh đó, Hermene Hartman còn nhận định Clinton là một phụ nữ mẫu mực trong cuộc sống gia đình cũng như ứng xử tốt trong chuyện chính trường, mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống hôn nhân của mình sau vụ bê bối tình dục Monica Lewinsky do chồng bà gây ra khi đương nhiệm. “Có bao nhiêu người trở về với người đàn ông từng phản bội họ? Bà Clinton xứng đáng nhận được sự ủng hộ của nữ giới lẫn các đấng mày râu” - Hermene Hartman nhấn mạnh.
“Trưởng thành” sau nhiều năm lăn lộn chính trường
Hermene Hartman nhận định thêm Hillary Clinton ngoài việc là nguyên đệ nhất phu nhân Mỹ, còn từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như thượng nghị sĩ bang New York và cựu ngoại trưởng Mỹ dưới chính quyền Tổng thống B. Obama. Cuộc chạy đua trở thành ứng viên của đảng Dân chủ với đối thủ là ông Obama vào năm 2008 cũng đã tôi rèn bà Clinton thành một người có chiều rộng lẫn chiều sâu về kinh nghiệm trong đường đua khắc nghiệt vào Nhà Trắng năm 2016.
Dù ở vị trí nào, người dân Mỹ cũng biết đến bà Clinton là người có năng lực (bà là đệ nhất phu nhân đầu tiên của Mỹ có bằng tiến sĩ luật học và là một luật sư tài ba); một chính trị gia năng động, đóng góp lớn cho quốc gia với chuyến công du sang 112 quốc gia, tương đương quãng đường bay xấp xỉ một triệu dặm. Bà đạt kỷ lục “ngoại trưởng công du nhiều nhất” thế giới, một đệ nhất phu nhân tích cực tham gia các ủy ban và Chương trình cải cách, chăm sóc sức khỏe (Hillarycare).
Khi trở thành ngoại trưởng vào năm 2009, giới quan sát nhận định Tổng thống Obama và bà Clinton sẽ trở thành một “cặp đôi hoàn hảo” có thể tạo ra bước ngoặt trên chính trường Mỹ, đưa nội lực lẫn ngoại lực của nước Mỹ phục hưng sau thời gian dài khủng hoảng. Điều này được chứng minh qua một số bình luận: Về mặt quân sự, bà Clinton ủng hộ rút quân khỏi Iraq nhưng không rút quân khỏi Afghanistan; thành công trong việc cô lập Iran và xây dựng một liên minh nhằm lật đổ Gadhafi.
Ngoài ra, ở góc độ các vấn đề xã hội, bà Clinton đã thiết lập các chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ trị giá 1,2 tỉ USD nhằm trợ giúp các phụ nữ; bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trên thế giới. Đó là điểm cộng để cựu ngoại trưởng giành được số phiếu đến từ các cử tri nữ khi tranh cử tổng thống. Hermene Hartman nhận định bà Clinton sẽ tiếp tục hoàn thành các chính sách cải cách y tế mà ông Obama đã thông qua, thậm chí bà sẽ nâng cấp và hoàn thiện để dân chúng được hưởng phúc lợi tối đa.
Niềm hy vọng mới cho Mỹ
Trong năm 2013 lẫn 2014, khi ông Obama đương nhiệm, nhiều người ví Mỹ như “Chú Sam gặp nạn” khi chính phủ Mỹ hết đóng cửa rồi lại gặp “khủng hoảng người da màu” trên diện rộng sau sự kiện một thanh niên da màu bị cảnh sát bắn chết.
Đó là chưa kể đến các chỉ số về đời sống, kinh tế, xã hội dường như không làm thỏa mãn “cơn khát” của người Mỹ như lời ông Obama từng hứa khi tranh cử vào năm 2008 - “Chúng ta tin vào sự thay đổi” hay “Tiến lên” vào nhiệm kỳ từ năm 2012.
Trong khi đó bà Clinton lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân Mỹ lẫn giới chính khách và nhiều chuyên gia. Trong bối cảnh đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates lại bày tỏ quan điểm về Clinton rằng: “Tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ là một tổng thống tốt” vào năm 2016, mang lại “niềm hy vọng” mới cho nước Mỹ.
Thực tế người Mỹ đã “đặt lòng tin” vào bà Clinton từ năm 2012. Cuộc bầu cử năm 2012 chứng kiến cuộc chạy đua đầy cam go giữa ông Obama và ông Mitt Romney. Khi vị tổng thống da màu có một chiến thắng “không dễ dàng” thì có một câu hỏi được đặt ra: “Nếu bà Clinton là ứng cử viên đảng Dân chủ thay cho ông Obama thì tỉ lệ ủng hộ ra sao?”. Thật bất ngờ khi 70% những người được hỏi khẳng định bà Clinton sẽ chiến thắng áp đảo ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Nếu con số 70% trở thành hiện thực thì đó sẽ là tỉ lệ tín nhiệm cao nhất đối với một chính khách trong 20 năm qua trên chính trường Mỹ.
Trong quyển HRC của hai tác giả Jonathan Allen và Arnie Parnes có viết rằng bà Clinton đã “nhắm đến” chiếc ghế tổng thống kể từ khi bà trở thành ngoại trưởng. Bà không phải là một người hèn nhát hay chấp nhận thất bại. Bà biết rút ra bài học từ những sai lầm của mình, đứng lên và bước tiếp. Ánh mắt của bà chưa bao giờ thôi hướng về Nhà Trắng.
Tuổi 69 không ngăn bà Clinton làm “chủ Nhà Trắng” Đến cuộc bầu cử năm 2016, bà Clinton sẽ ở tuổi 69. Chính bà cũng từng thừa nhận rằng: “Không ai có thể đủ sức nắm giữ chức vụ tổng thống khi đã bước sang tuổi 70”. Tuy nhiên, Myra Adams, một cây bút chính trị nổi tiếng tại Mỹ, phân tích trong cuộc bầu cử năm 2012, đa phần cử tri ở độ tuổi 45-65 (chiếm 38% cử tri), trên 65 tuổi (chiếm 16% cử tri) đều bình chọn cho ông Romney thay vì Tổng thống Obama. Điều này cho thấy người Mỹ ngày nay quan niệm rằng “gừng càng già… càng cay” - thông minh, kinh nghiệm, uy tín, tiếng nói có “trọng lượng” hơn so với ứng viên trẻ. Ông Romney thắng ông Obama ở phân khúc cử tri lớn tuổi là nhờ ông ta “già” - có năng lực và thành tựu nhiều hơn Obama. Đó là chưa kể từ năm 2013, bà Clinton đã có thể vận động 1 triệu USD cho cuộc tranh cử - điều giúp ông Obama chiến thắng Romney hồi năm 2012. |