Sau một thời gian vắng bóng, những ngày gần đây trên tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua Bến Lức, Thủ Thừa và TP Tân An (Long An) tái diễn tình trạng chim rừng tràn lan. Thực chất những con chim này chỉ là chim cút.
Vẫn thủ đoạn cũ, những con “chim rừng” này sau khi nhổ lông, thui sẵn được bày bán dọc hai bên đường với tên gọi chằng nghịch, ốc cao,… Dù chỉ trên một đoạn đường ngắn vài cây số từ Tân An đến Bến Lức nhưng vào những ngày nghỉ, có đến 30, 40 người bày bán các loại chim này. Rất nhiều người đi đường đã mua những con “chim rừng” kiểu này với giá trên trời, từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg.
Sáng 13-12, một phụ nữ chở một thùng chim cút tấp vào lề đường tại khu vực xã Nhị Thành, Thủ Thừa. Sau khi dừng xe, người phụ nữ lấy từ trong giỏ xách nhựa ra một cái cân nhỏ và khoảng 10 kg chim đã được nhổ trụi lông. Chị cho biết quê ở Tiền Giang, đến Long An thuê nhà trọ để bán “chim rừng”. Chị nói: “Loại chim rừng chằng nghịch này được đánh lưới tại các huyện Đồng Tháp, Long An là đặc sản rất được dân nhậu ưu chuộng, do vận chuyển xa nên một ký tính rẻ cho 120.000 đồng”.
Cũng theo cách tính của người bán hàng này, mỗi ngày một người bán được trung bình khoảng tầm 20 kg, muốn mua sỉ hay lẻ gì cũng có và mua nhiều sẽ bớt cho chút đỉnh. Ước tính mỗi ngày có ít nhất hàng trăm ký “chim rừng” kiểu này được tiêu thụ.
Khò lửa thui chim ngay bên lề đường dơ bẩn. Ảnh: H.NAM
Những con cút nuôi được gắn mác chim chằng nghịch. Ảnh: H.NAM
Cách đó không xa, một người đàn ông cũng đang bày bán những con “chim rừng” tương tự trên một thùng xốp, không hề che chắn dù dọc quốc lộ bụi, cát bay mù mịt. Vừa bán người đàn ông này vừa dùng một đầu khò lửa gắn bình ga mini để thui những con “chim rừng” được đặt trên một cục đá cáu bẩn ven đường. Sau vài phút khò lửa, trở qua trở lại, người này dùng một cái giẻ đen kịt lau sơ qua, những con chim trắng nhợt nhạt trở nên săn chắc và ngả thành một màu vàng bắt mắt hơn.
Ông Phạm Văn Quẩn, Chủ tịch xã Nhị Thành (Thủ Thừa), cho biết thực chất những con “chim rừng” này là cút nuôi được kéo chân cho dài rồi sơn màu cho giống chim rừng để bán được giá cao.
“Trước đây tại địa phương cũng có nhiều hộ nuôi chim cút, tuy nhiên những người này không phải dân địa phương, những con chim cút gắn mác chim rừng cũng từ nơi khác đến. Có lúc họ bày bán lấn chiếm lề đường nên tôi phải cho anh em công an đi giải tán bớt. Nhiều người đi đường không biết mới bị họ lừa, chứ chim rừng bây giờ hiếm lắm, kiếm từng con còn khó, lấy đâu ra số lượng lớn như vậy mà bán. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra và sớm xử lý kiểu làm ăn gian lận này” - ông Quẩn nói.
Ông PHAN NGỌC CHÂU, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An: Có thể mang mầm bệnh Đa số các loại gia cầm được bày bán không rõ nguồn gốc nói trên đều không an toàn, có thể mang mầm bệnh. Chi cục sẽ sớm phối hợp với các ngành liên quan, trong đó có lực lượng quản lý thị trường sẽ đi kiểm tra, sớm có hướng xử lý dứt điểm. |