'Họ và tên' trên hộ chiếu Việt Nam

(PLO)- Nhân câu chuyện Bộ Công an đang nghiên cứu bổ sung “nơi sinh” vào mẫu hộ chiếu mới có chip, tôi đề xuất các cơ quan hữu quan nên bám theo Luật Hộ tịch mà sửa đổi cách ghi lại tên công dân trên hộ chiếu theo hướng ghi đầy đủ "Họ, chữ đệm, tên/Surname, Middle, First name" thay vì chỉ ghi "Họ và Tên / Full name" như hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi có một nhóm bốn chị bạn, cùng đi sang Úc làm tiến sĩ, ở chung nhà với nhau. Mỗi khi nhận thư, trên phong bì toàn ghi chữ “Thi Nguyen”.

Họ phải cùng mở ra xem cụ thể thì mới biết thư của ai.

Điều này là do khi khai vào các hệ thống ở Úc như trường học, bằng lái, điện, nước v.v… thì nhập theo hai thành tố: Họ và tên. Căn cứ vào Hộ chiếu, thì họ là “Nguyễn”, còn tên là “Thị Ngân Hà” (ví dụ vậy).

Trừ vài giấy tờ chính thức thì thường các tên sau chữ đầu tiên sẽ bị tóm lược thành chữ cái “Thi N H” hay lượt bỏ còn mỗi “Thi”. Và như vậy đa số các thư từ, hóa đơn, thư mời … sẽ có mỗi chữ “Thi Nguyen”.

Đó là lý do cho sự rắc rối với nhóm nghiên cứu sinh trên.

Mẫu hộ chiếu mới đang được sử dụng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Mẫu hộ chiếu mới đang được sử dụng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Mở rộng ra, trừ những người mà tên chỉ có hai chữ, thì đa số người Việt Nam ra nước ngoài sẽ không được gọi đúng tên (first name) của mình.

Trong ví dụ trên đó là chị Hà. Mà đa số sẽ bị gọi là chị Thị, anh Văn v.v… tức tên lót (chữ đệm) thay vì đúng tên như văn hóa và thực tế của chúng ta.

Sống ở nước ngoài, còn một số chuyện rắc rối, buồn cười từ định danh “họ và tên” từ cuốn hộ chiếu Việt Nam hiện nay. Bên phía ngân hàng thì cho rằng họ là “Nguyễn”, còn “Thị Ngân Hà” là tên (Given Name). Còn bên cấp bằng lái, theo logic châu Âu, thì lại nói “Thị” là tên (first name), “Ngân Hà” là chữ đệm (middle name). Còn bên trường Đại học, hiểu rõ hơn thì lại nói “Hà” là tên (first name), “Thị Ngân” là chữ đệm (middle name)…

Các bên cứ bắt bẻ hay diễn dịch mỗi kiểu nên gây phiền phức cho các bạn du học sinh hay những người Việt Nam đang làm việc, học tập và du lịch tại nước ngoài.

Đó là chưa kể trường hợp bạn Hà muốn gọi tên mình là “Ngân Hà” (mang ý nghĩa là dải Ngân Hà - Milky way), chữ đệm là “Thị”. Thì lại không biết đăng ký từ đâu để các cơ quan chức trách định danh mình cho đúng.

Có thể nói hộ chiếu là giấy tờ có căn cứ định danh quan trọng nhất với các cơ quan nước ngoài. Thế nhưng việc định dạng “Họ và Tên / Full name” như mẫu cũ và mới (ra tháng 7-2022) đã và đang gây ra nhiều bất cập cho các công dân Việt Nam như đã nói ở trên.

Về mặt pháp lý, việc ghi tên chỉ bao gồm 2 thành tố họ, và tên là không phù hợp với Luật Hộ tịch Việt Nam 2014, vốn xác định tên gồm “Họ, chữ đệm và tên” (Điều 14). Hay theo mẫu Giấy khai sinh mới nhất hiện nay đã đề rõ “Họ, chữ đệm, tên”.

Trên hộ chiếu hiện nay phần họ tên chỉ có các thành tố họ và tên mà không có chữ đệm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trên hộ chiếu hiện nay phần họ tên chỉ có các thành tố họ và tên mà không có chữ đệm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Vì vậy, nhân câu chuyện Bộ Công an đang nghiên cứu bổ sung “nơi sinh” vào mẫu hộ chiếu mới có chip, tôi đề xuất các cơ quan hữu quan nên bám theo Luật Hộ tịch mà sửa đổi cách ghi lại tên công dân trên hộ chiếu theo cách sau:

Họ, chữ đệm, tên / Surname, Middle, First name:

Ví dụ Nguyễn, Thị, Ngân Hà

Việc để dấu phẩy sẽ làm rõ từng thành tố, hoàn toàn phù hợp với luật Hộ tịch 2014. Ngoài ra, các nước như Trung quốc, Saudi Arabia cũng đã làm điều tương tự trên hộ chiếu của mình (thêm dấu phẩy vào để tách rõ họ, tên). Hay ghi rõ “First and Middle names” thay thế cho “Given name” đã được Na uy triển khai cho mẫu hộ chiếu mới của nước này vào năm 2018.

Thứ tự cũng như các thành tố trong tên Việt Nam có thể nói là rất đặc biệt so với các nước khác trên thế giới. Đa số theo thứ tự “Tên + chữ đệm + họ”, hay “Tên chung + họ”. Và do đó, Tên chung (given name) thì bao gồm “Tên + chữ đệm” (First + Middle name). Còn nếu để không như hộ chiếu Việt Nam hiện nay, tên chung sẽ có thứ tự ngược lại “Chữ đệm + tên”, đây là lý do làm nhiều người nước ngoài không hiểu.

Nhiều người lầm tưởng tên Việt Nam giống tên các nước Đông Bắc Á như Trung quốc hay Hàn quốc. Điều này lại không đúng bởi lẽ các nước đó không có Chữ đệm. Ví dụ “Trương Vô Kỵ’ thì chỉ có 2 thành tố Họ là “Trương” và Tên là “Vô Kỵ”. Lịch sự thì chúng ta gọi là “ông Trương”, còn thân mật thì sẽ gọi “Vô Kỵ” (bạn Vô Kỵ, Vô Kỵ ca ca, Vô Kỵ à, v.v…). Không có chuyện gọi “bạn Kỵ”.

Càng đặc trưng, chúng ta càng nên ghi rõ để giúp bạn bè quốc tế nhìn quyển hộ chiếu là hiểu ngay lập tức tên gọi chính xác của mình, mà không phải giải thích vòng vo.

Đề xuất này nếu được thực hiện sẽ hóa giải mọi phiền phức về tên họ của công dân Việt Nam ở nước ngoài như hiện nay và sẽ là một điểm cộng rất lớn cho Bộ Công an và Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm