Cụ thể, một trạng thái (status) trên Facebook được Đỗ Mỹ Linh chia sẻ từ năm 2009, tức khi tân hoa hậu chỉ mới 13 tuổi, đã bị cư dân mạng đem ra soi và cho rằng Mỹ Linh vô lễ khi ám chỉ giáo viên là chó. Chuyện này tương tự như câu chuyện người đẹp Huyền My ngay sau khi nhận vai trò á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2014 cũng bị cư dân mạng lôi ra một mớ ảnh từng diễn bikini ở quán bar.
Khi trở thành người của công chúng thì càng bị công chúng săm soi, bị gán cho trách nhiệm với hình ảnh đại diện cho cái đẹp. Đặc biệt hơn, với các sân chơi nhan sắc luôn được gắn mác đề cao vẻ đẹp, lòng nhân ái thì hiển nhiên người đăng quang sẽ trở thành biểu tượng.
Tuy nhiên, một vài câu nói của một cô bé ở tuổi ăn tuổi lớn liệu có đáng để đám đông nhảy vào trùm lên chiếc áo đạo đức? Để rồi hành động đầu tiên trong vai trò tân hoa hậu của Đỗ Mỹ Linh là… xóa hết nội dung Facebook của mình. Người ta nghĩ đến một cô bé phải xóa sạch quá khứ cho một vai trò mới, cho phần đời mới dẫu chưa chắc đã đẹp hơn, tươi hồng hơn phần đời trước kia.
Sự soi xét của công chúng giúp cho hoa hậu sống có trách nhiệm hơn. Công chúng có quyền giám sát cuộc đời người nổi tiếng nhưng việc giám sát bao dung sẽ giúp người ta sống tốt hơn và vẫn còn được là chính mình. Cuộc sống luôn có sai lầm. Nhưng sau sai lầm và khắc phục, cô hoa hậu được là chính mình thì vẫn tốt hơn một cuộc sống chiều lòng công chúng bằng cách phủ đầy sự trong sạch lung linh chỉ nhìn thấy ở vẻ bề ngoài.