Các cựu chiến binh Trung đoàn 812 anh hùng tưởng niệm đồng đội đã ngã xuống vì Pailin trên vùng đất trước đây là một bãi mìn nổi tiếng - Ảnh: Dũng 54 |
Campuchia, tháng 12, đầu mùa khô, không còn những cơn mưa tầm tã để những cựu binh hoài niệm về những ngày hành quân ròng rã trong mưa, trong mênh mông nước lũ sông Mekong đổ ngược về Biển Hồ như ba mươi mấy năm về trước.
Từ cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), chúng tôi, những cựu chiến binh Trung đoàn 812 anh hùng (thuộc Sư đoàn 309), trở lại Pailin - một tỉnh lỵ ở hướng tây bắc của Campuchia sát biên giới với Thái Lan.
Miền ký ức
Từ Phnom Penh đến Pailin hơn 370km, xuyên quốc lộ số 5, ba mươi mấy năm trước tôi đã nhiều lần đi trên con đường xa vời vợi này, giờ đây yên bình đến thi vị và ôtô chỉ chạy mất hơn năm giờ. Những cánh đồng chạy dọc theo quốc lộ, qua các tỉnh Kampong Chunang, Pursat, Battambang vào mùa lúa chín vàng ruộm đầy khắc khoải.
Những rừng cây thốt nốt vẫn thẳng hàng trầm mặc trong nắng chiều miên man, gợi nhớ những chiều hành quân dưới bóng cây lấy đường truyền thống của dân tộc Khmer.
Nhớ những đêm phục địch dưới tán thốt nốt lao xao gió lạnh sương đồng, những ngày cáng thương mệt mỏi, những trận đánh dữ dội, hỏa lực sáng rực trời đêm, có khi làm những tán cây thốt nốt cháy như những ngọn đuốc giữa trời...
Chúng tôi đến Battambang khoảng 17g. Đây là thành phố lớn thứ hai của Campuchia, có con sông Sangker thơ mộng chảy qua. Battambang cũng là “cái túi” đựng tàn quân Pol Pot sau ngày giải phóng Phnom Penh 7-1-1979.
“Cái túi” này cũng từng được mở ra “cửa sinh” cho các cố vấn nước ngoài thoát khỏi Campuchia qua ngõ Thái Lan và để sau này, cũng ở khu vực này, quái thai của chế độ diệt chủng Pol Pot hồi sinh dưới bàn tay của những người sản sinh ra chúng.
Mười năm bộ đội Việt Nam chiến đấu với bọn tàn quân Pol Pot, Battambang được xem là chiến trường đẫm máu nhất. Những binh đoàn, sư đoàn thiện chiến nhất đều đã chiến đấu trên địa bàn này, như các sư đoàn của Quân đoàn 3, Mặt trận 479...
Tháng 3-1979, không thể ngờ sư đoàn 309 đang làm nhiệm vụ giải phóng hai tỉnh Mondulkiri và Ratanakiri ở đông bắc Campuchia lại nhận lệnh hành quân về Battambang. Đó là cuộc hành quân dài gần 2.000km, cả bằng đường bộ lẫn đường không, từ Lumphat (tỉnh Ratanakiri) về Battambang, Siem Reap.
Một cầu không vận được lập tại sân bay Cù Hanh (Pleiku hiện nay) nối Tân Sơn Nhất - Siem Reap - Battambang. Battambang trở thành một miền ký ức chiến tranh không bao giờ quên của những người lính Sư đoàn 309, cũng là nơi ghi dấu ấn 10 năm dọc ngang trên chiến trường tây bắc Campuchia khốc liệt và gian khổ.
Khói nhang tưởng niệm
Battambang nằm bên dòng Sangker đã bắt đầu vào mùa khô, nước đã cạn dòng lững lờ chảy dài từ biên giới về tận Tonlesap.
Chạy một vòng quanh thành phố, tôi vẫn nhận ra nơi mình từng đến nhiều lần, đó là sân bay Battambang. Hơn 35 năm trước tôi cùng đồng đội đặt chân xuống sân bay này và sau đó nhiều người đã phải yên nghỉ tại đây vì lúc đó sân bay dùng làm nghĩa trang tạm của Sư đoàn 309.
Tôi đã từng tham gia áp tải liệt sĩ về nghĩa trang này. Những túi nilông lạnh lùng, trắng toát đựng thi thể đồng đội rơi xuống những hố chôn tạm thời, có khi đầy nước. Mùi thi thể phân hủy như ám vào bộ quân phục bạc màu, mùi tử khí vẫn ám ảnh đến tận hôm nay.
Battambang giờ có ai còn nhớ nghĩa trang này?
Battambang đã lên đèn, chúng tôi ngồi trong quán cà phê nhỏ bên sông Sangker ngắm dòng sông chảy bất tận, lặng nghe tiếng bước chân đồng đội về đây quây quần với anh em. Bên kia đường, trung tâm Anh ngữ ríu rít tiếng học sinh. Họ là tương lai của dân tộc này. Các em có biết không, nước trên con sông thơ mộng này cũng có máu, rất nhiều máu của bộ đội Việt Nam...
Sáng hôm sau chúng tôi đặt chân lên Pailin. Trước đây Pailin là một huyện của tỉnh Battambang, nơi Trung đoàn 812 đứng chân địa bàn trong nhiều năm, cũng là nơi ta bị tổn thất nhiều nhất. Năm 1997, Pailin tách ra thành tỉnh lỵ. Từ Battambang về Pailin đi theo đường 10, trước đây là “con đường máu”, đặc biệt đoạn từ Treng về Pailin chỉ dài gần 40km nhưng dọc đường đầy những ổ địch phục kích.
Pailin, nơi có quá nhiều kỷ niệm chiến tranh với chúng tôi. Dãy Đăngrêt sát biên giới Thái Lan rất gần kia là các chốt B1, B2, B3... nơi từng thách thức tuổi thanh xuân của chúng tôi với những ngày dài cõng gạo, cõng nước, vật liệu dựng chốt, những đêm lạnh lẽo co ro giữa rừng sâu phục địch, những trận đánh sáng rực cả núi rừng.
Pailin để lại trong tôi hai nỗi ám ảnh là sốt rét và mìn. Sốt rét Pailin không ai tránh khỏi, đặc biệt sốt ác tính, cái chết như cận kề. Mìn dày đặc, có cả những bãi mìn với đủ loại mìn sát thương độc ác nhất, hiện đại nhất của những năm cuối thế kỷ 20. Chính mìn là vũ khí sát thương lớn nhất với bộ đội ta.
Chiều muộn, giữa nơi từng là bãi mìn chết chóc năm xưa, khúc tưởng niệm đồng đội cất lên. Nhang khói ẩn hiện, trầm lắng như bay tận lên đỉnh B1, B2... gọi đồng đội về với nhau trong cuộc tương phùng mà cách đây mấy chục năm không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng được.
Pailin vẫn với cái nắng vàng hoe như mật. Những bãi lau nở hoa trắng xóa trong những bãi mìn xưa kia như bóng mẹ già mòn mỏi đợi những đứa con biền biệt chẳng chịu về. Cỏ lau cũng cất lên khúc tưởng niệm rì rầm, bất tận trong gió...
Pailin giờ bình yên, những căn nhà khang trang mọc lên. Trước những ngôi nhà bình yên ấy thường trồng hoa bươm bướm. Hoa bướm còn được gọi là tử la lan, hoặc có người yêu mến nó gọi là hoa thanh thản. Hoa thanh thản cánh phẳng, xòe rộng, nhiều màu sắc, mượt như nhung. Người ta thường gửi hoa này đến những người thân yêu để nhớ mãi về nhau.
Đồng đội ơi, xin hãy bình yên nằm lại với Pailin. Ở đó có loài hoa thanh thản nở quanh năm, có điệu dân vũ ngợi ca tình yêu, hạnh phúc. Và trong niềm hạnh phúc ngàn năm ấy, có máu và rất nhiều máu của “đội quân nhà Phật” mà người dân Campuchia thường gọi quân tình nguyện Việt Nam.
Điệu dân vũ nổi tiếng... Ngắt vội nhành hoa thanh thản bên đường, xin dâng tặng đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống vì Pailin và cũng tặng cho chính chúng tôi, bởi nếu không đến đây làm sao lòng mình thanh thản được. Không đến đây sẽ không hiểu được điệu dân vũ Chim khổng tước của người Pailin. Đó là hình ảnh chim trống xòe cánh gợi tình với chim mái như ngợi ca hạnh phúc, mang lại thịnh vượng cho vùng đất vốn rất giàu có này. Điệu dân vũ nổi tiếng này thường được biểu diễn vào những ngày lễ hội lớn của đất nước chùa tháp để cầu mong hạnh phúc. |
Theo LƯU NHI DŨ (Tuổi Trẻ)