Đó là những điểm rất mới trong dự thảo một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm tới, được Bộ GD&ĐT công bố và đưa ra lấy ý kiến công luận chiều 2-1. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, nếu nhận được sự đồng tình của dư luận thì phương án này sẽ được áp dụng ngay trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014.
Xếp loại tốt nghiệp = điểm thi + điểm lớp 12
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết theo dự thảo, thí sinh sẽ chỉ phải thi bốn môn. Hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn. Hai môn còn lại, thí sinh được chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Cũng theo đó, điểm xếp loại tốt nghiệp sẽ tính bằng điểm trung bình các bài thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 (theo cơ cấu 50 - 50).
Thi tốt nghiệp bốn môn có tạo điều kiện cho các em học lệch để thi tốt nghiệp và sau này là thi ĐH? Thứ trưởng Hiển cho rằng Bộ khuyến khích học sinh học lệch nhưng là học lệch chính đáng. “Bộ khuyến khích các em học chuyên sâu, hướng tới phân hóa học sinh, phát huy tối đa năng lực và sở thích của bản thân theo đúng tinh thần đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, điểm xếp loại tốt nghiệp sẽ tính cả quá trình học lớp 12, vì vậy các em không thể học lệch được” - ông Hiển nói.
Kiểm tra phiếu báo danh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: HTD
Nếu áp dụng phương án mới này ngay trong năm 2014 có đột ngột quá không? Ông Hiển cho rằng không có thay đổi gì đột ngột. “Vì đề thi vẫn nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Cách thức thi cơ bản vẫn như những năm trước. Chỉ khác môn ngoại ngữ, ngoài thi trắc nghiệm thì có thêm phần thi viết luận. Vì vậy học sinh và phụ huynh hoàn toàn yên tâm nếu có sự thay đổi này” - ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Hiển, mục đích của việc đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Đồng thời, phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
20% đối tượng được miễn thi tốt nghiệp
Theo dự thảo đề án của Bộ GD&ĐT, ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế hiện hành (người khiếm thị, người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia, dự thi Olympic quốc tế, khu vực), học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi.
Ông Mai Văn Trinh cho biết thí sinh miễn thi được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Tỉ lệ miễn thi cho mỗi cơ sở GD&ĐT tối đa là 20%. Tỉ lệ này có thể được xem xét và điều chỉnh trong các năm tới. Sở GD&ĐT căn cứ tỉ lệ miễn thi do Bộ GD&ĐT quy định để xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình. Tuy nhiên, thí sinh được miễn thi vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp theo quy định.
Về vấn đề này, ông Hiển cho rằng nhóm học sinh miễn thi là những học sinh ưu tú, học lực xuất sắc của mỗi trường, vì vậy có thi cũng chắc chắn sẽ đỗ tốt nghiệp. “Những học sinh này không nhất thiết phải thi để giảm áp lực thi cử cho các em, giảm số phòng thi, giảm công tác coi thi, giảm số lượng đề thi…” - ông Hiển phân tích.
Trả lời về lo ngại việc miễn thi sẽ dẫn đến nguy cơ “chạy điểm”, Thứ trưởng cho rằng các trường không thể làm sai được vì phải thông qua hội đồng xét miễn thi của từng trường bao gồm cả giáo viên, phụ huynh và học sinh cùng tham gia giám sát. Bộ sẽ có quy định cụ thể để đảm bảo minh bạch, khách quan và công bằng cho các thí sinh. Trường nào để xảy ra khiếu kiện, trường đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ.
Vì sao ngoại ngữ không là môn bắt buộc?
Theo dự thảo đề án, có hai phương án với môn ngoại ngữ được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, thí sinh có thể thi hoặc không thi môn ngoại ngữ. Điểm mới của thi ngoại ngữ năm nay là sẽ không phải hoàn toàn thi trắc nghiệm mà gồm cả trắc nghiệm và viết luận. Môn này chỉ nhằm mục đích cộng điểm khuyến khích cho thí sinh vào điểm xét tốt nghiệp. Phương án 2 là ngoại ngữ vẫn là một trong ba môn bắt buộc như trước đây.
Theo ông Trinh, nếu ngoại ngữ là môn bắt buộc sẽ bắt phần lớn học sinh phải học ngoại ngữ. Tuy nhiên, số môn thi tăng lên và kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu, do đó không tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ nghiêng về phương án đầu tiên, nghĩa là không bắt buộc phải thi ngoại ngữ.
Trả lời câu hỏi của báo chí vì sao môn ngoại ngữ là môn công cụ, nhất là trong quá trình hội nhập với quốc tế lại không đưa vào môn thi bắt buộc. Ông Hiển cho rằng: “Bộ luôn khuyến khích các em học ngoại ngữ, tuy nhiên cách thức thi ngoại ngữ đã quá lạc hậu. Gọi là thi ngoại ngữ nhưng chẳng phải, vì thi ngoại ngữ theo hướng “gật, lắc” không phải là thi ngoại ngữ, kéo dài cũng không có thuận lợi gì nhiều. Bỏ thi ngoại ngữ sẽ giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường có thời gian để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020. Tiến tới đổi mới cách thức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết)”.
Thi ngoại ngữ để cộng điểm ưu tiên Học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ (đề ra theo chương trình bảy năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Theo dự kiến, bài thi ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên sẽ được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên sẽ được cộng 1 điểm. |
HUY HÀ