Ông Phạm Văn Vinh, Trưởng phòng Quảng bá và hợp tác, Trường Trung cấp kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn.
TP.HCM hiện có 50 trường CĐ, 65 trường trung cấp nghề. Đây được coi là cánh cửa rộng cho số lượng lớn học sinh bị “văng” ra khỏi lớp 10 trường công của TP. Thế nhưng việc tuyển sinh vào các trường nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như việc phân luồng chưa hiệu quả, xã hội còn trọng bằng cấp, thông tin về trường nghề bị nhiễu loạn…
Nghề đào tạo chưa đa dạng
Theo chị C., người đang cố gắng nuôi em gái học lớp 10 trường tư TP vì rớt trường công, trước đó biết trường nghề đào tạo miễn phí, chị đã đi tìm hiểu. Thế nhưng tại các trường này không có nhiều nghề để lựa chọn. “Em tôi thích học nghề trang điểm nhưng không trường nào dạy. Bé cũng thích học dược hay điều dưỡng nhưng lại không đào tạo cho học sinh bậc THCS. Các trường chủ yếu đào tạo cơ khí, điện lạnh nên không thích hợp” - chị C. nói.
Mặt khác, chị cũng nghĩ đến các trung tâm giáo dục thường xuyên. “Vì hầu như quận, huyện nào cũng có trung tâm nhưng tôi không muốn cho bé học vì chất lượng không đảm bảo. Ngay cạnh nhà, có mấy bé hàng xóm học tại đây thấy không ổn chút nào. Cho nên dù biết chi phí trường tư rất mắc nhưng tôi cùng gia đình quyết tâm cho bé học tư thục” - chị C. cho hay.
Đang là học viên của Trường Trung cấp dạy nghề quận Bình Thạnh, TL cho biết dù không thích nhưng cũng cố theo học để cha mẹ vui lòng.
L. kể năm ngoái dù đã đăng ký nguyện vọng vào trường THPT công lập tuyến dưới như THPT Thủ Thiêm nhưng em vẫn không đủ điểm. Lúc biết kết quả, L. được cha mẹ động viên, khuyên em nên đi học nghề.
L. cũng cho hay cha chạy xe ôm, mẹ chỉ buôn bán nước mía ở nhà, thu nhập không ổn định. Sau khi rớt công lập, cha mẹ không muốn cho em theo học trung tâm giáo dục thường xuyên vì không yên tâm vào chất lượng của trường. “Trong khi đó, nếu em học trường tư thì gia đình không đủ điều kiện. Thu nhập của cha mẹ em ngày kiếm được bao nhiêu đâu trong khi học phí trường tư thấp nhất thì mỗi tháng cũng gần 2 triệu đồng. Vì thế, cuối cùng cha mẹ quyết định cho em học nghề cơ khí. Dù em không thích nghề này nhưng vì điều kiện gia đình cũng như để cha mẹ vui, em vẫn cố gắng học” - L. nói.
Các trường tư vấn nghề cho học sinh tại Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh Niên mới đây. Ảnh: ĐÀO TRANG
Thông tin tuyển sinh nghề một đằng, thực tế một nẻo
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM” diễn ra vào ngày 13-5, ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp bách khoa TP.HCM, cho biết đúng là học sinh học xong lớp 9 đi học nghề ở các trường đào tạo nghề công lập của TP sẽ được miễn 100% học phí. Thế nhưng nhiều em phải rất vất vả mới được hưởng chính sách. Có không ít gia đình phải chạy vạy đóng học phí cho con, sau đó cầm biên lai học phí đến phòng LĐ-TB&XH quận, huyện mới được giải quyết trả lại tiền. Điều này cũng là một rào cản khiến việc học nghề ít được quan tâm.
Còn ông Phạm Văn Vinh, Trưởng phòng Quảng bá và hợp tác, Trường Trung cấp kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn (Trường Trung cấp Nam Sài Gòn), nêu một thực tế hiện nay nhiều trường nghề chưa chú trọng đến công tác tư vấn, chỉ tư vấn cho có hoặc tư vấn chỉ để đánh bóng tên tuổi. Nhiều trường nghề thổi phồng thông tin của trường mình để chiêu sinh. Một số trường nghề tư thục mức học phí hai năm hơn 20 triệu đồng nhưng năm ngoái lại đi quảng bá rằng học phí thấp. Đặc biệt, họ còn chi tiền hoa hồng cho các giáo viên chủ nhiệm trường THCS để các giáo viên này giới thiệu với học sinh về trường khiến nhiều phụ huynh tin tưởng đăng ký cho con vào học. Thế nhưng khi đã nộp hồ sơ vào trường nghề, gia đình các em mới ngã ngửa bởi phải đóng học phí không như thông báo ban đầu. Rồi phụ huynh làm đơn khiếu nại, các trường đó lập lờ, bảo cứ đóng học phí, sau đó đưa biên lai đến phòng LĐ-TB&XH nhận lại tiền.
“Thực ra phòng lao động giải quyết cho trường tư thục cũng trên cơ sở ngân sách cấp như trường công lập, không có chuyện giải quyết theo biên lai thu học phí của trường như thế. Trong khi đó, muốn lấy tiền đâu dễ, phụ huynh và các em phải đi tới đi lui mà theo quy định có khi họ không thể nhận lại được tiền” - ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, năm nay cũng xuất hiện tình trạng tương tự, cùng là một trường nghề, khi đi chiêu sinh ở quận 8, họ ra thông báo học phí trọn gói là 20 triệu đồng hai năm học nhưng khi chiêu sinh bên quận 4, họ lại thông báo học phí chỉ 2,5 triệu đồng/học kỳ. Vì tuyển sinh, các trường nghề sẵn sàng lừa dối phụ huynh. Chính điều này cũng khiến nhiều gia đình không mặn mà với trường nghề.
Theo ông Vinh, để thuyết phục phụ huynh cho con học nghề là điều không hề dễ dàng. Bởi hiện nay nhiều người vẫn có tâm lý coi trọng bằng cấp. Vì vậy, muốn phụ huynh thay đổi cách nhìn thì trước hết trường nghề phải có chất lượng. Mặt khác, người tư vấn nghề phải có tâm, phải trung thực. “Người tư vấn cần làm cho phụ huynh hiểu nếu cho con học nghề thì con họ sẽ được những gì, phù hợp với năng lực của học sinh cũng như hoàn cảnh gia đình như thế nào” - ông Vinh nói.
Tư vấn theo lối mòn khó thu hút học sinh Các trường nghề hiện nay chưa chú trọng đến công tác tư vấn, vẫn tư vấn theo lối mòn. Nhiều trường nghề hiện vẫn cử người đến các trường THCS gửi tờ rơi chiêu sinh rồi về thì làm sao có thể thu hút được học sinh. Làm như vậy làm sao học sinh biết được học nghề có những lợi ích gì để theo học. Ông NGUYỄN XUÂN ĐẮC, Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình |