Có tính mới về khoa học và được Anh cấp chứng nhận Báo cáo của Học viện Quân y gửi Bộ KH&CN đánh giá công trình nghiên cứu này có tính mới về khoa học; hai bộ sinh phẩm có hàm lượng khoa học cao và có tính ứng dụng thực tiễn. Theo đó, cả hai đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành bằng các quyết định ngày 4-3 và 4-12-2020; Viện Vệ sinh dịch tễ đã chứng nhận kiểm nghiệm ngày 18-8-2020; bộ trưởng Y tế đã cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do ngày 20-4-2020. Ngoài ra, cũng theo Học viện Quân y, kit xét nghiệm RT-PCR của công trình nghiên cứu, ứng dụng này đã được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE). Về hiệu quả của công trình khoa học này, Học viện Quân y tự đánh giá đề tài được triển khai vào lúc dịch COVID-19 có nguy cơ tràn vào Việt Nam, có thể bùng phát phức tạp nhưng Việt Nam mới chỉ được WHO hỗ trợ 50 bộ kit xét nghiệm. Bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” giúp chẩn đoán nhanh, chính xác khi đi vào ứng dụng đã sát với nhu cầu thực tiễn. |
Video: Học viện Quân y tự đánh giá kit test Việt Á thế nào?
Cổng thông tin điện tử Bộ KH&CN vừa đăng thông tin về nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)”.
Bản tin được phát một tuần sau khi Bộ KH&CN rút bản tin đưa thông tin sai lệch về việc sản phẩm của đề tài khoa học này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận.
Theo bản tin này, tổng kinh phí cho nhiệm vụ này là 18,98 tỉ đồng hoàn toàn từ ngân sách. Chủ trì thực hiện nhiệm vụ là Học viện Quân y và chủ nhiệm là PGS-TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y).
17 thành viên tham gia nhiệm vụ gồm 13 nguời đến từ Học viện Quân y, bốn người đến từ Công ty CP Công nghệ Việt Á, trong đó có tổng giám đốc Phan Quốc Việt - người đang bị công an khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến thổi giá kit Việt Á.
Học viện Quân y đã có báo cáo tự đánh giá. Theo đó, sản phẩm dạng 1 được mô tả như là kết quả của công trình nghiên cứu gồm:
(1) Bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc chủng 2019-nCoV; (2) Bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV.
Cả hai sản phẩm này được Học viện Quân y tự đánh giá ở mức đạt (theo khung xuất sắc, đạt, không đạt) với cả ba tiêu chí số lượng, khối lượng, chất lượng.
Sản phẩm dạng 2 của nhiệm vụ này là: (1) Báo cáo đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu của các bộ sinh phẩm sàng lọc, phát hiện chủng 2019-nCoV; (2) Quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV; (3) Hướng dẫn sử dụng và tiêu chuẩn cơ sở của bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV.
Cả ba cũng được tự đánh giá ở mức độ đạt.
Sản phẩm dạng 3 là sáu bài báo khoa học đã đăng trên tạp chí chuyên ngành, trong đó có một bài báo quốc tế Journal of Medical Virology, ISI (IF=2.021), một bài báo tiếng Anh (Asian Citation index, chấp nhận đăng), đăng ký 1-2 bài báo khoa học được chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, có phản biện. Kết quả này, Học viện Quân y tự đánh giá là xuất sắc.
Về danh mục sản phẩm khoa học ứng dụng, chuyển giao, báo cáo tự đánh giá của Học viện Quân y cho biết bộ sinh phẩm xét nghiệm real-time RT-PCR đã được đưa vào ứng dụng ở Học viện Quân y và các đơn vị xét nghiệm trên toàn quốc, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 từ tháng 3-2020 đến nay. Còn bộ sinh phẩm RT-PCR để sàng lọc virus thì đã được triển khai ở Học viện Quân y.