Hồi giáo Al-Shabaab là ai?

Sự kiện tổ chức khủng bố Al-Shabaab tấn công trung tâm thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi (Kenya) từ hôm 21-9 mang đậm dấu ấn của tổ chức khủng bố Al Qaeda gồm khủng bố, bắt cóc con tin, tấn công dân thường và lợi ích nước ngoài. Các nhà đầu tư Israel bỏ vốn vào trung tâm thương mại Westgate, tuy nhiên vụ tấn công này có liên quan đến nội chiến ở Somalia.

Somalia loạn lạc và nội chiến

Năm 1991, sau khi Tổng thống Mohamed Siad Barre ra đi, nội chiến bắt đầu bùng nổ ở Somalia giữa một bên ủng hộ Tổng thống tạm quyền Ali Mahdi Mohamed (bộ tộc Hawiye-Abgaal) và một bên ủng hộ tướng Mohamed Farrah Aidid (bộ tộc Habar Gidir). Đói kém xảy ra. Tháng 4-1992, lính mũ nồi xanh Pakistan của LHQ đến Somalia nhằm mục đích hoạt động nhân đạo, tuy nhiên đã bị đánh thiệt hại nặng nề.

Cuối năm 1992, theo yêu cầu của LHQ, Mỹ đã mở chiến dịch Phục hồi hy vọng. Đến tháng 10-1993, chiến dịch Phục hồi hy vọng phá sản với trận đánh ở Mogadishu. Sau đó, Mỹ phải rút quân. Đạo diễn Mỹ Ridley Scott đã lấy ý tưởng từ trận đánh này để thực hiện bộ phim Diều hâu gãy cánh phát hành năm 2001.

Sau khi Mỹ rút, LHQ đưa 8.000 lính mũ nồi xanh thay thế. Đến năm 1995, lính mũ nồi xanh LHQ cũng rút. Các bộ tộc ở Somalia bắt đầu phân chia lãnh thổ thành nhiều địa bàn tranh giành nhau.

Năm 2006, chính phủ quá độ mới bắt đầu làm việc tại Somalia sau thời gian lưu vong ở nước ngoài. Dù vậy, chẳng bao lâu sau, chiến sự bùng nổ giữa một bên là Liên minh vì phục hồi hòa bình và chống khủng bố (liên minh giữa các bộ tộc và chính phủ quá độ Somalia được Mỹ ủng hộ) với một bên là Liên minh Các tòa án Hồi giáo.

Liên minh Các tòa án Hồi giáo là liên minh của 15 tòa án Hồi giáo chủ trương thiết lập một quốc gia Somalia hoạt động theo luật Hồi giáo sharia. Trong liên minh có các nhân vật ôn hòa cũng như nhiều nhân vật cực đoan.

Cuối năm 2006, quân đội Ethiopia được liên minh châu Phi hậu thuẫn đã đổ quân vào Somalia để bảo vệ chính phủ quá độ. Quân của Liên minh Các tòa án Hồi giáo bị đánh tan tác buộc rút khỏi thủ đô Mogadishu, tuy nhiên vẫn chiếm giữ phần lớn lãnh thổ còn lại.

   Các tay súng tổ chức Hồi giáo khủng bố Al-Shabaab. Ảnh: REUTERS

Tổ chức Hồi giáo cực đoan nhất

Tổ chức Hồi giáo vũ trang Al-Shabaab (Al-Shabaab theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “tuổi trẻ”) được thành lập từ cánh cực đoan trong Liên minh Các tòa án Hồi giáo ở Somalia. Theo chuyên gia Roland Marchal ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Al-Shabaab ra đời khoảng giữa năm 2003-2005, là tổ chức Hồi giáo cực đoan nhất trong các tổ chức Hồi giáo ở Somalia.

Khoảng năm 2008-2010, Al-Shabaab có khoảng 15.000 quân. Năm 2009, Al-Shabaab tuyên chiến với chính phủ Somalia. Đến tháng 10-2011, Kenya đưa quân vào Somalia và phối hợp với quân đội chính phủ mở chiến dịch Linda Nchi (bảo vệ đất nước) tấn công Al-Shabaab. Tổ chức này bị đánh bật khỏi nhiều địa bàn nhưng vẫn chiếm nhiều vùng nông thôn rộng lớn.

Hiện nay, Al-Shabaab là một trong hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất Somalia và chỉ còn khoảng 5.000 quân. Al-Shabaab đưa các chiến binh sang Afghanistan và Iraq chiến đấu và học tập kinh nghiệm tác chiến. Al-Shabaab cũng đã dung nạp nhiều phần tử thánh chiến nước ngoài, trong đó có nhiều công dân Mỹ và châu Âu. Từ năm 2008, Al-Shabaab bắt đầu nhập khẩu kỹ thuật đánh bom tự sát.

Trong Al-Shabaab gồm nhiều phe nhóm đối địch nhau. Một số nhóm theo chủ nghĩa dân tộc chủ trương đánh để chiếm quyền lực ở Somalia. Ngược lại, nhiều nhóm có liên hệ với Al Qaeda lại chủ trương thánh chiến toàn cầu.

Kenya - chiến trường khủng bố

Viện Nghiên cứu An ninh ở Nam Phi nhận định tổ chức khủng bố Hồi giáo Al-Shabaab là đe dọa chính cho sự sống còn của chính phủ mới ở Somalia. Al-Shabaab đã xuất khẩu cuộc chiến khủng bố khỏi biên giới Somalia từ 17 năm nay. Vụ tấn công trung tâm thương mại Westgate ở Kenya hôm 21-9 không phải lần đầu Al-Shabaab tấn công trả đũa ở Kenya hoặc rộng hơn là ở Đông Phi.

Kenya (từ tháng 10-2011 đến 3-2013): Trong thời gian này, Al-Shabaab đã tổ chức nhiều vụ tấn công ở Kenya để trả đũa Kenya đưa quân sang giúp chính phủ quá độ Somalia. Sự kiện then chốt là vụ bắt cóc hai nữ nhân viên người Tây Ban Nha làm việc cho tổ chức Thầy thuốc không biên giới ở Dadaab vào tháng 10-2011 và dẫn giải sang Somalia. Tám tháng sau, bốn nhân viên hoạt động nhân đạo làm việc tại trại tị nạn ở Dadaab đã bị bắt cóc. Năm 2012, khoảng 50 người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố của Al-Shabaab ở Kenya, chủ yếu ở ba thành phố Nairobi, Mombasa và Garissa.

Uganda (ngày 11-7-2010): Hai quả bom nổ gần như cùng lúc trong nhà hàng và quầy bar câu lạc bộ bóng bầu dục ở thủ đô Kampala. 76 người chết, trong đó có một công dân Mỹ. Hai người mang bom là công dân Somalia và Kenya. Ngày đánh bom là đêm chung kết giải vô địch bóng đá thế giới và vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi ở Kampala.

Đây là lần đầu tiên tổ chức khủng bố Al-Shabaab hành động ở xa Somalia. Họ tuyên bố tấn công nhằm trả đũa Uganda tham gia quân đội của Liên minh châu Phi ở Somalia (6.000 binh sĩ Uganda và Burundi lập lá chắn bảo vệ chính phủ quá độ Somalia).

Kenya (ngày 28-11-2002): Một vụ tấn công bằng xe gài bom xảy ra tại khách sạn sang trọng ở Mombasa do người Israel làm chủ. Ba người Israel và 10 người Kenya thiệt mạng. Vài phút trước đó, hai tên lửa đất đối không bắn về hướng một máy bay Boeing 757 của hãng hàng không Arkia Israel Airlines (Israel) chở 261 người vừa cất cánh từ sân bay Mombasa. Máy bay thoát nạn.

Kenya và Tanzania (ngày 7-8-1998): Hai vụ tấn công bằng xe gài bom xảy ra gần như cùng lúc. Mục tiêu là hai đại sứ quán Mỹ ở Nairobi (Kenya) và Dar es Salaam (Tanzania). 243 người chết và hàng trăm người bị thương ở Nairobi. 12 người chết và hàng trăm người bị thương ở Dar es Salaam. Đây là lần đầu tiên cách đánh như thế được tiến hành ở vùng Hạ Sahara.

Tại sao lại tấn công ở Kenya?

Trong tháng 5 và tháng 6, Al-Shabaab tấn công tòa án và trụ sở của LHQ giữa trung tâm thủ đô Mogadishu (Somalia). Đầu tháng 9, Al-Shabaab phục kích đoàn xe của Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud. Tổng thống may mắn an toàn vô sự. Vài ngày sau, Al-Shabaab đánh tiếp hai vụ tại Mogadishu làm chết 18 người.

Các vụ tấn công nêu trên của Al-Shabaab diễn ra ở Somalia trong khi Al-Shabaab lại muốn phát tín hiệu mới qua sự kiện tấn công trung tâm thương mại Westgate ở Kenya hôm 21-9.

Tín hiệu đầu tiên là trả đũa Kenya. Ethiopia lo ngại sa lầy ở Somalia nên đã ký kết thỏa thuận với chính phủ quá độ Somalia và rút quân vào đầu năm 2009. Trong khi đó, Kenya đã được cơ cấu vào quân đội của liên minh châu Phi và lính mũ nồi xanh LHQ tại Somalia. Hiện nay, Kenya được xem như giữ vai trò hàng đầu trong lực lượng quốc tế ở Somalia với 4.000 quân.

Tại Somalia, ban đầu Al-Shabaab được nhiều người ủng hộ vì hô hào chiến đấu bảo vệ Somalia trước quân đội nước ngoài. Hiện nay, Al-Shabaab đang mất dần thế ủng hộ, do đó mong muốn tấn công ở Kenya nhằm lấy lại uy tín đồng thời muốn khẳng định còn đủ sức tấn công ngoài lãnh thổ Somalia.

Trung tâm thương mại Westgate là một biểu tượng ở Nairobi, trung tâm đầu não các lợi ích phương Tây trong khu vực. Trung tâm tọa lạc giữa khu phố sang trọng gần các đại sứ quán và cơ quan đại diện LHQ. Trong trung tâm có nhiều cửa hàng lớn, nhà hàng, rạp chiếu phim, là nơi lui tới mua sắm, ăn uống và giải trí của nhiều người Kenya rủng rỉnh tiền bạc và người nước ngoài.

Do đó, tấn công trung tâm thương mại Westgate chắc chắn sẽ gây phản ứng quốc tế mạnh mẽ hơn tấn công ở Somalia. Sự kiện này cũng cho thấy nội chiến ở Somalia đang có nguy cơ lan rộng trong khu vực sừng châu Phi.

 Mỹ, Úc, Canada và New Zealand đã đưa tổ chức Hồi giáo vũ trang Al-Shabaab vào danh sách các tổ chức khủng bố. Al-Shabaab bị tình nghi liên hệ chặt chẽ với bọn đầu sỏ tổ chức khủng bố Al Qaeda ở Pakistan. Do Mỹ và Pakistan ráo riết tổ chức truy quét khủng bố ở các khu vực bộ tộc tại Pakistan và Afghanistan, nhiều thủ lĩnh Al Qaeda đã dự tính đào tẩu sang vùng đất dữ Somalia để lánh nạn. Chuyên gia Roland Marchal nhận định hiện nay quân số Al-Shabaab có giảm nhưng thực lực của tổ chức này còn nguyên vẹn. Trong tình hình mới, Al-Shabaab đã thay đổi chiến thuật, chuyển cách đánh trên các mặt trận thành đánh du kích và tấn công vào các mục tiêu có chọn lọc.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm