Theo đó, chương trình “Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” sẽ diễn ra tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa vào 20 giờ tối 8-5 với chủ đề: “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, được thực hiện theo hình thức sân khấu hóa.
Chương trình lễ kỷ niệm, phát sóng trực tiếp trên VTV với thời lượng 90 phút, phần nghệ thuật dài 50 phút. Chương trình có tính chất sử thi làm nổi bật vùng đất và con người trải dài từ thời Lý, Trần, Hồ, hậu Lê, Trịnh-Nguyễn cho tới thời đại ngày nay.
Tổng thể không gian sân khấu là sự kết hợp giữa mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động với kỹ thuật hiện đại. Một mặt trống đồng lớn đường kính 15m được thiết kế giữa trung tâm sân khấu tôn vinh thần trống đồng (hiện đang được thờ ở đền Đồng Cổ, núi Khả Phong, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Là ngôi đền được đánh giá là lâu đời nhất xứ Thanh).
Bối cảnh sân khấu lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.
Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của thần Đồng Cổ. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, thành nhà Hồ, tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải).
Từ chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, tác giả kịch bản đạo diễn Lê Quý Dương đã phát triển chương trình theo ba chương với 9 trường đoạn liên tục và liền mạch. Cụ thể: chương I- Địa linh nhân kiệt, chương II - Truyền thống anh hùng, chương III - Khát vọng thịnh vượng.
Đạo diễn, tác giả kịch bản Lê Quý Dương chia sẻ, sự xuất hiện của 99 thiếu nữ cầm lư hương trầm bước vào không gian sử thi sẽ là một trong những điểm nhấn trên sân khấu của Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 – 2019).
Đạo diễn Lê Quý Dương cho hay, đây là một chương trình sử thi, nhấn mạnh vào tính thiêng liêng, gắn với nhiều anh hùng dân tộc, khai thác tính hiển linh, như thần đồng cổ hiển linh, vua Lý Thái Tổ xuất hiện, Lê Lợi hiển linh có đọc lời Bình Ngô Đại Cáo, lời của tiền nhân, tạo thành không khí sử thi.
Trong không gian vang vọng của thần đồng cổ, với hiệu ứng ánh sáng vàng sẽ có sự xuất hiện 99 thiếu nữ cầm lư hương trầm bước vào không gian sử thi, giống như câu chuyện được thần đồng cổ kể lại. Trên mặt trống đồng có hoạ tiết của trống đồng Đông Sơn, dùng đồ hoạ 3D có đèn LED, tạo cảnh như đàn chim hạc bay lên rồi câu chuyện được kể.
Cũng theo đạo diễn Lê Quý Dương, trong chương trình sẽ tái hiện “Hội thề đồng cổ”. “Đền thờ Đồng cổ là cổ nhất ở Thanh Hóa, rất thiêng, đền đã từng giúp vua đánh giặc qua hình thức báo mộng, đặc biệt là vua Lý Thái Tông dẹp loạn Tam Vương (Hội Minh Thề)”, đạo diễn Lê Quý Dương nói.