Đề cập đến vấn đề cải cách BHXH, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa khẳng định việc triển khai thực hiện chính sách BHXH góp phần ổn định thu nhập cho người lao động và gia đình họ khi hết tuổi lao động hoặc trong trường hợp gặp rủi ro, bất hạnh như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động.
Tuy nhiên, bà Hòa cho hay thực tế vẫn còn bộc lộ một số bất cập như tình trạng lạm dụng chi trả bảo hiểm y tế, nợ đọng BHXH của chủ sử dụng lao động, tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Hạn chế này là do ý thức của người dân chưa có thói quen tham gia BHXH và chính sách BHXH tự nguyện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân (mới chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất, không được hưởng chế độ thai sản; thời gian đóng khá dài, không linh hoạt).
Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Văn Định (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) khẳng định mô hình tổ chức theo ngành dọc của BHXH Việt Nam hiện nay vẫn còn những bất cập, cấp xã vẫn còn bị bỏ trống, chỉ thực hiện theo hình thức đại lý. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH còn hạn chế, vì vậy khá nhiều chủ doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH với số tiền rất lớn.
Đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải cách chính sách BHXH đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, PGS-TS Nguyễn Văn Định cho rằng BHXH là một trong những chính sách xã hội cơ bản nhất của mỗi quốc gia; là trụ cột chính trong hệ thống các chính sách và các chương trình đảm bảo an sinh xã hội. Trong xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh như hiện nay, việc cải cách chính sách BHXH ở nước ta là cần thiết và cấp bách, bởi độ trễ khi thực hiện chính sách này là rất dài. Nếu không cải cách kịp thời sẽ có tác động rất khó lường trong tương lai.
“Việc cải cách chính sách BHXH cũng sẽ góp phần cân đối quỹ BHXH tự nguyện bền vững trong dài hạn; nâng cao diện bao phủ BHXH, đặc biệt là mở rộng diện bao phủ của loại hình BHXH tự nguyện; hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH tự nguyện. Từ đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện...” - PGS-TS Nguyễn Văn Định nhấn mạnh.
Theo mục tiêu đề án cải cách chính sách BHXH, đến năm 2021 cả nước phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đến năm 2030, cả nước phấn đấu có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội). |