Hội ngộ Gạc Ma

Hôm nay (13-3), một cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa những chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở Trường Sa với thân nhân những liệt sĩ nằm lại mãi mãi ở Gạc Ma trong cuộc chiến ngày 14-3-1988, sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Cuộc giao lưu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, nhằm phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.

Người lính Gạc Ma và tượng đài bất tử

Có mặt tại TP Đà Nẵng từ sáng 12-3, anh Thảo, tiểu đội trưởng Hải quân đánh bộ trên tàu HQ-604, nóng lòng chờ đợi giây phút hội ngộ của những “gia đình Gạc Ma”. “Suốt hơn 26 năm qua, chưa đêm nào tôi yên giấc ngủ. Những ký ức ở Gạc Ma cứ mãi hiện về... Cuộc chiến ấy, tôi đã mất đi những người đồng đội thân thiết, từng “đắp chung chăn, nằm chung giường”. Họ đã nằm lại mãi mãi với Gạc Ma” - anh Thảo tâm sự.

Nhớ về những ngày tháng 3 dậy sóng ấy, anh kể sau những tháng huấn luyện tại Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 (đóng tại Quảng Ninh), anh được điều chuyển về Lữ đoàn 146 đóng quân ở Cam Ranh, sẵn sàng chi viện cho Trường Sa. Ngày 11-3-1988, anh Thảo cùng đồng đội nhận lệnh lên tàu HQ-604 trực chỉ Trường Sa. “Chúng tôi nghe nói tình hình ở Trường Sa căng thẳng lắm, tàu Trung Quốc liên tiếp gây hấn. Nhưng ai cũng xác định tâm lý trước: Dù có hy sinh cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ được đảo. Còn người là còn đảo” - anh Thảo tâm sự. Mang tâm nguyện ấy trong mình, những người lính hải quân đã bước vào một cuộc chiến không cân sức với kẻ thù, để bảo vệ ngọn cờ trên đảo Gạc Ma.

 
Bà Huỳnh Thị Kế khóc nức khi có người gọi tên con trai.

Cùng đi trên chuyến tàu HQ 604 năm ấy còn có một người chiến sĩ rất trẻ, viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 17 tuổi, đó là anh Trương Văn Hiền (lính hải đồ). Nhớ về những ngày tháng ấy, anh Hiền bồi hồi kể: “Hồi đó, anh em trên tàu còn trẻ lắm, chỉ mới mười tám, đôi mươi. Ai cũng hừng hực khí thế, có người còn khoe mới lần đầu biết hôn tay bạn gái. Gặp sóng lớn, nhiều cậu nôn ói ra mật xanh, mật vàng. Vậy mà lúc chiến đấu ai cũng bản lĩnh và gan lì lắm”. Hầu hết chiến sĩ trên tàu HQ-604 là công binh làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu, xây dựng đảo. Chỉ có một trung đội lính hải quân đánh bộ của anh Thảo đi kèm, bảo vệ.

Rồi cuộc chiến sinh tử ngày 14-3-1988 như hiện về theo từng lời kể của những chiến sĩ Gạc Ma năm xưa. Trong trận chiến trên đảo Gạc Ma, những người lính hải quân nhân dân Việt Nam đã đứng quây thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Các chiến sĩ chỉ có xẻng, xà beng trong tay nhưng đã tạo thành những cột mốc vững chắc, ngăn bước tiến của những kẻ hung hăng. “Hơn 50 lính Trung Quốc được trang bị vũ khí đổ bộ lên đảo, bao vây đội hình giữ đảo của chúng tôi. Chúng nhảy vào cướp lá cờ, dùng lưỡi lê đâm lính công binh. Nhưng anh em đứng quây thành vòng tròn, quyết tâm bảo vệ lá cờ, dù có đổ máu” - anh Thảo nhớ lại.

Từng toán lính Trung Quốc xông lên bị các chiến sĩ dùng xẻng, xà beng chống trả quyết liệt, đẩy lùi từng đợt. Khẩu AK cầm trên tay, đạn đã lên nòng nhưng anh Thảo vẫn kiềm chế, chưa nổ súng, chỉ dùng che chắn cho đồng đội. Hai bên giành giật ngọn cờ thì bất ngờ lính Trung Quốc nổ súng bắn vào đầu Thiếu úy Trần Văn Phương. “Anh Phương ngã gục xuống nhưng vẫn quấn lá cờ trên tay. Chúng tôi lao tới tiếp cứu thì bị những loạt đạn đánh bật ra phía xa”. Sau mỗi loạt đạn của kẻ thù, những đồng đội chiến đấu bên cạnh anh Thảo lại có người gục xuống…

Phía trên tàu HQ-604, anh Hiền cùng một số người khác chuẩn bị nhảy xuống nước, bơi vào bờ tiếp viện đợt hai thì các loạt đạn pháo 100 ly, 37 ly của tàu Trung Quốc bắn tới. “Liên tiếp trúng đạn, tàu HQ-604 bị chìm xuống rất nhanh. Nhiều anh em không kịp thoát ra ngoài. Không còn sức để bơi vào bờ, tôi ôm mảnh gỗ rồi thả trôi theo con nước nên may mắn còn sống sót. Đồng đội tôi, nhiều đứa đã mãi mãi nằm lại với sóng nước Gạc Ma rồi” - anh Hiền nói… và nước mắt trào ra trong ứ nghẹn.

 
Mẹ liệt sĩ của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường - tàu HQ-605 đọc lại những lá thư của con trai gửi trước ngày hy sinh.

Những “gia đình Gạc Ma”

Mỗi lần nhắc đến tên con trai, liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn - chiến sĩ Đoàn công binh E83 (thuộc tàu HQ-604), bà Huỳnh Thị Kế (phường Hòa Cường Bắc, TP Đà Nẵng) lại không cầm được nước mắt. Khi hay tin sắp có cuộc hội ngộ với những “gia đình Gạc Ma”, bà đã khóc nghẹn ngào. “Năm 18 tuổi, Cường giấu gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Rồi nó tham gia hải quân ra bảo vệ đảo ở Trường Sa, tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi tiễn con đi”. Khi nghe tin chiến sự nổ ra ở vùng biển Trường Sa, bà Kế lòng như lửa đốt, suốt ngày chạy lên đoàn công binh E83 để hỏi về tình hình con trai. Ba tháng sau, đơn vị gửi giấy báo tử về. Mẹ Kế như chết lặng khi hay tin đứa con trai độc nhất của gia đình mãi nằm lại dưới đáy biển, không tìm thấy thi thể. “Bao nhiêu năm nay, gia đình tôi vẫn xây mộ gió cho nó để tiện bề hương khói. Nay nghe báo đài nói sắp xây đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh năm 1988 ở Gạc Ma, tôi cũng thấy vui và an ủi phần nào. Sau này nằm xuống còn có người thăm nom, tưởng nhớ” - bà Kế xúc động.

Cùng chung tâm trạng với bà Kế, bà Hồ Thị Đức, mẹ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, khi nghe về cuộc giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” đã gác lại hết công việc đồng áng hằng ngày để về cho kịp”. “Ước nguyện lớn nhất của mẹ tôi là được gặp lại những đồng đội đã kề vai chiến đấu với anh trai tôi năm xưa. Được nghe các anh kể về những ngày sống và chiến đấu của anh ấy” - em trai của liệt sĩ Phương tâm sự.

Còn trong ký ức của anh Vũ Xuân Khoa (con trai liệt sĩ, thuyền trưởng tàu HQ-604 Vũ Phi Trừ, hy sinh khi Khoa vừa tròn 14 tháng tuổi), hình ảnh về người cha trong anh là mảnh ghép từ những tấm ảnh và câu chuyện kể của mẹ về cha. Biết kế hoạch xây dựng tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988, Khoa xúc động: “Rất nhiều người đã ngã xuống chứ không riêng gì bố tôi. Sự hy sinh nào cũng đáng quý, đáng trân trọng”. Nối bước cha theo con đường binh nghiệp, Khoa tự hào mình là con của người lính Trường Sa. Khoa nói: “Mình đã học được nhiều điều từ sự hy sinh của bố. Đó là sự hy sinh cao cả của người lính, để bảo vệ đất nước, bảo vệ hòa bình cho dân tộc. Mình đã lớn lên trong sự tự hào ấy. Những lúc gia đình khó khăn, một mình mẹ phải vất vả bươn chải để nuôi con ăn học, mình luôn lấy hình ảnh của bố để phấn đấu và vươn lên”.

TẤN TÀI

 

Đồng đội tôi không còn cô quạnh nữa

“Đồng đội tôi dưới kia sẽ không còn lạnh lẽo, cô quạnh, họ sẽ tự hào vì sự hy sinh cao cả của mình đã được nhân dân nhớ đến. Ngôi đền tưởng niệm cũng sẽ là nơi để chúng tôi gặp lại bạn mình, để được thắp lên đó những nén hương lòng…” - anh Lê Hữu Thảo (tiểu đội trưởng - hải quân đánh bộ trên tàu HQ-604) nghẹn ngào khi nói về kế hoạch xây dựng đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ở Trường Sa 26 năm trước. Còn anh Trương Văn Hiền (lính hải đồ) trên chuyến tàu HQ-604 năm xưa xúc động nói: Trở về sau cuộc chiến, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng người lính Gạc Ma luôn đau đáu với những đồng đội đang nằm lại giữa lòng biển xanh. “Khi biết tin xây đài tưởng niệm, tôi đã mừng chảy nước mắt. Vậy là đồng đội tôi đã có nơi để về, để được tưởng nhớ, tri ân” - anh Hiền tâm sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm