Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc thúc đẩy các hoạt động trong trường đại học gắn với các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ ngày càng được chú trọng.
NCKH và chuyển giao công nghệ không chỉ để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục mà hơn hết đó chính là góp phần mang đến những sự đổi mới và đóng góp thiết thực vào sự phát triển của toàn xã hội.
PLO có bài phỏng vấn PGS.TS Đặng Xuân Kiên, đại diện ban Tổ chức Hội thảo STAIS 2024 sẽ diễn ra vào sáng mai 24-8 tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM (UTH).
Chia sẻ những thành tựu mới nhất
. Phóng viên: Thưa ông, được biết Hội thảo khoa học quốc gia STAIS do bốn trường đại học gồm Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên phối hợp tổ chức. Xin ông cho biết ý nghĩa và mục đích của hội thảo này?
+ PGS.TS Đặng Xuân Kiên: Với tinh thần mong muốn hợp tác, phối hợp, chia sẻ và tạo sân chơi cho các nhà khoa học về hoạt động khoa học công nghệ, bốn trường đại học nêu trên cùng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia STAIS. Đây là một sự kiện thường niên.
Ngày 14-7-2022, trường ĐH Thủ Dầu Một đăng cai tổ chức Hội thảo quốc gia STAIS 2022 lần thứ nhất với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông minh trong công nghiệp 4.0 thành phố thông minh và phát triển bền vững”.
Ngày 26-10-2023, Hội thảo quốc gia STAIS 2023 lần thứ hai được tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (TP Vinh).
Năm nay, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đăng cai Hội thảo khoa học quốc gia STAIS 2024 lần thứ 3, diễn ra vào ngày 24 và 25-8-2024.
Hội thảo khoa học quốc gia STAIS là nơi các nhà khoa học và chuyên gia cùng nhau chia sẻ những thành tựu mới nhất, thảo luận về các xu hướng phát triển của công nghệ thông minh trong Công nghiệp 4.0; cung cấp một cái nhìn toàn diện về những ứng dụng của công nghệ mới trong cuộc sống hiện đại.
Hội thảo không chỉ tập trung vào nghiên cứu lý thuyết mà còn hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp thực tiễn để giải quyết những vấn đề xã hội, qua đó, tạo thành một diễn đàn lý tưởng giúp chia sẻ kiến thức, kết nối cộng đồng, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, mở rộng mạng lưới liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và quốc tế.
. Phóng viên: Quá trình chuẩn bị hội thảo như thế nào, thưa ông?
+ PGS.TS Đặng Xuân Kiên: Hội thảo năm nay có các chủ đề đa dạng như Trí tuệ nhân tạo và học máy; Robot, cơ khí và tự động hóa; Năng lượng và phát triển bền vững; Sản xuất thông minh và Công nghiệp 4.0; Truyền thông vô tuyến, IoT và ứng dụng; Giáo dục thông minh và Thành phố thông minh.
Hội thảo khoa học quốc gia STAIS 2024 đã thu hút 142 bài viết tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước, Ban Tổ chức đã triển khai phản biện nghiêm túc, có 103 bài của hơn 300 nhà khoa học được lựa chọn để trình bày tại ngày hội khoa học này cũng như đăng toàn văn trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Ứng dụng công nghệ thông minh trong Công nghiệp 4.0, thành phố thông minh và phát triển bền vững STAIS 2024”.
Triển khai nhiều hoạt động
. Phóng viên: Thưa ông, được biết Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM là trường đại học đa ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải lớn nhất phía Nam Việt Nam. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế và xã hội trên mọi lĩnh vực. Vậy hoạt động đào tạo của nhà trường tham gia vào xu thế này như thế nào để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực?
+ PGS.TS Đặng Xuân Kiên: Lĩnh vực giao thông vận tải với xu hướng thông minh - hiện đại đang trở thành mục tiêu phát triển và đào tạo. Để đón đầu xu hướng và đáp ứng nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực giao thông thông minh - hiện đại, các trường đại học, đặc biệt là UTH, đã và đang triển khai nhiều hoạt động và chiến lược cụ thể như sau:
Cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo
Chúng tôi đã tiến hành cập nhật và xây dựng các chương trình đào tạo mới, tập trung vào các kiến thức về công nghệ giao thông thông minh, hệ thống điều khiển tự động, trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng trong giao thông. Các môn học được thiết kế linh hoạt, tích hợp lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên nắm vững kiến thức và có kỹ năng ứng dụng thực tế trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, đại diện các công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động.
Hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức
Chúng tôi tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông thông minh như VINFAST, THACO, TOPBAND, Hiệp hội Metro Trung Quốc, Công ty quản lý và vận hành giao thông thông minh CRRC (Trung Quốc)...
Việc này không chỉ giúp cập nhật kịp thời những tiến bộ công nghệ mà còn mở ra nhiều cơ hội thực tập, nghiên cứu và việc làm cho sinh viên ngay khi còn đang học, đặc biệt là sinh viên được tham gia học kỳ doanh nghiệp từ 3-6 tháng tại các công trường, nhà máy, dây chuyền sản xuất…
Đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị
Trường đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại, trang bị các thiết bị và phần mềm mô phỏng tiên tiến để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu. Các sinh viên có điều kiện tiếp cận và thực hành trên những thiết bị công nghệ mới, từ đó nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề thực tiễn.
Phát triển đội ngũ giảng viên
Chúng tôi chú trọng công tác đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, khuyến khích họ tham gia các khóa đào tạo nâng cao, các hội thảo quốc gia và quốc tế cũng như nhiều chương trình nghiên cứu hợp tác khác. Đội ngũ giảng viên với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn sẽ truyền đạt tốt hơn cho sinh viên, truyền cảm hứng sáng tạo và giúp họ sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai.
Trong hội thảo STAIS 2024, có rất nhiều bài báo của các nhóm nghiên cứu và nhà khoa học của UTH về các xu hướng phát triển của công nghệ thông minh trong giao thông vận tải như kỹ thuật cơ khí, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng, xây dựng và quản lý công trình, Logistics, vận tải đa phương thức, cảng biển và hàng hải, năng lượng, môi trường, cùng với nhiều chủ đề khác.
. Phóng viên: Xin cảm ơn ông và chúc hội thảo thành công tốt đẹp.