Hôm nay (16-12), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Ngoài hai cựu bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn còn có 12 bị cáo khác là dàn lãnh đạo cấp cao của MobiFone, cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG Phạm Nhật Vũ…
Bị cáo Nguyễn Bắc Son chịu trách nhiệm cao nhất
Cùng với việc bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, ông Son, ông Tuấn, Lê Nam Trà (cựu chủ tịch HĐTV MobiFone) và Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) còn bị cáo buộc nhận hối lộ, bị truy tố ở khung hình phạt đến tử hình. Riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ bị truy tố về tội đưa hối lộ.
Hồ sơ vụ án thể hiện năm 2015, MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG. Theo quy định, dự án có vốn đầu tư trên 5.000 tỉ đồng phải được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, khi chưa được Thủ tướng chấp thuận, ông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo thứ trưởng TT&TT khi đó là ông Trương Minh Tuấn ký quyết định, đồng thời chỉ đạo hai ông Lê Nam Trà và Cao Duy Hải thực hiện ký kết hợp đồng mua bán cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng. Ông Son cũng yêu cầu phải hoàn thành việc mua bán trong tháng 12-2015.
Kết quả, ông Phạm Nhật Vũ đã bán cho MobiFone 95% cổ phần AVG với giá cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần. Thương vụ này của MobiFone khiến tài sản nhà nước bị thiệt hại gần 6.600 tỉ đồng.
Cáo trạng nhận định quá trình chỉ đạo để mua AVG, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải biết rõ giá trị tài sản, tình hình tài chính, kinh doanh của AVG thua lỗ kéo dài, biết rõ các quy định pháp luật cần tuân thủ khi thực hiện dự án. Dù biết rõ những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án nhưng với quyền hạn của mình và vì mục đích khác nhau, các bị cáo vẫn quyết liệt thực hiện để thúc đẩy việc mua bán AVG được nhanh chóng, mang lại lợi ích cho ông Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc là người chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy việc mua cổ phần của AVG, quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện. “Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu các bị can đã được phát hiện, khởi tố và truy tố” - cáo trạng nhận định.
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện quá trình thực hiện dự án, ông Nguyễn Bắc Son đã gọi cho ông Phạm Nhật Vũ tổng cộng 126 cuộc điện thoại và gửi 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ và thúc đẩy dự án sớm hoàn thành.
Hai bị cáo - cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn. (Ảnh do Bộ Công an cung cấp)
Gia đình ông Nguyễn Bắc Son không nộp tiền
Đáng chú ý, bốn bị cáo trên đều xác nhận đã nhận một số tiền lớn từ ông Phạm Nhật Vũ. Cụ thể, ông Nguyễn Bắc Son nhận số tiền 3 triệu USD (hơn 66 tỉ đồng), ông Lê Nam Trà nhận 2,5 triệu USD (hơn 55 tỉ đồng), Cao Duy Hải nhận 500.000 USD (hơn 11 tỉ đồng) và Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD (hơn 4 tỉ đồng).
Ngoài ra, ông Trương Minh Tuấn còn khai thực hiện sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son là vì được ông Son hứa hẹn tạo điều kiện để làm bộ trưởng Bộ TT&TT.
Cựu chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà còn khai vào dịp tết âm lịch năm 2016, ông Trà đã biếu ông Nguyễn Bắc Son 700.000 USD, trong đó có 500.000 USD nhận từ ông Phạm Nhật Vũ. Khi đưa tiền, ông Trà có nói được Phạm Nhật Vũ biếu tiền. Tuy nhiên, ông Son khai chỉ nhận từ ông Trà 200.000 USD.
3 luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Bắc Son Theo khoản 1 Điều 255 BLTTHS 2015, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ họ tên người bào chữa (nếu có); họ tên người phiên dịch (nếu có); họ tên những người khác được triệu tập đến phiên tòa… Tuy nhiên, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP Hà Nội đối với vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG (ký ngày 18-11-2019) thì tòa án không ghi rõ tên như vậy. Thay vào đó, điểm 2 Điều 2 của quyết định chỉ ghi: “Những người tham gia tố tụng: Các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, luật sư”. Được biết trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bắc Son có ba luật sư bào chữa là luật sư Lê Đình Ứng, luật sư Phạm Công Hùng và luật sư Nguyễn Châu Hoan. |
Cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải cũng khai số tiền nhận từ ông Phạm Nhật Vũ ông đã sử dụng chi tiêu cá nhân và biếu ông Son 200.000 USD vì nghĩ “ông Son là cấp trên và đã tạo điều kiện trong quá trình công tác”. Tuy nhiên, ông Son khai chỉ nhận 200 triệu đồng.
Dù lời khai mâu thuẫn nhưng cả hai ông Trà, Hải đều xác định đây là “việc dân sự” giữa cá nhân hai ông với ông Son nên không yêu cầu, đề nghị xem xét trong vụ án.
Quá trình điều tra, ngoại trừ ông Nguyễn Bắc Son, ba bị cáo còn lại đều đã tự nguyện nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. Ông Nguyễn Bắc Son “có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền” - cáo trạng nêu.
Trong cáo trạng, VKSND Tối cao đề nghị khi xem xét, quyết định hình phạt đối với tội danh nhận hối lộ, tòa cần có sự phân hóa về vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả. Viện đề nghị áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị can, nhất là các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt.
Cựu chủ tịch AVG có nhiều tình tiết giảm nhẹ Cáo trạng của VKSND Tối cao nhận định ông Phạm Nhật Vũ không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của ông Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra. Tuy nhiên, trước khi khởi tố vụ án, cựu chủ tịch HĐQT AVG đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ thiệt hại cho MobiFone với số tiền gần 8.800 tỉ đồng, bao gồm cả tiền lãi phát sinh chi phí liên quan đến dự án. Ông Phạm Nhật Vũ cũng được ghi nhận “đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để CQĐT làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án” nên không bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Với hành vi đưa hối lộ, ông Vũ bị truy tố ở khoản 4 Điều 364 BLHS với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù. Ngoài ra, ông Vũ được ghi nhận có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với CQĐT, VKSND Tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án… “Cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3; khoản 1, 2 Điều 51 và các quy định khác của BLHS năm 2015 để xem xét, quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ nêu trên của bị can Phạm Nhật Vũ” - cáo trạng nêu. Những người đang bị tạm giam 1. Bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu bộ trưởng TT&TT, bị bắt tạm giam từ ngày 23-2-2019. 2. Bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng TT&TT, cựu phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bị bắt tạm giam ngày 23-2-2019. 3. Bị cáo Phạm Đình Trọng, cựu vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT, bị bắt tạm giam từ ngày 10-7-2018. 4. Bị cáo Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, bị bắt tạm giam từ ngày 11-7-2018. 5. Bị cáo Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc MobiFone, bị bắt tạm giam từ ngày 13-11-2018. 6. Bị cáo Phan Thị Hoa Mai, cựu thành viên Hội đồng thành viên MobiFone, được tại ngoại. 7. Bị cáo Hồ Tuấn, cựu thành viên Hội đồng thành viên MobiFone, được tại ngoại. 8. Bị cáo Phạm Thị Phương Anh, cựu phó tổng giám đốc MobiFone, bị bắt giam ngày 13-11-2018, đến ngày 26-8-2019 được cho tại ngoại. 9. Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, cựu phó tổng giám đốc MobiFone, được tại ngoại. 10. Bị cáo Nguyễn Bảo Long, cựu phó tổng giám đốc MobiFone, được tại ngoại. 11. Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, cựu phó tổng giám đốc MobiFone, được tại ngoại. 12. Bị cáo Võ Văn Mạnh, giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thẩm định giá AMAX, bị bắt tạm giam từ ngày 13-4-2019. 13. Bị cáo Hoàng Duy Quang, Giám đốc Chi nhánh phía Bắc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thẩm định giá AMAX, bị bắt tạm giam ngày 13-4-2019. 14. Bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG, bị bắt tạm giam từ ngày 12-4-2019. |