Trong đó có 33.000 thí sinh đã xác nhận dự thi. Phần lớn thí sinh đăng ký dự thi tại TP.HCM, chỉ 2.500 em sẽ thi tại cụm thi tỉnh Bến Tre.
Đó là thông tin từ TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH này cho biết sau khi kết thúc đăng ký đợt 1. Theo TS Chính, tổng số trường ĐH-CĐ đăng ký dùng kết quả kỳ thi của ĐH này cũng đã lên đến 25 đơn vị. Trong đó có 8 đơn vị thành viên của ĐH này và 17 trường ĐH-CĐ bên ngoài.
Theo ông Chính, nhiều trường sử dụng kết quả này là một trong những lí do khiến số TS tăng kỷ lúc so với năm trước. Chưa kể, chỉ tiêu của các trường dành cho phương thức này cũng tăng cao, từ 25-40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Do đó, bản thân TS cũng muốn tăng cơ hội trúng tuyển hơn cho mình thay vì chỉ tham gia kỳ thi THPT Quốc gia.
Theo kế hoạch, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 sẽ diễn ra vào ngày 31-3 tại TP.HCM và tỉnh Bến Tre. Kết quả sẽ công bố vào ngày 10-4.
Từ ngày 15-4 đến 31-5, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục mở cổng đăng ký dự thi đợt 2. Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 sẽ diễn ra vào ngày 7-7.
Như đã thông tin, năm nay, bài thi đánh giá năng lực gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút. Bài thi sẽ đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của TS như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.
Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức và về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau, tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.