Vườn cà phê của ông Trương Minh Bằng, thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị thấp thoáng những bóng áo xanh của Đội Kinh tế quốc phòng 337 đến tìm hài cốt liệt sĩ. Những cây cà phê đang kỳ sung mãn ra hoa tích nhựa được chính tay ông Bằng chặt bỏ để hỗ trợ cho đội tìm kiếm.
Chặt cà phê, tháo nhà phục vụ tìm hài cốt
Thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp nằm ven Đường 9, giáp ranh thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Trong chiến tranh, mảnh đất này được biết đến là mặt trận Làng Khoai, nơi xảy ra nhiều trận chiến đấu ác liệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh được đồng đội chôn cất ngay tại chiến trường.
Mảnh đất ngày nào còn ngập ngụa trong đạn bom, dây thép gai nay đã đổi màu, những rẫy cà phê, chuối bám rễ trên đất, xanh mướt một màu. Sau mỗi trận mưa, đất lại nổi lên những mảnh đạn, bom còn sót lại từ thời chiến.
Thiếu tá Võ Văn Hạnh, cán bộ phụ trách Đội Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, cho biết: “Việc xác định địa điểm chôn cất các liệt sĩ rất khó khăn, chỉ có thể dựa trên những thông tin ít ỏi từ tài liệu và những nhân chứng còn sống. Nhưng qua thời gian, không gian đổi khác, những thông tin giá trị nhất trong việc tìm hài cốt lại đến từ phía người dân, những người lên đây lập nghiệp”.
Từ ngày 23-3, tại vườn cà phê của gia đình ông Trương Minh Bằng và ông Trương Quyền (em ruột ông Bằng), từng centimet đất trong vườn được đào xới, những cây cà phê đang trong kỳ sung mãn được chặt bỏ. Có mặt tại vườn, ông Trương Minh Bằng bộc bạch: “Dù vườn cà phê là nguồn sống của gia đình nhưng để phục vụ cho các anh, các chú tìm hài cốt thì chúng tôi sẵn sàng chặt bỏ. Chỉ mong sao tìm được hết là chúng tôi an lòng. Mà không chỉ tôi, các gia đình trong xóm đều đồng thuận như vậy. Mảnh đất này đỏ hơn, tốt hơn là đẫm máu của các anh hùng liệt sĩ mà!”.
Nghĩa cử cao đẹp này xuất phát từ tấm lòng của người dân huyện Hướng Hóa. Trước đó, vào tháng 5-2014, gia đình anh Lư Quang Việt và anh Lê Trọng Dần, trú khóm 4, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đã sẵn sàng tháo dỡ nhà cửa để phục vụ cho Đoàn 337 tìm kiếm hài cốt.
Thiếu tá Võ Văn Hạnh xúc động: “Trong công việc khảo sát, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, thông tin và sự giúp sức của người dân luôn là yếu tố quyết định. Không phải lúc nào sau quá trình khảo sát cũng tìm ra hài cốt nhưng chính tình cảm của người dân đã khiến chúng tôi ấm lòng”.
Di vật cùng các mảnh xương được cẩn thận đưa lên. Ảnh: NG.TÂN
Di vật và hài cốt được tách riêng. Ảnh: NG.TÂN
Hai di vật được tìm thấy có khắc tên là Lê Công Độ - Trường Sơn, 19-8; Xuân Trúc - Nam Ngạn, Hà Nam và H.Sơn. Ảnh: NG.TÂN
Đưa các chú, các bác trở về
Giữa trời nắng bức, 15 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 làm việc cật lực. Cuốc hầu như ít được sử dụng, xẻng dùng rất hạn chế để tránh vô tình ảnh hưởng đến hài cốt dưới lớp đất. “Việc tìm kiếm hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, bởi không có cách nào xác định được chính xác hài cốt dưới lớp đất sâu” - Thiếu tá Hạnh nói.
Công việc tìm hài cốt kéo dài cả ngày, sáng bắt đầu từ 7 giờ, chiều từ 14 giờ. Buổi trưa các thành viên trong đội ăn cơm bụi và nghỉ ngơi chốc lát ở nhà dân gần đó.
Trước khi lưỡi cuốc, lưỡi xẻng động thổ, một người đại diện thay mặt thắp nén hương và khấn trình lên anh linh các liệt sĩ phò hộ cho việc truy tập được thuận lợi. Những thẻ hương được chia đều cho mọi người thắp lên từng mô đất, gốc cây trong vườn.
Theo anh Ngô Phi Lập, người có thâm niên tìm cất bốc hài cốt lâu nhất trong đội thì không phải lúc nào công việc tìm cũng thành công. Có năm đội chỉ tìm kiếm và cất bốc được hai bộ hài cốt. “Vì chỉ tìm được trong sáu tháng mùa khô nên núi cao, hào sâu, rừng rậm gian khổ mấy anh em cũng đi được, chỉ mong sao tìm được các chú, các bác” - anh Lập nói.
Giữa vườn cà phê lao xao tiếng người, tiếng chặt cây, chợt anh Lập hô vang: “Đây rồi! Tìm thấy rồi! May quá!”. Không ai bảo ai đều chạy lại. Ở độ sâu chừng 1 m, một chiếc võng dù cùng dây buộc lộ ra theo bàn tay anh Lập run run gạt từng lớp đất…
Hai tấm khăn sô dùng để gói hài cốt và di vật được đội tìm kiếm chuẩn bị sẵn trải trên một tấm nylon. Một người có kinh nghiệm sẽ đảm trách việc cất bốc. Lần lượt từng mảnh xương, cúc áo quần, thìa muỗng… được mọi người chuyền tay nhau đưa lên. “Vậy là hôm nay vui rồi, trong một ngày mà anh em đưa được hai bác liệt sĩ trở về” - Thiếu tá Hạnh xúc động nói.
Trước khi xương cốt, di vật được gói lại, Thiếu tá Hạnh thay mặt cả đoàn thắp nén hương xin phép với người đã khuất để đội tiến hành hoàn tất những thủ tục cuối cùng. Hai chiếc răng nguyên vẹn cũng được tách riêng, đánh số phục vụ cho quá trình xét nghiệm ADN sau này.
Sau khi hài cốt được đưa đi, một cọc gỗ được đóng tại địa điểm phát hiện, trên cọc có buộc một mảnh khăn sô đánh số thứ tự. Trong vườn cà phê tính đến giữa tháng 4 có tất cả 26 cọc gỗ như vậy.
Công việc tìm hài cốt liệt sĩ được Đoàn 337 thực hiện trong sáu tháng mùa khô hằng năm. Trong quá trình tìm kiếm, xúc động nhất là tìm được những di vật có kèm tên tuổi của các bác. Thiếu tá Hạnh chia sẻ: “Như vừa rồi chúng tôi tìm được một bộ hài cốt có cây bút mực còn mới nguyên, thân bút có ghi tên Lê Công Độ - Trường Sơn, 19-8. Ai nấy đều xúc động vì chỉ cần như thế, cánh cửa tìm được nhân thân sẽ dễ dàng mở ra. Chúng ta đều biết rằng ở đâu đó, những bà mẹ, vợ con, họ hàng đang mong ngóng thông tin về người ruột thịt của mình”.
Cũng trong thời gian này, tại vườn gia đình ông Nguyễn Tiến Lộc (trú thôn Lương Lễ), Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa cũng tìm thấy 26 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có hai thìa inox khắc chữ: Xuân Trúc - Nam Ngạn, Hà Nam và H.Sơn. Một số lọ thủy tinh có đậy nắp cũng được tìm thấy.
Những thông tin ít ỏi về danh tính các liệt sĩ do người dân cung cấp đều thực sự giá trị. Có khi đào xuống lớp đất sâu chỉ tìm được có khi là chiếc dây thắt lưng nằm ngang, hàng cúc áo nằm dọc cùng ít di vật nhưng chúng tôi chỉ thu được một ít di vật cùng với nắm đất. Lúc ấy chỉ tự nhủ lòng rằng thân thể các bác, các chú đã hòa vào đất đai, cây cỏ, núi sông, là máu thịt của đất nước rồi. Ông ĐẬU ĐÌNH LONG, Đoàn phó Đoàn 337 Quân khu 4 |