Hơn 500 người bị ngộ độc sau ăn bánh mì: Trách nhiệm pháp lý ra sao?

(PLO)- Vụ hơn 500 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, nếu có kết luận bệnh nhân ngộ độc từ bánh mì thì chủ tiệm và người liên quan có thể phải chịu chế tài theo quy định pháp luật. 

Mới đây, PLO có đăng bài viết “Chủ tiệm bán bánh mì nói gì về vụ gần 500 người bị ngộ độc phải cấp cứu? .
Bài viết có nêu thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho thấy ngày 3-5, các bệnh viện tại Đồng Nai và BV Nhi Đồng 1, TP.HCM đã tiếp nhận 487 ca nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh B (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh).

Theo bà B thì tiệm bán bánh mì của gia đình bà đã bán gần 20 năm nay và được nhiều người ở TP Long Khánh biết đến. Những thực phẩm gia đình lấy về để bán bánh mì hay thực phẩm tươi sống để chế biến, tự làm đều lấy từ “mối” quen nhiều năm nay và chưa xảy ra điều gì bất thường, không có chuyện gây ngộ độc bao giờ.

Đoàn công tác của Bộ Y tế cùng đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, UBND TP Long Khánh đã đến tiệm bán bánh mì B để khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm.

Vụ việc đang chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Một số bạn đọc thắc mắc pháp luật quy định trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm gây ngộ độc thì bị chế tài ra sao? Nếu trường hợp giám định kết luận ngộ độc thực phẩm đúng là do ăn bánh mì thì chủ tiệm chịu những trách nhiệm pháp lý gì?

Liên quan đến thắc mắc trên, Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Vụ việc nêu trên nếu có kết luận bệnh nhân bị ngộ độc do ăn bánh mì thì tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi, những người liên quan có thể phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Sau khi nhiều người nhập viện nghi do ngộ độc, đoàn công tác của Bộ Y tế đến lấy mẫu xét nghiệm tiệm bánh mì của bà B. Ảnh: VH

Mức xử phạt vi phạm hành chính

Tại khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018 (được sửa đổi bởi Nghị định 124/2021) có quy định về vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm.

Cụ thể, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ năm người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 5 triệu đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 50 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 20 triệu đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, người nào có hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc cho người khác thì có thể bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng (nếu là tổ chức thì mức phạt gấp đôi, từ 160 - 200 triệu đồng).

Ngoài ra, chủ tiệm còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung và bắt buộc phải khắc phục hậu quả khác như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3 - 5 tháng; buộc thu hồi thực phẩm; Buộc tiêu hủy thực phẩm; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm...

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có quy định tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo đó, Điều 317 này quy định người nào thực hiện một trong các hành vi như chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tiền từ 50- 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm….

Về trách nhiệm dân sự: Người vi phạm phải chịu các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho những người bị ngộ độc bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất,… theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.

Các mức xử phạt về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm khắc, vì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Do vậy, rất mong những người chế biến, bán thực phẩm cần tuân thủ các điều kiện về an toàn thực phẩm để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới