Hơn 6,7 triệu học sinh phải học trực tuyến, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế bàn hướng ra

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 (27-4) kéo dài khiến hàng triệu học sinh không được đến trường. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến nay chỉ có một số địa phương cho học sinh học trực tiếp, phần lớn vẫn học trực tuyến.

Để có giải pháp tốt nhất cho học sinh trong thời gian tới, chiều 8-11, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ sở giáo dục.

Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch thứ 4 đã làm ảnh hưởng tới tất cả lĩnh vực trong đó y tế và giáo dục

Theo đánh giá chung, năm 2021, nhiều địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh việc ban hành các hướng dẫn đảm bảo an toàn trường học đối với các địa phương học sinh học trực tiếp thì Bộ GD&ĐT cũng ban hành nhiều kế hoạch nhằm giúp các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên khi học tập trên môi trường internet.

Học sinh ở TP.HCM đi học lại sau thời gian dài nghỉ học vì dịch COVID-19.

Mặc dù Bộ Y tế đã có những hướng dẫn để học sinh có thể quay trở lại trường nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần phải nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh về tiêm chủng vaccine, đeo khẩu trang cho trẻ. Đối với nhà trường phải đảm bảo phòng học thông thoáng và các quy định phòng chống dịch.

“Bên cạnh đó, các địa phương cần tập huấn trong trường hợp có học sinh F0. Việc này nhằm tránh tâm lý kỳ thị và tránh gây tổn thương nếu xuất hiện ca F0 trong trường học” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị.

Ông Vương Chí Nam, Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế, cho hay quan điểm của Bộ Y tế là phải đảm bảo an toàn khi trẻ đến trường. Các trường hợp được đến trường học trực tiếp sẽ phân theo cấp độ dịch. Khi trẻ tới trường cần phải đảm bảo mỗi trẻ một cốc uống nước và đồ dùng vệ sinh riêng. Tại trường cần có nơi rửa tay cho trẻ với xà phòng...

Cũng theo ông Nam, khi có trường hợp nghi mắc xảy ra trong nhà trường cần thông báo cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch để có giải pháp phù hợp.

Liên quan tới vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Cục Y tế dự Phòng, Bộ Y tế cho hay Bộ đã có nhiều công văn, quyết định và công điện hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ.

Nguyên tắc tiêm chủng là phải đẩy nhanh tiêm cho nhóm tuổi từ 18 trở lên. Mở rộng đối tượng tiêm chủng theo nguyên tắc tuổi từ cao hạ xuống thấp và phải căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine, tình hình dịch bệnh và độ bao phủ cho nhóm 18 tuổi trở lên.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện có 105/134 quốc gia trên thế giới đã mở cửa trở lại. Chính phủ cũng căn cứ vào tình dịch trong nước, thế giới và tiêm vaccine đã ban hành Nghị quyết 128. Đây là giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi đã đạt trên 75%. Tại các tỉnh miền Nam tỉ lệ này sẽ cao hơn.

Sắp tới, các trường căn cứ vào cấp độ dịch để quyết định cho học sinh đi học theo hình thức nào. Việc cho trẻ đi học cần phải linh hoạt theo cấp độ dịch của mỗi địa phương.

"Các trường học trên cả nước phải có kế hoạch phòng chống dịch mới. Kế hoạch này phải được ban chỉ huy phòng chống dịch cấp quận huyện phê duyệt. Trong đó có kế hoạch rõ ràng để có thể mở cửa trường học trở lại" - Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm