Hợp đồng lao động vô hiệu, không phải bồi thường

Theo hồ sơ, tháng 9-2011, ông Philippe ký hợp đồng làm giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh, thời hạn hai năm, mức lương 2.500 USD/tháng với Công ty TNHH Dạy nghề Đào tạo Quốc tế Raffles. Chưa đầy một năm sau, tháng 4-2012, Công ty Raffles đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Philippe với lý do công ty bị Thanh tra Bộ GD&ĐT xử phạt hành chính, buộc chấm dứt hành vi quảng cáo, tuyển sinh, đào tạo trái quy định pháp luật Việt Nam.

Không đồng tình khi bị cho nghỉ việc, ông Philippe khởi kiện ra TAND quận Phú Nhuận yêu cầu được trở lại làm việc, nhận tiền lương chưa lãnh và bồi thường hai tháng tiền lương. Trong khi đó, đại diện Công ty Raffles cho rằng công ty bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề nên mới chấm dứt hợp đồng lao động với ông Philippe. Công ty đã giải quyết đầy đủ thủ tục cho 93 nhân viên làm việc đồng ý chấm dứt hợp đồng, chỉ còn lại ông Philippe cùng bốn giảng viên khác không đồng ý. Công ty cho rằng mọi việc đã tiến hành đúng thủ tục pháp luật và công ty cũng không buộc thôi việc trái pháp luật nên không đồng ý bồi thường.

Xử sơ thẩm hồi tháng 7-2012, TAND quận Phú Nhuận đã tuyên bác các yêu cầu khởi kiện của ông Philippe vì nhận định hợp đồng lao động giữa hai bên vô hiệu, Công ty Raffles chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này là phù hợp quy định… Sau đó, ông Philippe kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm vừa qua, tòa đã không chấp nhận kháng cáo của ông Philippe về các yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, trở lại làm việc và buộc Công ty Raffles chi trả bồi thường do vi phạm. Tòa chỉ chấp nhận yêu cầu buộc Công ty Raffles bồi thường hơn 16,5 triệu đồng tiền lương còn thiếu (tương đương bảy ngày làm việc) cho ông Philippe. Với yêu cầu tính thêm tiền phép năm, vé máy bay thì tòa không xem xét do ông Philippe đã không đề cập trong giai đoạn sơ thẩm.

Cạnh đó, tòa cũng xem xét lập luận của ông Philippe là “bị đơn vi phạm chức năng hoạt động kinh doanh dạy nghề trong tám năm, vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng vẫn ký hợp đồng lao động là có lỗi, lừa dối người lao động, cần phải bồi thường”. Theo tòa, pháp luật lao động chưa có quy định xét lỗi của các đương sự khi tham gia ký hợp đồng lao động trái pháp luật (hợp đồng vô hiệu). Do vậy, tòa không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.

ÁI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm