Sáng 18-10, đoàn giám sát do ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Trường Mầm non Họa Mi (huyện Nhà Bè, TP.HCM) về triển khai thực hiện các khoản đóng góp theo quy định và quỹ do ban đại diện cha mẹ học sinh (HS).
Theo báo cáo của Trường Mầm non Họa Mi, đây là năm thứ hai trường triển khai mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Tổng số trẻ của trường là 320, trong đó có 153 trẻ ở khối mầm và chồi theo mô hình tiên tiến.
Ông Vũ Thanh Lưu trao đổi tại buổi giám sát. Ảnh: PHẠM ANH
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, cho biết do HS những lớp này chỉ 20-23 trẻ/lớp, thời lượng và chương trình học nhiều hơn nên mức thu cũng cao hơn. Ngoài các khoản thu theo quy định khoảng 1,4 triệu đồng/tháng thì mỗi em đóng thêm 1.496.000 đồng/tháng, tức tổng tiền các em phải đóng vào đầu năm học là hơn 2,8 triệu đồng/em.
"Khoản đóng thêm này do nhà trường đề xuất dựa trên thỏa thuận với phụ huynh, bao gồm các khoản: Tổ chức cho trẻ học tiếng Anh là 400.000 đồng, học thể thao 436.000 đồng, hai môn năng khiếu (vẽ và thể dục nhịp điệu), ngoại khóa là 150.000 đồng, trang bị cơ sở vật chất là 350.000 đồng" - bà Loan nói.
Bà Loan cũng cho biết thêm, mức thu cao và yêu cầu ít về sĩ số/lớp cũng là áp lực cho trường. Do đó, ngay từ đầu năm trường đã phải tư vấn giúp phụ huynh hiểu và chọn loại hình học phù hợp cho con em. "Mô hình này chỉ có thể nhận những em có điều kiện tài chính theo học nên những trường hợp còn lại trường phải tư vấn, giới thiệu phụ huynh đưa con sang các trường lân cận. Riêng lớp lá và nhà trẻ năm nay trường vẫn tổ chức học bình thường" - bà Loan nói.
Giờ học của trẻ theo mô hình tiên tiến tại Trường Mầm non Họa Mi (Nhà Bè). Ảnh: PHẠM ANH
Về các khoản tiền đóng góp, tài trợ từ phụ huynh, ông Lục Thanh Bình, Phó Trưởng ban đại diện cha mẹ HS của trường, cho biết ban không chủ trương thu quỹ từ phụ huynh. Mọi đóng góp chủ yếu trên tinh thần tự nguyện bằng tiền mặt hoặc hiện vật theo nhu cầu thực tế từng lớp như làm rèm cửa, đồ chơi, lắp máy móc.... Riêng các khoản tiền mặt nếu có thì ban sẽ cử đại diện thu và ký gửi cho thủ quỹ của trường. Khi nào cần chi thì nhà trường và ban đại diện sẽ thống nhất cụ thể.
Ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đánh giá trường đã thực hiện đúng các chủ trương và quy định về các khoản thu trong nhà trường. Tuy nhiên, ông Lưu cũng đề nghị ban đại diện phụ huynh phải nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các quy định về hoạt động của ban đại diện; huyện và phòng giáo dục cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc thu chi các khoản tiền, không để phụ huynh bức xúc.
Ngoài Trường Họa Mi, đoàn còn tổ chức giám sát tại bảy trường học khác trên địa bàn TP gồm Trường Mầm non Rạng Đông 6 (quận 6), Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), THCS Lý Thánh Tông (quận 8), THPT Thủ Thiêm (quận 2), THPT Nguyễn Hiền (quận 11).
Theo ông Lưu, đây là những trường được chọn ngẫu nhiên. Thông qua công tác giám sát, đoàn sẽ kịp thời phản ảnh, kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nhằm đảm bảo việc thu hộ, chi hộ theo quy định hiện hành. Đặc biệt là việc thu và sử dụng các loại quỹ do ban đại diện cha mẹ HS thực hiện tại các trường trong thời gian qua.