Phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM đã theo chân những “hung thần” này và chứng kiến nhiều pha rượt đuổi, bóp còi, vượt đèn đỏ từ cổng công ty Pouyuen (quận Bình Tân, TP.HCM) đến TP Tân An, Tỉnh Long An.
Phóng nhanh, vượt ẩu, bóp còi inh ỏi
Trước đó, như thường lệ, 15 giờ 30 hàng ngày, hàng chục xe đưa rước công nhân đã bắt đầu vào bến đỗ phía trong công ty. Đúng 16 giờ, công nhân tan ca, khung cảnh trước cổng công ty hỗn loạn. Xe đưa rước ra, vào, xe máy, xe đạp của công nhân , xe tải chạy dọc tuyến QL1A cứ thế đua nhau chen chân. Chưa kể nhiều người dân đi ngược đường khiến giao thông hỗn độn hơn.
Người dân sống ở đây cho biết họ đã quá quen thuộc với khung cảnh này vào mỗi chiều.
Điều nguy hiểm là dù ở ngay nút giao với tuyến QL1A nhưng những chiếc xe đưa rước này vẫn chạy với tốc độ cao ngay khi di chuyển từ trong cổng công ty ra, bóp còi inh ỏi. Trong một buổi chiều, phóng viên đã tận mắt chứng kiến ba người đàn ông ngồi trên xe máy may mắn thoát chết khi một chiếc xe chở công nhân phóng từ trong cổng ra với tốc độ cao, ôm cua không hết và va vào chiếc xe máy này. Nhiều công nhân hốt hoảng la lên khi nhìn thấy cảnh tượng đó và chỉ biết lắc đầu.
Chúng tôi theo một nhóm xe chạy QL1A hướng về Long An, Tiền Giang. Dọc tuyến đường xuôi về Long An này, các “hung thần” đua nhau chạy điên đảo, liên tục vượt mặt các xe khác, lấn tuyến để đi nhanh hơn. Đến ngã ba giao giữa QL1A với đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP.HCM) các xe liên tục vượt đèn đỏ dù đang trong giờ cao điểm.
Không những thế, khi chỉ mới ra khỏi công ty Pouyuen các xe dừng lại đón, trả khách đứng dọc QL1A.
Nhiều xe máy phải đứng chờ các xe đưa rước nối đuôi nhau phóng ra từ cổng công ty. Ảnh: LÊ THOA
Lực lượng Thanh niên xung phong còn phải chặn dòng xe trên QL1A để các xe đưa rước ra ngoài. Ảnh: LÊ THOA
Các xe khách liên tục ra vào công ty để rước công nhân. Ảnh: LÊ THOA
Xe đưa rước mang biển kiểm soát 51B-149.29 dừng lại trả khách đoạn trên QL1A thuộc xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An
Xe xuống cấp, chở quá số người
Số lượng xe đưa rước công nhân của công ty Pouyuen lên đến hàng trăm chiếc, phần nhiều là các xe có biển số của tỉnh Long An và TP.HCM, một số khác có biển số của tỉnh Tiền Giang, thậm chí là Bà Rịa – Vũng Tàu và nhiều tỉnh khác.
Xe đưa rước mang biển kiểm soát 62B-006.74 liên tục lấn tuyến để vượt lên trước mà không xi nhan. Ảnh: LÊ THOA
Hai xe đưa rước đua nhau lấn tuyến, bám riết nhau. Ảnh: LÊ THOA
Vừa bước xuống một chiếc xe khi về tới Long An, một nữ công nhân (xin được giấu tên) cho biết: “Tôi làm ở công ty này được 4 năm rồi, ngày nào cũng phải đi, về trên mấy chiếc xe này, riết cũng quen. Nhiều khi mấy ổng (tài xế - PV) phóng vèo vèo, lách bên này lách bên kia để đi cho nhanh mà mình cũng lo lắm, nhưng có còn cách nào khác đâu.
Còn anh Trần Phú Quốc, ngày nào cũng đứng trước cổng công ty Pouyuen để đón vợ nên chứng kiến không ít những pha rượt đuổi của xe đưa rước công nhân. “Ôi tôi thấy hoài chứ gì, mấy xe này mới ra khỏi công ty đã bóp còi inh ỏi, phóng vù vù, lấn tuyến nhau mà chạy, người đi đường như chúng tôi chỉ dám ép sát vào đường, sợ hãi lắm” – anh Quốc nói. Anh Quốc cho biết, mỗi sáng vợ mình đều theo xe Phương Trang từ huyện Bình Chánh lên công ty rồi chiều anh lại lên công ty để đón vợ vì không dám cho vợ mình đi trên “hung thần”.
“Sau vụ đụng với xe bồn khiến 11 người bị thương đó thì các xe đưa rước công nhân này bớt tung hoành lại rồi, chạy với tốc độ hiện giờ là chậm hơn trước rồi đó chứ lúc trước họ phải kéo lên hơn 100km/h, luồn lách kinh khủng, có những đoạn họ ép sát xe máy mà thấy thương” – chú Lòng – một người dân sống gần khu vực cho biết.
Theo chú Lòng, nguyên nhân các hung thần thích đua nhau là vì tính thắng thua của những tay tài xế, họ có cả những nhóm khác nhau và đua nhau vượt để thể hiện.
Còn các xe đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn cố tình đua nhau, đa phần các xe này đã rất cũ, mới sơn phết lại trước Tết cho mới. “Mới sơn lại đó nên tưởng mới nhưng nghe tiếng máy chạy ù ù là biết xe cũ lắm rồi, chẳng có máy lạnh, mở cửa cho gió thổi phù phù vào như vậy đó”- chú Lòng chép miệng.
Ông Củ Phát Nghiệp (Chủ tịch Công đoàn công ty Pouyuen): Chấn chỉnh tình trạng phóng nhanh sau vụ tai nạn ngày 23-2 Hiện tại công ty đang có 396 xe đưa rước công nhân về các tỉnh Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp… Tất cả các xe đều là xe hợp đồng được kí kết với các hợp tác xã hay tư nhân bên ngoài. Từ sau khi vụ tai nạn xảy ra vào ngày 23-2 , chúng tôi đã có cảnh báo với phía tài xế của các xe, cũng đã có kiến nghị với ban giám đốc giám sát chặt chẽ các xe đưa rước về tình trạng các xe chạy nhanh, giành đường vượt ẩu; đồng thời thường xuyên mời các chủ xe đến họp để trao đổi về vấn đề đảm bảo sinh mạng cho công nhân. Nếu thật sự vi phạm sẽ chấm dứt hợp đồng với các chủ xe đó. Về việc các xe chở quá số người quy định là do tâm lý công nhân muốn về sớm nên họ cứ thấy xe nào chạy trước là lên gây ra việc quá tải, trường hợp đó công ty cũng có trao đổi với tài xế nếu thấy xe đủ người thì đóng cửa để không cho công nhân lên nữa. Còn việc tài xế vi phạm và bị phạt thì họ phải chịu trách nhiệm. Ông Đinh Hoàng Linh- Đội trường đội Thanh niên xung phong: Từ sau vụ tai nạn vào ngày 23-2, chúng tôi tăng cường thêm lực lượng ở các chốt giao thông trước cổng công ty. Giờ cao điểm có thể lên đến 37 quân từ trong công ty rải dọc ra tới phía các cổng phụ, cổng chính… Buổi sáng, trước cổng chúng tôi bố trí từ 6- 7 người để phân luồng giao thông, còn buổi chiều thì khoảng 5 người (2 người ngay cổng và 3 người ở ngoài mé đường giao với QL1A để phối hợp với lực lượng CSGT). Từ đó, tình hình di chuyển của công nhân trước cổng công ty đã vào nể nếp hơn, xe đưa rước công nhân cũng đã tuân thủ quy định chứ không phóng nhanh như trước nhiều. Nếu trường hợp chúng tôi phát hiện xe chở quá số người quy định thì sẽ báo với lực lượng CSGT để họ xử lí vì chúng tôi không có thẩm quyền kiểm tra và xử lí xe. Rất nhiều trường hợp đã bị CSGT xử phạt vì vi phạm các lỗi như chở quá người, chạy xe quá tốc độ… Đối với những xe đưa rước không chấp hành mệnh lệnh dừng xe để kiểm tra hay vượt quá số người quy định, Đội CSGT An Lạc (thuộc PC67) sẽ truy đuổi bằng xe mô tô. |