Lý Quang Diệu - Singapore là hai cái tên không thể tách rời nhau trong suốt gần năm thập niên vừa qua, bởi tất cả những gì Singapore có ngày hôm nay - thoát nghèo thành phồn thịnh, văn minh, hiện đại, lành mạnh và đáng học hỏi - đều được xem là thành tựu do Lý Quang Diệu làm tổng đạo diễn. Ông còn được xem là một chiến lược gia tài ba, có tầm nhìn đáng chú ý về trật tự thế giới, được ví là “Henry A. Kissinger của phương Đông”. Tuy nhiên, sự ra đi của Lý Quang Diệu để lại không ít tranh cãi cho định hướng phát triển trong tương lai của Singapore.
Phá ngôi nhà ông ở nhưng có phá ngôi nhà do ông xây?
“Người khổng lồ” Lý Quang Diệu khẳng định “lãnh đạo không phải dựa vào những lá phiếu để quyết định công việc chung của đất nước”, mà bằng quyền lực của nhà lãnh đạo. Cá nhân người dân chịu sự giám sát và điều chỉnh gắt gao của pháp luật và chính quyền nhằm hướng tới “một xã hội có nề nếp, trật tự để người dân thực hiện quyền tự do của mình”. Cựu Đại sứ Kishore Mahbubani của Singapore tại Liên Hiệp Quốc nhận định: “Dân số trẻ của Singapore đánh giá cao sức mạnh của nước họ và hài lòng với sự ổn định mà chính phủ Singapore mang lại”. Người dân Singapore nhận thức họ là trung tâm, là điểm quy chiếu cho nhiều quốc gia trong khu vực học theo.
Sau khi Lý Quang Diệu mất, hai cây bút Joe Cochrane và Thomas Fuller của tờ New York Time cho biết khi còn sống, ông Lý Quang Diệu nhiều lần nhắc với nội các rằng khi ông qua đời, hãy phá hủy ngôi nhà mà ông đang ở. Ra đi ở tuổi 91 và ghi không biết bao “chiến tích” cho Singapore nhưng “người khổng lồ” không muốn để lại bất kỳ điều gì mang bóng dáng sự sùng bái cá nhân. Lý Quang Diệu nói ngôi nhà mà ông ở, sau khi ông mất, nếu giữ lại sẽ hao tốn quá nhiều chi phí bảo dưỡng và cản trở sự qua lại của mọi người. Vậy nên “phá hủy nó đi”.
Thủ tướng Lý Hiển Long - con trai ông Lý Quang Diệu với những chính sách mềm dẻo, cởi mở hơn cũng nằm trong những trù liệu của “người khổng lồ”. Ảnh: WSJ.COM
Thậm chí khi Lý Quang Diệu “nằm xuống”, đường phố Singapore vẫn yên tĩnh, không có bất kỳ một vụ ồn ào hay phá hoại nào. Tất cả người dân Singapore đều có thời gian để đến và “nhìn ông lần cuối” tại tòa nhà Quốc hội Singapore trước khi nghi lễ tưởng niệm chính thức được diễn ra. Làm như thế, vừa tiện cho dân, vừa hạn chế sự hỗn loạn không cần thiết cho trật tự xã hội. Tất cả đều nằm trong tính toán của ông thuở chưa nhắm mắt xuôi tay. Nhưng giờ đây, đông đảo người dân Singapore và thế giới đặt vấn đề về tương lai “ngôi nhà lớn” do chính ông xây - đất nước Singapore - sẽ đi về đâu. Liệu những gì mà ông Lý Quang Diệu cả đời gầy dựng sẽ tiếp tục tồn tại, hay sẽ bị thế hệ sau “phá đi” như điều mà họ sẽ làm với ngôi nhà ở của ông?
Những thách thức đối với một Singapore đang thay đổi
Chuyên gia Joel Kotkin của tờ Forbes nhận xét Lý Quang Diệu để lại di sản và tính trật tự cho Singapore nhưng độ bền vững của chúng vẫn còn là một câu hỏi. Theo vị này, ông Lý Quang Diệu không để lại cho người dân Singapore một hệ thống niềm tin để gắn kết họ lại với nhau thành một khối thống nhất như điều mà George Washington từng làm với Mỹ. Người ta tôn kính, tuân lệnh Lý Quang Diệu đơn thuần là vì ông ấy làm việc hiệu quả và yêu thương họ.
Joe Cochrane và Thomas Fuller cho rằng đối với những người đã đồng hành với Lý Quang Diệu để duy trì quyền lực của chính quyền Singapore suốt gần năm thập niên qua, tất cả những gì đảo quốc sư tử có được ngày hôm nay - trung tâm tài chính kinh tế khu vực, thu nhập cao tốp đầu thế giới, môi trường trong sạch, vắng bóng tham nhũng, phúc lợi xã hội ổn định, giáo dục phát triển - là đã quá đủ. Nhưng đối với giới trẻ Singapore thì bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Cựu Đại sứ Kishore Mahbubani cũng cho rằng công dân trẻ Singapore cũng muốn họ có tiếng nói nhiều hơn trong công việc của đất nước. Vì vậy, chính phủ phải tạo cơ hội để họ có thể nói ra quan điểm của họ về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế. Thực tế điều đó đang diễn ra.
Lý Quang Diệu ra đi nhưng tư tưởng nghiêm khắc của ông vẫn mang giá trị để duy trì một Singapore nề nếp, ổn định. Ảnh: AP
GS Kenneth Paul Tan, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cho rằng: “Mọi chuyện đều có thể xảy ra với Singapore”. Ông lý giải khi Singapore có rất nhiều tài năng cùng làm việc trong một tổ chức, sẽ xuất hiện sự khác nhau về quan điểm và tham vọng. Điển hình như việc Đảng Hành động nhân dân (PAP) của ông Lý Quang Diệu có thể sẽ chia thành hai phe đối lập - điều mà rất nhiều người bắt đầu tin rằng rất có thể sẽ xảy ra.
Bên cạnh đó, sự phát triển ngày càng nhanh của Internet và các công cụ bổ trợ người dùng có thể “lục tung cả thế giới” đã thách thức công cụ giám sát thông tin của chính phủ đối với người dân Singapore. Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống mạng xã hội đã khiến nội tại Singapore, nhất là thế hệ trẻ, đã chia thành nhiều luồng quan điểm đối lập, giảm tính thống nhất so với xã hội truyền thống của Lý Quang Diệu.
Nhìn ở góc độ khác, chuyên gia tư vấn quản lý Tan Wee Cheng, 45 tuổi, cho biết người Singapore hiện nay còn lo ngại và dễ cảm thấy bị tổn thương trước dòng lao động nhập cư - điều mà Lý Quang Diệu đã rất kỳ vọng trong chiến lược phát triển kinh tế, giáo dục nhờ vào huy động nguồn lực ngoại quốc. Tỉ lệ sinh thấp buộc nước này phải “mở cổng” cho lao động nước ngoài nhập cư. Hiện hơn một phần ba trong tổng số 5,5 triệu dân Singapore không phải là dân bản địa. Điều này khiến làn sóng chỉ trích chính phủ gián tiếp làm giảm phúc lợi của người bản địa, khó tạo nên bản sắc riêng của đảo quốc Singapore.
“Ông ấy đã trù liệu trước”
Người dân Singapore chuẩn bị đón chào 50 năm ngày độc lập. Có người trong tâm nhìn lại quá khứ với những chiến công khiến cả thế giới không tiếc lời khen. Nhưng cũng không ít người nhìn về tương lai - một thời điểm bắt đầu cho một sự thay đổi, thoát khỏi một Singapore vốn cũ kỹ, bất ổn nội tại sau sự ra đi của Lý Quang Diệu. Trước những nghi ngờ về một Singapore sẽ thay đổi, phá vỡ mô hình mà Lý Quang Diệu gầy công xây dựng, nhiều chuyên gia nhận định rằng Lý Quang Diệu thậm chí đã tính trước “tương lai Singapore sau khi ông mất”.
Năm 2011, Lý Quang Diệu rời bỏ nội các. Một tuần sau đó, Đảng Hành động nhân dân (PAP) chỉ nhận được 60,14% - tỉ lệ thấp nhất kể trong vòng hơn bốn thập niên qua. Điều đó cho thấy những “bất ổn” bắt đầu lộ diện. Ngay lập tức, chính quyền Lý Hiển Long có những điều chỉnh. Các vấn đề tự do ngôn luận, siết chặt chính sách nhập cư, đánh thuế người giàu tăng phúc lợi xã hội… được triển khai mạnh mẽ. Hình ảnh ông Lý Hiển Long giao tiếp với dân qua mạng xã hội Facebook cho thấy một Singapore cởi mở hơn, gần gũi hơn.
Giới quan sát nhận định trong một thế giới hội nhập mạnh và tác động toàn cầu hóa, một số tư tưởng của Lý Quang Diệu sẽ bớt chi phối.
Mềm mại hóa “bàn tay sắt” Có ý kiến cho rằng “bàn tay sắt của Lý Quang Diệu” đã không còn thực sự hiệu quả trong việc giải quyết những bất đồng vì tính phân cấp trên dưới trong dân chúng Singapore đã bắt đầu thay đổi. Nhà phê bình xã hội Catherine Lim, tác giả của một bức thư được chuyển đến chính phủ Singapore hồi năm ngoái nhận xét: “Chúng ta đang đối diện một cuộc khủng hoảng mà người dân không còn tin tưởng chính phủ. Và chính phủ cũng không còn quan tâm đến việc tìm cách lấy lại niềm tin của dân”. Karim Raslan, một nhà phân tích chính trị, cho rằng lãnh đạo Singapore phải đưa ra lý luận, tăng cường sự thuyết phục và dẫn dắt người dân cùng đi. |