Hãng tin RT dẫn lời các chuyên gia nhận định IS chính là “đứa con quái thai” mà chính sách can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây vô tình tạo nên khi thâu tóm quyền lực tại Trung Đông, mà màn “chào sân” là cuộc chiến tại Iraq năm 2003. Những Mosul, Palmyra, Raqqa, các thành trì của IS tại Iraq và Syria, đã trở thành những “địa ngục trần gian” với luật lệ hà khắc không khác gì thời Trung cổ.
Một thời cực thịnh
Sức hút của hàng triệu tấn “vàng đen” mỗi năm tại Trung Đông đã thôi thúc Mỹ và phương Tây hạn chế can thiệp chính sách của các vương triều Hồi giáo như Saudi Arabia, Bahrain, Qatar và Kuwait. Có ý kiến cho rằng phương Tây làm lơ chính sách bị cáo buộc là “nuôi khủng bố” tạo ảnh hưởng của các nước vùng Vịnh. Một phần nào đó, Mỹ và phương Tây muốn có cớ để hiện diện ở khu vực giàu dầu mỏ. Thậm chí cộng đồng người Kurd ở vùng biên giới phía Bắc Syria còn tố cáo IS được nuôi lớn từng ngày bằng những đoàn xe tiếp tế khổng lồ trước sự bình thản của Mỹ lẫn phương Tây.
Nhưng trò chơi “nuôi khủng bố” để tạo ảnh hưởng là một con dao hai lưỡi quá nguy hiểm. Mỹ và phương Tây có lẽ chẳng ngờ “đứa con” họ nhặt nuôi nay trở thành “quái thai”. IS trong giai đoạn cực thịnh đã trở thành lực lượng đi đầu trong làn sóng cực đoan chống Mỹ, chuyên gia Marina Ottaway thuộc Trung tâm Wilson (Mỹ) nhận định. Chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh nhắm vào IS không những không hiệu quả mà còn khiến các tổ chức khủng bố khác bắt tay với IS vì xem Mỹ và phương Tây là kẻ thù chung. Trong giai đoạn hùng mạnh nhất của mình, IS từng nắm trong tay tầm 2 tỉ USD, “chiêu binh mãi mã” từ khoảng 80 nước trên thế giới. IS được trang bị hàng ngàn phương tiện, khí tài chiến tranh thu được tại Iraq và Syria, rồi trở thành một thế lực quân sự đáng kể tại Trung Đông. Sự nguy hiểm của IS tăng gấp nhiều lần khi các phần tử Hồi giáo tại nhiều nước phương Tây, Đông Nam Á, hay thậm chí tại các cường quốc như Nga, Trung Quốc cũng ra sức ủng hộ tổ chức khét tiếng này.
Lần duy nhất Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trước công chúng vào năm 2014 ở đại thánh đường al-Nuri ở TP Mosul, tự xưng là lãnh đạo của một vương quốc Hồi giáo mới. Ảnh: REUTERS
Vì sao IS lụi tàn?
Trong thời kỳ cực thịnh của mình, IS từng kiểm soát gần một nửa lãnh thổ Iraq và một phần lớn lãnh thổ Syria, chi phối cuộc sống của hàng triệu thường dân và nắm trong tay hàng chục ngàn tay súng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, IS đã bắt đầu lãnh thất bại liên tiếp ở cả hai mặt trận. Giờ đây tổ chức này đã bị “khai tử” trên lãnh thổ Iraq và ngày tàn trên đất Syria cũng đã cận kề. Cả hai thành trì lớn nhất của tổ chức khủng bố này đã được lực lượng chống khủng bố Iraq, Syria tái chiếm thành công. Mới đây, ngày 20-10, lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn tại Syria chính thức tuyên bố tái kiểm soát hoàn toàn Raqqa, thành trì lớn đầu tiên mà IS chiếm giữ, được mệnh danh là “thủ đô” của vương quốc Hồi giáo tự xưng này.
Một yếu tố quan trọng giúp đánh bại nhóm khủng bố khét tiếng chính là triệt tiêu nguồn tài chính. Thời gian qua, chiến dịch không kích nhắm vào mỏ dầu của IS, chặn tuyến đường buôn lậu dầu và các hoạt động ngân hàng dính đến khủng bố đã phát huy tác dụng lớn. Việc phá bỏ càng nhiều nguồn tiền của IS đồng nghĩa với việc thu hẹp khả năng kêu gọi, huy động, chiêu dụ lực lượng khủng bố mới. Các nguồn lực liên quan đến tài chính mà IS có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng liên tiếp bị ngăn chặn và phá hủy khiến tổ chức khủng bố này mất nguồn tiền nuôi sống bộ máy quản lý lãnh thổ và hàng trăm ngàn tay súng đánh thuê.
Tuy nhiên, vấn đề then chốt dẫn đến ngày tàn của quân cờ đen IS chính là bước ngoặt trên chiến trường. Đã có một thời gian dài chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh rơi vào bế tắc. Với sự can thiệp quân sự trực tiếp của Nga giúp quân chính phủ Damascus tung sức loại lực lượng chống chính phủ ra khỏi vòng chiến, các nỗ lực chống IS được đơn giản hóa. Quân đội Syria sau khi loại được một đối thủ đã có thể dốc toàn sức để tiêu diệt quân cờ đen tại nhiều cứ điểm quan trọng. Một lý do khác là lựa chọn đồng minh chính xác của Mỹ và phương Tây, đầu tư vũ khí cho lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria và Iraq - lực lượng có quyết tâm chính trị và quân sự cao nhất trong cuộc chiến một mất một còn với IS. Người Kurd từng là cộng đồng bị IS đe dọa sẽ tận diệt và tắm máu, giờ đây chính là lực lượng chủ lực dẫn đầu các cuộc tấn công giải phóng hai thành trì lớn bậc nhất của IS là Mosul và Raqqa.
“Đầu rắn” vẫn còn
Ngày 28-9 vừa qua, IS đã công bố một đoạn băng ghi âm của thủ lĩnh nhóm này là Abu Bakr al-Baghdadi, 11 tháng kể từ lần gần nhất vào tháng 11-2016. Đoạn băng đăng trên cổng thông tin al-Furqan thân IS với thông điệp kêu gọi thành viên đừng buông súng, đừng bỏ chạy, đừng đầu hàng. Lần duy nhất al-Baghdadi xuất hiện trước công chúng cách đây đã hơn ba năm, khi đứng tại đại thánh đường al-Nuri ở TP Mosul vào năm 2014 để tự xưng là lãnh đạo của một vương quốc Hồi giáo mới.
Việc trùm khủng bố được mệnh danh “cái chết đen” lặn mất tăm trong gần 11 tháng trời làm rộ lên nhiều đồn đoán y đã thiệt mạng. Tháng 6-2017, không quân Nga bất ngờ thông báo “có khả năng cao” al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một đợt không kích của nước này nhằm vào bốn tòa nhà tại Raqqa, nơi các thủ lĩnh IS thường lui tới bàn kế hoạch. Không lâu sau đó, tình báo Mỹ lên tiếng nhận định có khả năng al-Baghdadi vẫn chưa chết.
Đoạn băng công bố ngày 28-9 làm sống lại những nghi ngờ rằng thủ lĩnh tối cao của IS thật sự đã thoát được bom đạn của Nga. Đó cũng không phải lần đầu tiên tay trùm này qua được cơn thập tử nhất sinh. Tình báo Iraq từng tiết lộ trong chiến dịch tái chiếm Mosul, biệt đội đặc nhiệm của nước này đã để xổng al-Baghdadi chỉ trong gang tấc. Năm 2003, khi còn là một thành viên “tôm tép” của nhóm thánh chiến Salaafi (Iraq), al-Baghdadi cũng từng bị quân đội Mỹ bắt giữ nhưng chỉ một năm sau là được trả tự do vì xác định là dân thường vô hại, theo The Sun. Người Mỹ không ngờ rằng chỉ bảy năm sau, tù binh đó đã bước khỏi bóng tối để trở thành thủ lĩnh phân nhánh al-Qaeda tại Iraq. Hai năm sau cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden, al-Baghdadi năm 2013 quyết định thoát ly khỏi al-Qaeda để lập nên đế chế mới và trở thành thủ lĩnh cực đoan quyền lực nhất thế giới thánh chiến.
Sau khi lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn đánh bật IS khỏi Syria và trước đó là liên quân Iraq tái chiếm thành Mosul, nhiều quan chức tình báo cho rằng al-Baghdadi đã tẩu thoát đến vùng sa mạc rộng hàng ngàn kilomet vuông giữa Mosul và Raqqa. Năm ngoái, trang tin Alalam (Iran) và một số kênh truyền thông Ả Rập cũng lan truyền thông tin al-Baghdadi đã bỏ chạy từ Raqqa sang Sirte (Libya) an toàn. Vị trí và thực hư tình hình của al-Baghdadi vẫn luôn là một bí ẩn lớn đối với giới tình báo chống khủng bố suốt bốn năm qua.
19 triệu USD vẫn chưa có chủ nhân Theo The Sun, một trong những mối lo lớn nhất của al-Baghdadi là làm sao đảm bảo các thân tín của hắn không trở mặt phản bội và chạy theo tiếng gọi của đồng tiền. Mỹ đang treo giá 25 triệu USD cho ai đưa al-Baghdadi “ra công lý”, chuyên gia cố vấn chống khủng bố tại Trung Đông Hisham al-Hashimi cho biết. “Giờ đây không còn đất để cai quản, tay trùm không thể tự xưng là quốc vương được nữa. Hắn chỉ còn là một kẻ đang đào tẩu với số lượng người ủng hộ đang thu hẹp”. Đặt trường hợp al-Baghdadi thật sự còn sống, các chuyên gia về chống khủng bố cho rằng phải mất nhiều năm nữa mới có thể bắt giữ hoặc kết liễu y. Ông Lahur Talabany, lãnh đạo lực lượng chống khủng bố của chính quyền tự trị người Kurd ở Iraq, khẳng định: “Cuối cùng thì hắn sẽ bị giết hoặc bắt giữ. Hắn sẽ không thể trốn dưới hầm ngầm mãi được. Tuy nhiên, viễn cảnh đó còn cách thực tế một vài năm”. |