Cận Tết, lượng xe ra vào cảng Cát Lái nhiều hơn gây áp lực cho khu vực vốn dĩ đã kẹt cứng càng khủng khiếp hơn.
Hàng đoàn xe đầu kéo, xe tải nằm bẹp dí trên đường cùng những khuôn mặt phờ phạc của cánh tài xế, nhiều người hét to: “Mệt mỏi quá trời ơi…”.
Bị rút hết dầu vì kẹt đường
Khoảng từ 15 giờ, xe container theo trục xa lộ Hà Nội đổ về đại lộ Mai Chí Thọ để vào cảng Cát Lái gây ùn ứ kinh hoàng. Hàng ngàn phương tiện nằm dài nhiều cây số trên xa lộ Hà Nội đến cầu Rạch Chiếc.
Trong nhiều ngày, trên đại lộ Mai Chí Thọ, ô tô, xe container xếp hàng đậu chật cứng, bít luôn làn đường của xe máy khiến nhiều người phải chạy xe máy lên vỉa hè. Ở trục đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống và Võ Chí Công cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Khu vực vòng xoay Mỹ Thủy, nút giao của ba tuyến đường trên kẹt xe càng kinh hoàng hơn, có thời điểm kéo dài từ sáng đến tối. Người dân khi qua đoạn đường này đã quá quen thuộc với hình ảnh ngủ gà ngủ gật trên xe của các tài xế xe tải. Chưa kể xung quanh vòng xoay Mỹ Thủy, đường đầy các ổ voi đọng nước càng gây khó cho các xe chạy qua.
Đoạn đường này cũng đang ngổn ngang những công trình không biết đến khi nào mới hoàn tất.
Tài xế xe container Phạm Ngọc Sơn (37 tuổi) cho biết mỗi ngày anh đều chở hàng từ quận 7 vào cảng Cát Lái và quá quen với chuyện kẹt xe ở đây. “Quen đến ngao ngán! Ngày nào cũng nhích nhích từ sáng đến chiều. Có ngày phải hơn tám tiếng tôi mới đi được một quãng đường từ Mai Chí Thọ vào tới cảng Cát Lái” - ông Sơn nói.
Kẹt đường, cánh tài xế thường tụ nhau lại tán chuyện hoặc chơi game, tranh thủ ngủ trong cabin. “Thấy đường thoáng là hò hét từ người này sang người kia, nhích được chút nào hay chút đó, chủ yếu là cho người vận động chứ xe chạy vài ba vòng là phải nằm lại” - lái xe Nguyễn Thành Tài (40 tuổi) than.
Tài xế xe container Nguyễn Quốc Việt (35 tuổi, quê Tiền Giang) chuyên chở cá xuất khẩu vào cảng Cát Lái vào ban đêm kể: Kẹt xe thì tranh thủ chợp mắt 15-20 phút rồi kiểm tra xe vì kẻ gian sẽ hút trộm dầu. “Một lần kẹt xe quá lâu, tôi làm liền một giấc hơn hai tiếng thì có người đập cửa, báo đường thoáng tranh thủ đi tiếp. Lúc này tôi mới phát hiện có người đã bẻ khóa, hút trộm sạch bình dầu. Khóc ròng luôn!” - ông nói.
Trong lúc kẹt xe trên cầu Phú Mỹ, hướng về vòng xoay Mỹ Thủy, nhiều tài xế ra đường trò chuyện hoặc ra thành cầu… hóng gió. Ảnh: NGỌC THẠCH
Kẹt đường, cánh tài xế đã méo mặt, người dân ở khu vực cũng bị vạ lây.
Chiều 20-1, đang chạy xe từ hướng Cát Lái về đường Nguyễn Thị Định, bà Trần Kim Anh (40 tuổi) tấp vào quán nước mía bên đường giải khát… bất đắc dĩ vì kẹt đường nên có muốn đi cũng không được. “Chỉ có việc đi thôi mà còn khổ hơn cả cuộc đời! Có hai cây số để về nhà mà ngày nào cũng vã mồ hôi. Có ngày ngồi chờ cả tiếng mới có chỗ cho xe máy chạy” - bà than.
Ông Hoàng Mức (52 tuổi) ngồi trên xe máy lắc đầu: “Kiểu này kéo dài chỉ có chết. Nhà cách chỗ làm có ba cây số mà hai tiếng chưa về tới”.
Không chỉ kẹt xe, nguy hiểm cũng rình rập người đi đường vì phải len lỏi giữa dòng xe container để đi.
Bà Lê Thị Quỳnh Ny (32 tuổi, ngụ quận 2) phải chạy xe máy trên tuyến đường Nguyễn Thị Định, rồi qua vòng xoay Mỹ Thủy để đến chỗ làm ở quận Bình Thạnh. Bà cho hay: “Xe nào cũng cồng kềnh hàng hóa, đuôi lại dài. Đến vòng xoay, thấy xe container nó ôm hết vòng xoay là tui ngán, tấp vào lề đứng cho chắc ăn. Giao thông kiểu này quá sợ và ngán!” - bà nói.
Căng thẳng cho cả CSGT
Hằng ngày đứng chốt ở gác điều khiển đèn tín hiệu giao thông ngay vòng xoay Mỹ Thủy, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) cũng ngao ngán với tình trạng ùn ứ ở khu vực. “Cuối năm nên xe đông kinh khủng. Từ 3 giờ chiều đến tối vẫn còn kẹt xe, có hôm đến sáng. Anh em làm liên tục mà quay lui vẫn thấy hàng xe xếp dài từ đầu này tới đầu kia” - anh Nguyễn Thanh Phong, một TNXP, nói.
Anh Phong cho biết để điều tiết lượng xe quá lớn qua khu vực, CSGT và TNXP phối hợp xả đèn tín hiệu vẫn không giải quyết được gì. “Xả đèn, điều tiết giao thông chủ yếu cho xe máy, còn xe tải thì chịu. Nhiều hướng đổ về cùng một điểm nên nghẽn càng nghẽn” - anh cho hay.
Tại vòng xoay này CSGT bố trí trực 24/24 giờ. “Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái là điểm nóng phía Đông Bắc TP.HCM. Cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Phước Long, Lotus là cụm cảng lớn nhất nước, tập trung 70% xe container vào trong cảng” - Trung tá Phạm Văn Tuyến, Phó Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái, nhận định.
Ông thông tin: “Ngày bình thường lượng xe vào cảng từ 19.000 đến 21.000 lượt; ngày cao điểm đến 25.000-26.000 lượt. “Do vậy, khi vào cảng thì luôn là “xe lưu thông di chuyển chậm”” - ông nói.
Theo ông Tuyến, cảng Cát Lái không có giờ cao điểm mà chỉ có ngày cao điểm, từ thứ Năm đến thứ Bảy hằng tuần. Vào ban đêm, tầm 2-3 giờ sáng, khi ùn tắc, tài xế hay đậu xe trên đường ngủ, CSGT phải chạy xe đánh thức họ dậy khi đường đi được.
“Với khoảng 19.000-21.000 xe vào cảng thì lực lượng CSGT đủ để đảm nhiệm được nhưng hạ tầng phải đáp ứng được. Nhiều khi lực lượng đứng ở đó để phân luồng cho đường ngang không bị xung đột chứ không thể giải quyết được gì” - Trung tá Tuyến nói.
Ô tô hướng về nút thắt gây tắc đường Về nguyên nhân ùn tắc giao thông, lực lượng CSGT xác định hạ tầng chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện vào cảng. Đặc biệt vòng xoay Mỹ Thủy đang thi công cầu vượt hầm chui. Trong khi thi công, các phương tiện chuyển đổi nắn dòng theo các chủ đầu tư liên tục; phương pháp thi công chưa đáp ứng được với lượng phương tiện ra vào cảng, thi công không thể cuốn chiếu được. Dẫn đến xảy ra tình trạng thắt nút cổ chai trong vòng xoay. Ngoài ra, khu vực cảng Cát Lái có những tuyến đường độc đạo vào cảng: Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công và Nguyễn Thị Định nhưng đều hướng về một điểm, đó là nút thắt cổ chai tại vòng xoay Mỹ Thủy. Nguyên nhân gây ùn tắc còn xuất phát từ trong cảng, khi lượng xe vào quá nhiều mà cảng không đủ kho bãi để chứa. Trung tá Phạm Văn Tuyến cho biết trên cơ sở xác định những nguyên nhân gây ùn tắc, Đội CSGT Cát Lái đã có những kế hoạch cụ thể, bố trí lực lượng để phân luồng. Bố trí tại những điểm thắt nút là nguyên nhân chính, lực lượng được bố trí ngày đêm 24/24 giờ để điều tiết; thông qua bộ đàm có sự chỉ đạo xuyên suốt. Khi có sự cố ùn tắc xảy ra thì lập tức tập trung các lực lượng và phối hợp chặt chẽ với công an địa phương quận 2, quận 9, Thủ Đức. Lãnh đạo Đội CSGT Cát Lái khẳng định thời gian qua lực lượng liên tục kiến nghị những bất cập. Đề nghị chủ đầu tư vòng xoay Mỹ Thủy thường xuyên có tổ kiểm tra, giám sát công trình, mặt đường phải bằng phẳng, trong thi công đảm bảo không được khói bụi, cản trở tầm nhìn. Làm sao phải đảm bảo phân luồng đúng theo luật quy định khi thi công. Thi công chỗ nào thì cuốn chiếu gọn gàng. Về lâu dài, cần khảo sát các tuyến vào cảng, mở rộng đường, phân làn hợp lý. Đối với những xe ra vào cảng thì đi vào một làn đường, còn những xe qua khu dân cư thì đi riêng. |
TS Phạm Sanh: Phải quy hoạch cảng Cát Lái TS Phạm Sanh Ùn tắc ở khu vực cảng Cát Lái là do xe container ra vào cảng là quá lớn, đặc biệt là vào mùa Tết. Điều này lan ra cầu Phú Mỹ, đại lộ Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội, lan ra quận 2, quận 7… TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp như thành lập các tổ phản ứng nhanh, cố gắng giải quyết nhanh hàng hóa trong cảng, thậm chí xây dựng vòng xoay Mỹ Thủy nhưng chỉ là giải pháp kẹt đâu gỡ đó thôi. Vòng xoay Mỹ Thủy không thể giải quyết lượng xe container ngày nào cũng ùn ùn ra vào cảng. Vấn đề cho khu vực này là giải quyết bản chất. Đó là quy mô của cảng Cát Lái hiện nay tới đâu, quy hoạch như thế nào, giao thông kết nối với cảng Cát Lái là gì. Có thể tính toán tuyến giao thông vào cảng bằng đường sắt, đường hầm, cầu vượt hay một tuyến đường riêng. Không được nữa thì phải tính đến chuyện di dời ra vùng ven và giảm quy mô của cảng Cát Lái. Ngày nào vẫn thả lỏng quy mô và quy hoạch cảng Cát Lái thì không biết giao thông TP đi về đâu. Có lẽ phải mời tư vấn nước ngoài, những tư vấn chuyên nghiệp về cảng để có thể giải quyết bài toán quy hoạch cho cảng. Trên thế giới không bao giờ để một cảng lớn nằm trong đô thị mà phải đưa ra vùng ven. Ngày trước cảng Cát Lái là vùng ven của TP nhưng bây giờ đây đã là TP phía Đông gồm Thủ Thiêm, quận 2, quận 9 nối kết với nhau. Nếu chọn cảng Cát Lái thì “dẹp” TP phía Đông, mà chọn TP phía Đông thì giảm bớt quy mô cảng Cát Lái, trong khi hiện nay quy hoạch của cảng là chưa rõ. Đại biểu HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình: Nhà ở đang đi trước giao thông Cao Thanh Bình Thời gian qua HĐND TP nhận nhiều ý kiến bức xúc của bà con về tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông. Tại khu vực Cát Lái đang làm nút giao Mỹ Thủy, tuyến đường Võ Chí Công cũng đang nâng cấp, thêm nữa là hệ thống giao thông như Vành đai 3, đường Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Duy Trinh vừa hẹp lại vừa chưa có kết nối một cách đồng bộ. Thêm nữa là khu vực đó tập trung một số cảng Phú Hữu, cảng Cát Lái... Trong dịp cuối năm thì lượng hàng xuất nhập khẩu lại cực kỳ lớn để phục vụ cho Tết, do đó không thể tránh khỏi được việc xe vô nhiều. Người dân đi qua trục đường này đều ca thán. Ngay cả nhóm tài xế Grab, Uber khi nhận cuốc xe qua khu vực này đều khuyên khách đi tuyến khác và chấp nhận hủy chuyến xe. Về việc này, lẽ ra TP phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo từ trước, dự phòng nhiều tình huống nhưng còn bị động, các phương án dự phòng chưa khả thi, do đó mới có trường hợp đoạn đường dài 8 km mà đi 5-6 tiếng chưa hết. Nhiều người cũng bức xúc rằng ở vòng xoay Phú Hữu hay một trục đường khi xảy ra tình trạng kẹt xe thì xe container đóng cửa xe, để xe ở đó luôn nên tình trạng kẹt xe nặng hơn. Chưa hết, ở gần đó có nhiều bãi xe container mà khi rẽ vào chỗ đậu xảy ra ách tắc, ảnh hưởng rất lớn đến người tham gia giao thông. Vì vậy cần tính lại bài toán quy hoạch các bến bãi đậu xe này. Ngoài ra, ngành giao thông cần tập trung nghiên cứu lại việc phân luồng, điều phối giao thông một cách khoa học, chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền người dân chấp hành luật giao thông. Tránh tình trạng xe container lấn làn đường dành cho người đi bộ, xe máy, rất nguy hiểm… Về lâu dài, cửa ngõ phía Đông đang được tập trung phát triển với rất nhiều dự án lớn. Quy hoạch thì cửa ngõ phía Đông khá chi tiết, đảm bảo quá trình phát triển lâu dài nhưng nguồn lực ngân sách chưa đủ dẫn đến một số dự án hạ tầng giao thông đầu tư chậm. Trong khi đó hạ tầng nhà ở, các doanh nghiệp, công trình nhà cao ốc phát triển quá nhanh, phần đầu tư quỹ đất cho giao thông chậm hơn đầu tư phát triển nhà ở gây quá tải, dẫn đến cả khu phía đông bị ách tắc là điều dĩ nhiên. Chúng ta thấy bài toán đó nhưng hiện nay không tập trung nguồn lực cho khu vực này để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội thì bài toán kẹt xe coi như là liên tục, thường xuyên. Do đó trong thời gian tới các ngành, sở cũng cần nghiên cứu đưa thứ tự ưu tiên cho một số công trình giao thông, một số công trình hạ tầng kỹ thuật của khu vực phía Đông vào danh sách công trình ưu tiên hàng đầu để chúng ta tập trung đầu tư. Ông Ngô Hải Đường, Sở GTVT TP.HCM: Quy hoạch cảng 37 triệu tấn/năm, thực tế gần 60 triệu Ông Ngô Hải Đường Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), Sở GTVT đã xác định hai khu vực nóng về ùn tắc giao thông là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái nên đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Năm 2018, hai khu vực vẫn là hai khu vực điểm nóng cần tập trung. Với cảng Cát Lái, Sở GTVT đang tập trung xây dựng nút giao Mỹ Thủy, đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30-4, bảo đảm giao thông mặt đường và thường xuyên vệ sinh tưới nước chống bụi cho khu vực. Một số công trình khác đang triển khai: Đường nối từ cảng Cát Lái đi ra đường Vành đai Đông, mở rộng tuyến Nguyễn Thị Định ra 60 m, đường Vành đai 2 phải kết nối khép kín ra xa lộ Hà Nội, Gò Dưa. Cảng Cát Lái được quy hoạch 37 triệu tấn hàng/năm nhưng năm 2017 đã khai thác 59 triệu tấn, quá tải so với hạ tầng. Vì vậy, Sở GTVT đã làm việc với Cục Hàng hải để điều tiết lại lượng hàng ra vào phù hợp với hạ tầng hiện có xung quanh mới giảm được áp lực, xây dựng bãi chứa tại cảng… “Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn là quy hoạch” - ông nói. |