Kẹt xe vì chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường

(PLO)- Tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường ở các khu chợ tự phát không chỉ gây ô nhiễm mà còn dẫn đến tình trạng kẹt xe, không đảm bảo an toàn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Giải pháp trị lấn chiếm vỉa hè ở ngã tư Bốn Xã”, phản ánh tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất an ninh trật tự, tắc nghẽn giao thông tại ngã tư Bốn Xã thuộc hai quận Bình Tân và Tân Phú, TP.HCM.

Sau khi bài viết được đăng, một số người dân cũng gửi đến báo những bức xúc tương tự về các khu chợ tự phát trên đường Bình Thành (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) và đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình). Cụ thể là phản ánh tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường từ sáng sớm đến tối muộn, đậu xe hàng rong giữa đường khiến giao thông ùn tắc, nước thải đổ ra giữa đường bốc mùi hôi thối.

Buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường

Theo ghi nhận của PV, từ 6 giờ đến hơn 19 giờ hằng ngày, tuyến đường Bình Thành (thuộc phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) có đông xe cộ qua lại. Tuy nhiên, khu chợ tự phát đã lấn chiếm hết lòng, lề đường khiến tình trạng giao thông ở đoạn đường này thường xuyên bị kẹt xe.

Khoảng 6 giờ hằng ngày, đủloại hàng hóa bàybán giữa lòng đường Bình Thành. Ảnh: THẢO HIỀN

Khoảng 6 giờ hằng ngày, đủloại hàng hóa bàybán giữa lòng đường Bình Thành.
Ảnh: THẢO HIỀN

Từ sáng sớm, các tiểu thương bắt đầu bày biện các sạp hàng như thịt, cá, rau củ, quần áo... chiếm hết vỉa hè. Nhiều xe tự chế, xe ba gác đậu ngay giữa lòng đường để buôn bán, bất chấp nguy hiểm từ các phương tiện tham gia giao thông trên đường.

Ngoài ra, để tiện cho việc mua bán, một số tiểu thương còn mắc nối đường dây điện để phục vụ việc buôn bán về đêm. Việc mắc nối điện tràn lan như trên càng nguy hiểm hơn khi đang vào mùa mưa.

Chị NTTD, người dân sống ở khu vực này, cho biết khu chợ này công nhân đến mua là chủ yếu, vì tiện đường và giá cả phù hợp. Chị không biết khu chợ có được phép hoạt động không nhưng tình trạng buôn bán khá lộn xộn. Ngán nhất ở khu vực này là tình trạng kẹt xe, nhất là vào các giờ cao điểm công nhân tan ca.

“Người dân sống ở khu vực này muốn không dính kẹt xe thì phải tranh thủ đi sớm hoặc muộn hơn giờ cao điểm chứ không là mất thời gian vì chờ đợi. Nhu cầu mua bán của mọi người cũng là cần thiết nhưng cơ quan chức năng cần xem xét để có giải pháp quy hoạch khu chợ nề nếp, trật tự hơn” - chị D nói.

Cũng theo anh ĐPV, một người dân sống tại khu vực này, chợ tự phát họp suốt từ sáng đến tối. Cả tuyến đường, trên lề lẫn dưới lòng đường đều là các xe hàng rong, người bán ra vào liên tục nên giờ cao điểm là kẹt xe thường xuyên.

Các sạp hàng bày bán giữa đường, gây mất an toàn giao thông trên đường Phạm Văn Bạch. Ảnh: TRẦN MINH

Các sạp hàng bày bán giữa đường, gây mất an toàn giao thông trên đường Phạm Văn Bạch. Ảnh: TRẦN MINH

“Đoạn đường từ chỗ con tôi học về nhà chỉ mất khoảng 5 phút nhưng vì đi vào giờ cao điểm nên bị kẹt xe, đi mất khoảng 15 phút. Tình trạng này diễn ra từ lâu, gây phiền phức cho người dân nơi đây. Rất mong chính quyền địa phương chấn chỉnh, đưa khu vực chợ vào hoạt động có quy củ hơn để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị vừa đảm bảo an toàn giao thông” - anh V chia sẻ.

Tương tự, chợ tự phát trên đường Phạm Văn Bạch thuộc phường 15, quận Tân Bình cũng có tình trạng lấn chiếm lề đường, cản trở các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài việc buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, nhiều sạp hàng buôn bán hải sản tươi sống như tôm, cua, cá... đổ một lượng nước thải chảy xuống đường bốc mùi hôi tanh nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường.

Sẽ kiểm tra, xử lý chợ tự phát

Trao đổi với PV, đại diện UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cho biết đặc thù của địa bàn phường là có lượng công nhân đông. Đồng thời, địa bàn giáp ranh trực tiếp với hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh nên đông người nhập cư, dẫn đến nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao. Điều này đã tạo điều kiện cho việc hình thành nên chợ tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường tại khu vực.

Tiếp thu ý kiến của người dân, UBND phường đã xây dựng kế hoạch chuyên đề để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân, tiểu thương hạn chế kinh doanh buôn bán, không mua hàng hóa dọc các vỉa hè, lề đường. Đồng thời, phường sẽ tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng rong, dùng xe lôi, xe kéo bày bán dưới lòng đường và dọc hai bên tuyến đường Bình Thành, người mua hàng đậu xe không đúng quy định.

Cũng liên quan đến tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lề đường, đại diện UBND phường 15, quận Tân Bình cho biết khu vực này hầu hết là dân lao động phổ thông. Xung quanh địa bàn không có chợ truyền thống được quản lý bởi Nhà nước, chỉ có cửa hàng tiện ích nhưng người dân ít vào mua hàng nên tụ tập mua bán bên ngoài.

“Trước mắt, UBND phường sẽ phối hợp liên quận để tăng cường ra quân kiểm tra, xử phạt. Đồng thời, tuyên truyền để người dân ý thức được sự nguy hiểm của việc buôn bán lấn chiếm lòng đường gây ùn tắc giao thông. Sắp tới sẽ có kế hoạch quy hoạch lại khu dân cư để có một khu chợ truyền thống hoặc một siêu thị giá cả hợp lý với nhu cầu mua sắm của người dân” - vị này thông tin.

Buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường bị xử phạt

như thế nào?

Tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với tổ chức có hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè.

Đồng thời, khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019 quy định đối với hành vi lấn chiếm sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ có thể phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với tổ chức.

Luật sư ĐÀO THỊ BÍCH LIÊN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm