Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12

(PLO)- Đây là sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Bộ GD&ĐT Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12.

Lễ khai mạc sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN.

Giáo dục có vai trò quan trọng đối với quốc gia

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại.

Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Theo ông Sơn, hàng năm, ngân sách dành cho giáo dục chiếm 20% ngân sách quốc gia. Việt Nam rất quan tâm đến việc đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục; hiện nay Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tái cấu trúc mạnh mẽ ngành giáo dục.

Toàn cảnh hội nghị sáng nay. Ảnh CTV

Toàn cảnh hội nghị sáng nay. Ảnh CTV

Trong những năm vừa qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế như PISA, PASEC và SEA-PLM…

Với mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam cam kết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới”…

Giáo dục chính là chìa khóa của thành công

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Nếu tính luân phiên tổ chức trong ASEAN thì 20 năm nữa, Việt Nam mới lại có vinh dự này.

Sự kiện này còn đặc biệt hơn nữa khi được tổ chức không phải là trực tuyến mà là trực tiếp sau 2 năm cả thế giới, trong đó có ngành Giáo dục, phải chống chọi với đại dịch COVID-19, và việc học tập ở khắp nơi trên thế giới đều bị gián đoạn.

Sau hai năm đại dịch, trường học ở hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa trở lại. Nhưng theo Phó Thủ tướng, việc mở lại trường học là chưa đủ.

Khu vực ASEAN hiện có quy mô kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới và đang được kỳ vọng vươn lên vị trí thứ 4 vào năm 2050.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, Phó Tổng Thư ký ASEAN và một số khách mời chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: CTV
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, Phó Tổng Thư ký ASEAN và một số khách mời chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: CTV

Cộng đồng ASEAN với tổng dân số đạt gần 680 triệu người, có lợi thế về lực lượng lao động lớn, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, nhóm dân số trẻ chiếm 1/3 dân số cả ASEAN - đây là lực lượng trẻ đông đảo nhất từ trước đến nay của chúng ta, hứa hẹn sẽ đóng góp rất quan trọng hợp tác, phát triển và sự thịnh vượng chung của cả khu vực.

Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Pháp luật Việt Nam quy định phải dành ít nhất 20% ngân sách nhà nước cho Giáo dục.

Có thể nói, với tất cả các nước, giáo dục chính là chìa khóa của thành công, có vai trò có tính quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, mà trực tiếp nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động và nguồn lực cạnh tranh của cả quốc gia và khu vực.

Giáo dục cũng được xác định là ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN; là một trong ba mục tiêu được ghi trong Hiến chương ASEAN. Trong điều kiện thế giới đang thay đổi nhanh chóng, chúng ta đã xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển. Bởi xét đến cùng thì tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội hay gì đi chăng nữa cũng là để phát triển con người, vì con người, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn của từng người và của mọi người…

Thông qua hội nghị này và cùng với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam được vinh dự làm Chủ tịch hợp tác giáo dục 2022-2023 của ASEAN, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả.

Trước mắt là để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập. Và sau đó, là về trung và dài hạn, từng quốc gia cả cộng đồng ASEAN sẵn sàng ứng phó với những thách thức tương lai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể làm gián đoạn học tập bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn.

Sau Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, trong ngày 14-10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 (với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á ASEAN-EAS (gồm các nước ASEAN+3 và các đối tác Mỹ, Úc, Niu Di Lân, Nga, Ấn Độ) lần thứ 6.

Tại hai Hội nghị, các Bộ trưởng và trưởng đoàn sẽ thảo luận về các chương trình, hỗ trợ và đóng góp của các nước đối tác trong cơ chế hợp tác ASEAN +3 và ASEAN-EAS đối với các quốc gia thành viên ASEAN trong giáo dục, cùng các vấn đề khác.

Hai Hội nghị này cũng sẽ thông qua các Tuyên bố chung. Đây là những văn kiện quan trọng giúp định hướng các hoạt động của hợp tác giáo dục ASEAN cho giai đoạn từ nay đến 2025…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm