Ngày 10-8, nguồn tin PLO xác nhận TAND tỉnh Khánh Hòa đã thông báo ngày 16-8 sẽ tổ chức đối chất giữa hai bên vụ bà Lê Thị Hồng Lâm (ngụ ở TP Vinh, Nghệ An) khởi kiện UBND tỉnh Khánh Hòa. Bà Lâm yêu cầu tòa hủy các quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan đến việc cho phép chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Cồn Tân Lập.
Dự án chuyển nhượng, người góp vốn chới với
Theo trình bày của bà Lâm, năm 2015, bà cùng con rể ký hợp đồng góp vốn với Công ty CP Sông Đà Nha Trang mua hai căn hộ tại dự án Butterfly Tower ở khu dân cư Cồn Tân Lập. Hai người đã đặt cọc cho công ty gần 1,4 tỉ đồng.
Dự án Khu dân Cồn Tân Lập vẫn chưa hình thành. Ảnh: H.H |
Theo ký kết, Công ty CP Sông Đà Nha Trang phải bàn giao căn hộ cho người góp vốn trong quý I năm 2017. Thế nhưng, tháng 9-2020, công ty này bất ngờ thông báo đã bàn giao toàn bộ hồ sơ khách hàng cho Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô. Đồng thời, Công ty Hải Phát Thủ Đô có văn bản thông báo chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang.
Trước đó, ngày 9-8-2017, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ký quyết định số 2304 chấp thuận cho Công ty CP Sông Đà Nha Trang chuyển nhượng 8.110 m2 khu đất thương mại TM1 của dự án cho Công ty HP Hospitality Nha Trang.
“Việc chuyển nhượng không thông qua ý kiến của khách hàng đã góp vốn vào dự án này, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng tôi. Đến nay, dự án cũng chưa được xây dựng, chúng tôi nhiều lần yêu cầu trả lại tiền những Công ty Sông Đà Nha Trang không thực hiện”- bà Lâm bức xúc.
Thực tế, đến nay Công ty Sông Đà Nha Trang vẫn không triển khai xây dựng, không ký kết hợp đồng mua bán căn hộ, bàn giao căn hộ theo cam kết trước đây với khách hàng.
Bà Lâm khởi kiện việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định cho phép chuyển nhượng một phần dự án mà không bao gồm các nghĩa vụ với khách hàng đã góp vốn.
Người khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên hủy bỏ quyết định 2304 ngày 9-8-2017. Đồng thời, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất do Sở TN&MT đã cấp cho Công ty HP Hospitality Nha Trang.
Đây là lần đầu tiên người dân khởi kiện quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa về chấp thuận cho phép chuyển nhượng dự án.
Huy động vốn trái quy định
Dự án khu dân cư Cồn Tân Lập rộng 7,9 ha tại khu đất có vị trí đắc địa ở phường Xương Huân, TP Nha Trang do liên danh Công ty CP Sông Đà Nha Trang (60%) và Công ty CP Sông Đà Thăng Long (40%) góp vốn. Dự án được chấp thuận đầu tư vào năm 2011.
Người dân khởi kiện quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép chuyển nhượng một phần dự án này. Ảnh: H.H |
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, tháng 8-2017, chánh Thanh tra sở đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Sông Đà Nha Trang về hành vi kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định.
Sở Xây dựng cũng có văn bản giải quyết kiến nghị khách hàng đã mua bất động sản tại dự án này. Theo đó, dự án này chưa đủ điều kiện đưa bất động sản vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cụ thể, chưa được huy động vốn, bán nhà ở có sẵn, bán nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở theo quy hoạch.
Sở Xây dựng khẳng định Công ty CP Sông Đà Nha Trang ký hợp đồng mua bán, hợp đồng huy động vốn tại dự án trên là không đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cũng đã xử phạt Công ty HP Hospitality Nha Trang 85 triệu đồng do thực hiện dự án chậm tiến độ.
Trước đó, năm 2017, Công ty CP Sông Đà Nha Trang cũng từng bị kiện và bị tòa tuyên buộc phải trả 4,3 tỉ đồng. Thời gian qua, dự án nhiều lần xin gia hạn tiến đọ nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Công ty CP Sông Đà Nha Trang bị tố nợ lương nhiều năm
Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn người lao động từng làm việc tại Công ty CP Sông Đà Nha Trang tập hợp hồ sơ, chứng cứ liên quan để gửi đơn khiếu nại đến công ty hoặc khởi kiện ra tòa.
Thời gian qua, nhiều cán bộ, nhân viên, người lao động từng làm việc tại Công ty CP Sông Đà Nha Trang tố bị nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội nhiều năm qua.
Ông NXS, cựu trưởng phòng của Công ty Sông Đà Nha Trang, đại diện cho 14 cán bộ, người lao động, phản ánh từ năm 2017, công ty bắt đầu nợ lương, các khoản bảo hiểm bắt buộc của người lao động. Số tiền lương công ty chưa chi trả cho người lao động hơn 860 triệu đồng.Theo ông S., tháng 9-2020, ông bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, gần ba năm qua ông vẫn chưa nhận được các khoản nợ lương. Ngoài ra, công ty không đóng bảo hiểm nên ông cũng không được nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Ông S. nói nhiều người lao động của công ty cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi không được hưởng các chính sách, chế độ của nhà nước khi ốm đau, thai sản.
Theo ông S., năm 2021, tập thể người lao động đã có đơn đề nghị thanh toán các khoản nợ lương, bảo hiểm nhưng chưa được công ty thực hiện.