Thực tế, từ những định hướng đó, nhạc Việt đang hình thành những dòng chảy mới, đa dạng và sâu lắng hơn.
Từ trước đến nay, nhiều nhạc sĩ từng viết lời Việt cho các tác phẩm âm nhạc cổ điển hay các danh tác của thế giới. Nổi bật trong đó là nhạc sĩ Phạm Duy từng viết bài Dạ khúc trên giai điệu nhạc phẩm Nachtliches Standchen của nhà soạn nhạc Franz Schubert, Dòng sông xanh trên giai điệu An der schonen blauen Donau op. 314 của Johann Strauss, Mối tình xa xưa từ Célèbre Valse của Johannes Brahms...
Việt hóa nhạc cổ điển
Tuy nhiên, hiện nay những nhạc phẩm này lại có khoảng cách với thế hệ trẻ. Vì thế một số nghệ sĩ trẻ đã chọn cách Việt hóa những nhạc phẩm cổ điển với màu sắc mới mẻ để thành những ca khúc gần gũi với khán giả trẻ. Tháng 12 vừa qua, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã viết lại lời Việt cho những nhạc phẩm cổ điển với phần phối theo phong cách chillout và ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện. Ngay sau đĩa đơn Phạm Thu Hà - Habanera new mix với việc làm mới khúc ca Habanera (trích từ vở nhạc kịch Carmen) đã tạo dấu ấn với công chúng. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là nhạc phẩm thuần Tây, chỉ mới ở phần giai điệu chillout còn phần lời vẫn giữ nguyên bản của Henri Meilhac và Ludovic Halévy. Sau đĩa đơn thử nghiệm, hai nghệ sĩ này hợp tác và ra mắt album Singer of Dreams với đĩa nhạc gồm chín ca khúc: Rao đêm (The Pavane in F-sharp minor, Op. 50 của G.U.Fauré), Ước mơ (Tristesse - B Dur - F. Chopin), Xuân tàn (La Chanson de Solveig - Edward Hagerup Greig)… Giọng soprano ca sĩ Phạm Thu Hà hát những ca khúc cổ điển lời Việt và được phối trên nền nhạc điện tử theo phong cách chillout của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.
Cũng theo phong cách chillout là dự án Diva Club của hai soprano Ngọc Tuyền, Triệu Yên kết hợp cùng DJ Hoàng Anh. Đây là dự án kết hợp hai dòng nhạc tưởng như là hai thái cực là cổ điển và dance thành một. DJ Hoàng Anh cho rằng “chúng tôi sẽ tìm ra một công thức để khán giả yêu nhạc cổ điển vẫn có thể tiếp nhận như một trải nghiệm mới, còn với người yêu thích nhạc pop và dance sẽ có cơ hội biết thêm một không gian âm nhạc mới mẻ theo tinh thần cổ điển”. Vào khoảng giữa tháng 1-2013 này, album Queens of the Night - sản phẩm âm nhạc đầu tiên của Diva Club sẽ phát hành. Album gồm những ca khúc trích từ những vở opera nổi tiếng của các nhà soạn nhạc: Mozart, Puccini, Delibes, Borodin… được hai giọng nữ trên thể hiện trên nền nhạc dance pha ambient.
Ca sĩ Phạm Thu Hà đang là một gương mặt mới được nhiều chương trình chọn trình diễn những ca khúc cổ điển lời Việt theo phong cách chillout. Ảnh: QUANG MINH
Thính phòng hóa ca khúc Việt
Trong xu thế khác là nhạc kịch hóa những tác phẩm nhạc Việt, ca sĩ Đức Tuấn đã thành công với album Lời tôi ru như mơ khi hát ca khúc của Từ Công Phụng kết hợp phong cách trữ tình tiền chiến với lối hát nhạc kịch. Khi album chưa hoàn thành, Đức Tuấn đã đăng tải ca khúc Tình tự mùa xuân với bản phối mới của nhạc sĩ Lý Huỳnh Long lên Facebook cá nhân và nhận được phản hồi rất tốt từ khán giả. Nhạc sĩ hòa âm Lý Huỳnh Long cho rằng anh đã làm một việc có vẻ mạo hiểm là thay đổi diện mạo một số bài hát bấy lâu đã bị đóng khung trong một lối trình diễn của lớp nghệ sĩ trước.
Nhạc sĩ Quốc Bảo và ca sĩ trẻ Hoàng Anh đã cùng bắt tay thực hiện album Vuông tròn với những bản phối cùng dàn nhạc dây. Quốc Bảo cho biết album Vuông tròn là một album đôi, 10 ca khúc được hòa âm theo hai phong cách đối nghịch: Electro rock và dàn nhạc thính phòng. Thể nghiệm lớn nhất nằm ở ba ca khúc được nhạc sĩ Bảo Chấn phối với dàn nhạc dây rất tươi mới, xúc động.
Mới đây, ca sĩ Nguyên Thảo đã phát hành hai bản thu âm ca khúc Họa mi hót trong mưa (Dương Thụ) và Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao) theo phong cách blue jazz. Nguyên Thảo đã từng trình diễn Họa mi hót trong mưa với dàn nhạc giao hưởng theo phong cách bán cổ điển. “Đó cũng là một lối trình diễn thách thức tôi và làm cho tôi nhiều cảm hứng để trình diễn. Nhưng với bản thu âm theo lối blue, tôi nghĩ rằng đây là một phong cách khác, mới mẻ hơn với khán giả lẫn với chính mình” -, Nguyên Thảo chia sẻ.
Nói như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, “nghệ sĩ là người tạo ra xu hướng. Khi tạo ra được xu hướng thì phải có kế hoạch lâu dài để khán giả quen chứ đừng bỏ ngang. Tôi nghĩ những dự án của chúng tôi hợp với xu hướng của người nghe hiện đại. Chillout là một cách mang tác phẩm cổ điển gần với khán giả hơn”.
Hòa nhạc ra mắt Saigon Bigband Tối 17-1, Saigon Bigband - dự án jazz big band đầu tiên của TP.HCM sẽ ra mắt khán giả trong chương trình Trần Mạnh Tuấn & Saigon Bigband - A new year celebration concert tại Nhà hát TP.HCM. Saigon Bigband sẽ trình diễn những tác phẩm jazz kinh điển của thế giới theo lối pha trộn Đông-Tây. Nhóm cũng sẽ trình diễn những tác phẩm nhạc Việt của nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn, Trịnh Công Sơn, dân ca… theo phong cách jazz big band. Chương trình do đạo diễn Phạm Hoàng Nam dàn dựng với phần khách mời gồm nghệ sĩ jazz Tuyết Loan, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng và nghệ sĩ đàn kìm Anh Tấn. Nhạc Chillout Nhạc chillout (chillout music) là tên gọi chung cho phong cách nhạc điện tử với những âm thanh êm dịu, tiết tấu chậm, mang tính thư giãn. Các bản nhạc chillout có thể ra đời từ sáng tạo nguyên bản hoặc là các sản phẩm remix từ các chất liệu âm nhạc có sẵn. Trong các phong cách, các nhánh của nhạc điện tử được sử dụng cho chillout thì phổ biến nhất là new age, ambient, trip-hop, nu-jazz (electro-jazz). Gần đây, khái niệm “smooth electronica” được dùng khá rộng rãi chỉ loại nhạc điện tử nhẹ nhàng, dễ nghe, với những âm thanh và tiết tấu gần gũi - cũng có thể coi là một cách gọi khác của chillout. Khi kết hợp chillout với nhạc cổ điển nói chung và opera nói riêng, các nghệ sĩ thường khai thác những giai điệu đẹp và cách hát du dương hoặc thủ thỉ tâm tình. Các tác phẩm có thể lấy ra từ các vở opera hoặc chuyển thể từ các bản nhạc không lời, các tiểu phẩm cho nhạc cụ độc tấu. Ca sĩ có thể giữ nguyên lối hát cổ điển hoặc pha trộn lối hát nhạc pop. |
QUỲNH TRANG