20 tuổi, cái tuổi ăn học quá đẹp với bao cô gái nhưng với Cao Nhật Vy, đây lại là những tháng ngày cùng mẹ chật vật với gánh nặng mưu sinh, ước mơ đại học đang dần tắt lịm nếu không có bàn tay nào đưa ra.
Nhịn đói đi học
Tôi gặp Vy trong một căn nhà trọ trên đường số 11, gần chợ Tân Mỹ, quận 7, TP.HCM. Căn trọ nhỏ vỏn vẹn 18 m2 lại là nơi sinh sống của hai mẹ con Vy cùng bà ngoại bị bại não, liệt toàn thân. Vy đón tôi bằng một nụ cười gượng mà theo lời cô CTT (mẹ Vy) thì em rất ít cười và hiếm khi chịu nói chuyện cùng người lạ. “Con bé bị mắc chứng trầm cảm” - cô T. thổ lộ.
Những ngón tay đan xen vào nhau, Vy cúi nhẹ đầu, tránh đi ánh mắt của tôi để tiếp chuyện.
Vốn dĩ Vy có thể sống trong một ngôi nhà lớn hơn, khang trang hơn căn phòng trọ hiện tại và em cũng sẽ có đầy đủ điều kiện học tập, vui chơi như bao bạn bè cùng trang lứa nếu hơn 10 năm trước, công việc làm ăn của cha mẹ Vy không thất bại. Cũng từ đó cha mẹ Vy chia tay nhau, em về ở với mẹ và ông bà ngoại. Rồi liên tiếp những nỗi buồn kéo đến tuổi thơ của Vy khi cùng lúc ông ngoại qua đời, bà ngoại bị liệt. Một mình người mẹ gánh vác chuyện mưu sinh lo cho ba miệng ăn, Vy đến trường với bụng đói thường xuyên.
Có những bữa cơm chỉ gói gọn trong 5.000 đồng cho ba người ăn, để Vy đi học, để mẹ Vy đi làm, để bà ngoại chống chọi với bệnh tật. Nhưng những cơ cực ấy vẫn không làm Vy chùn bước trên con đường học tập, em học giỏi đều các môn, đặc biệt yêu thích môn tiếng Anh. Năm học cấp II, Vy đã nhận được giải nhì của cuộc thi hùng biện tiếng Anh do Hội đồng Anh (British Council) tổ chức. Hoàn thành chương trình cấp III, Vy thi đỗ vào ĐH Văn Lang với chuyên ngành ngôn ngữ Anh. Năm thứ nhất đại học, Vy là sinh viên giỏi toàn khóa.
Sau những giờ đi làm ca đêm mệt mỏi, Vy lại về nhà phụ mẹ chăm sóc bà ngoại và tự học tiếng Anh. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Nuôi khát vọng giữa những cơn đau
Đối với mẹ, Vy là cả tình yêu thương và hy vọng về tương lai tươi đẹp hơn. Nhưng từ tám năm nay, Vy mang trong người căn bệnh u nang buồng trứng, bụng mỗi ngày một căng to.
“Nhiều lúc đau quá, bụng phình to, em lại lấy áo khoác buộc chặt vào bụng. Bạn bè hỏi em có bầu à, em im lặng không trả lời, cứ để thế đi học” - Vy kể lại.
Vy thường xuyên uống các loại thuốc giảm đau, có ngày uống gần nửa vỉ thuốc vì quá đau. Dù biết dùng thuốc như vậy là rất nguy hiểm nhưng Vy buộc phải uống để tiếp tục đi học.
Bạn đọc có lòng hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ em Cao Nhật Vy xin gửi về số tài khoản: 1607201005173. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Phan Đình Phùng. Khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp em Cao Nhật Vy”. |
Đôi mắt ươn ướt, cô T. nghẹn giọng nói: “Cách đây khoảng tám tháng, trong một cơn đau dữ dội buộc con phải nhập viện cấp cứu, lúc này tôi mới vỡ lẽ rằng con bị u nang buồng trứng, cần phải phẫu thuật gấp”.
Song chi phí phẫu thuật là điều hai mẹ con không thể với tới. Đến nay Vy vẫn chỉ dùng thuốc giảm đau để điều trị. Càng uống người em càng to mập ra nhưng các cơn đau không hề thuyên giảm.
Điều đáng buồn hơn là ước mơ đại học của Vy đành dang dở từ hai năm trước khi bệnh tình của bà ngoại Vy trở nặng, dẫn đến liệt toàn thân. Người mẹ, người phụ nữ gầy guộc gánh gồng bao nặng nhọc để lo cho Vy đến trường, giờ đây sau một vụ tai nạn giao thông cũng không còn đủ sức lực để tiếp tục mưu sinh. Vậy là chỉ còn mình Vy với căn bệnh trong người, bươn chải giữa dòng đời để lo cho ngoại và mẹ.
Bế tắc, trầm cảm nhưng Vy vẫn luôn phải là trụ cột của gia đình về mọi mặt.
Nói đến đây, Vy ngừng lại như một khoảng lặng u tối. Nhưng rồi em lại bật lên một khát khao mãnh liệt: “Nếu có điều kiện chữa hết bệnh, em sẽ cố gắng để tiếp tục học hết đại học. Ra trường, em đi làm lo cho mẹ, cho bà ngoại và sẽ dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ nghèo để chúng có tương lai tốt đẹp hơn”.
Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, đã liên hệ và bày tỏ mong muốn Vy được hỗ trợ về tài chính và điều kiện chữa bệnh. Cô cho biết thầy cô, bạn bè học cũ đã có những vận động quyên góp ban đầu cho trường hợp Vy. Qua báo Pháp luật TP.HCM, mong rằng sẽ có thêm những tấm lòng giúp em vượt qua khó khăn này.
“Con đói lắm!” Ấn tượng đầu tiên của Nhật Vy trong tôi là em rất ham học, học giỏi đều các môn, nhất là tiếng Anh, hơn hết là việc em tự học ở nhà, không phải đi học thêm như bạn bè khác. Thời còn đi học, Vy mặc cảm nên ít tâm sự cùng ai về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Có một buổi sáng đến lớp, Vy nói nhỏ với tôi: “Con đói lắm vì mấy hôm nay con ăn không đủ no. Cô có thể cho con ăn cái gì không”. Tôi nghẹn ngào khi nghe những lời nói của Vy. Là cô giáo, tôi cố gắng hỗ trợ để em có thể vơi bớt một phần khó khăn. Tôi đưa Vy về nhà để dạy kèm thêm những kỹ năng mà em chưa thật giỏi. Đồng thời cũng hỗ trợ thêm cho em trong cuộc sống để em an tâm mà tiếp tục việc học. Tôi rất hy vọng Vy có cuộc sống đầy đủ hơn khi em tốt nghiệp đại học và có một công việc ổn định. Nhưng giờ đây, hoàn cảnh của Vy thật xót xa! Cô BÙI THỊ MỸ DUYÊN, giáo viên Anh văn Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) |