Ngày 20-10, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tiếp nhận hiện vật lịch sử là khẩu súng K54. Đây là khẩu súng của nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định Nguyễn Thị Mai (1943 - 2024).
Lễ tiếp nhận diễn ra nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024). Nhằm tôn vinh những chiến công thầm lặng của phụ nữ Việt Nam nói chung và những nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định nói riêng trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Ông Huỳnh Đức Dũng, con trai của nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai cho biết, khẩu súng K54 này được mẹ gìn giữ kỹ lưỡng. Theo tâm nguyện của mẹ lúc sinh thời, gia đình quyết định trao tặng lại cho bảo tàng lưu giữ, trưng bày, bảo quản tốt hơn. Để người dân đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, biết thêm về những chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn.
“Chúng tôi vinh dự khi vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, bảo tàng tiếp nhận hiện vật lịch sử quý giá này của nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai. Hiện vật lịch sử này sẽ được bảo quản, trưng bày tại bảo tàng để người dân, du khách tham quan” - ông Trần Vũ Bình, người sáng lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định nói.
Nữ chiến sĩ biệt động kiên trung bất khuất
Lúc 21 tuổi, nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Mai gia nhập đội biệt động 90C, quân khu Sài Gòn- Gia Định để chiến đấu.
Năm 1965, bà Mai đang vận chuyển 30 kíp nổ cùng tập truyền đơn từ Củ Chi vào nội thành thì bị bắt dẫn về bốt Hàng Keo với những hình thức tra tấn man rợ. Ở đây, bà Mai đã trải qua hầu hết các loại cực hình tàn khốc nhất mà chính quyền Sài Gòn không từ mọi thủ đoạn tra khảo để moi thông tin.
Năm 1967, bà Mai vinh dự được mời dự Đại hội Chiến sĩ thi đua miền và được bà Nguyễn Thị Định tặng khẩu súng K54. Cũng trong năm này, sau khi kết thúc khóa học quân sự ở R, bà Mai xuống Sài Gòn hoạt động cách mạng thì lại bị bắt.
Lần đó, bà Mai đưa tân binh về căn cứ thì bị người cùng Chi bộ, là trung đoàn trưởng chiêu hồi chỉ điểm. Bà Mai được dẫn giải về Biệt khu Thủ đô, nơi đây cũng khét tiếng bởi những đòn tra tấn hiểm độc chẳng khác gì ở bốt Hàng Keo và Tổng Nha Cảnh Sát…
Những trận đòn tra tấn của kẻ thù tưởng chừng đã cướp đi quyền làm mẹ của nữ chiến sĩ. Nhưng điều kỳ diệu đã đến với vợ chồng nữ biệt động Nguyễn Thị Mai khi lần lượt có những đứa con ra đời.