Khi báo chí và công an phối hợp phá án

(PLO)- Khi báo chí chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan công an, thông tin sẽ trở nên hữu ích hơn và có giá trị đấu tranh cao nhất.

Sau hơn hai tháng theo dõi, thu thập các thông tin về băng nhóm trộm cắp hoạt động tại các công viên, Làng đại học, báo Pháp Luật TP.HCM đã có công văn đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin cho Công an TP.HCM. Kết quả là Cơ quan CSĐT đã bắt bảy người để điều tra về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; đồng thời truy xét những người khác có liên quan.

Đây không phải là lần đầu báo Pháp Luật TP.HCM và các cơ quan báo chí đeo bám, theo dõi, phát hiện các nhóm tội phạm. Chỉ trong vài năm trở lại đây, riêng báo Pháp Luật TP.HCM đã phối hợp, cung cấp cho Công an TP.HCM và công an các địa phương nhiều thông tin có giá trị từ tuyến bài điều tra. Có thể kể đến như “Taxi tráo tiền, rút túi du khách ở trung tâm TP”; “Trật tự đô thị “làm luật” ở chợ đầu mối Hóc Môn”; “Gã xe ôm hành nghề như cướp cạn ở Bến xe Miền Tây”; “Thâm nhập đường dây buôn bán thận tiền tỉ tại TP.HCM”; “Chiêu trò phù phép sổ đăng kiểm cho xe cơi nới”; “Biến khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt”; “Chiêu trò phá xe trên Quốc lộ 1”; “Hô biến vú heo thành nầm bò quán nhậu”… xa hơn nữa là tuyến bài điều tra “Băng móc túi hoành hành khu vực Suối Tiên”…

Kết quả là những thông tin phối hợp đã được công an các địa phương tiếp nhận, xử lý rốt ráo.

Luật Báo chí năm 2016 nêu rất rõ chức năng, quyền hạn của báo chí: “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Việc các cơ quan báo chí phối hợp với ngành công an trong đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật không chỉ là thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, mà còn góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội - nhiệm vụ chính trị luôn được đặt lên hàng đầu.

Dẫu đối mặt với những rủi ro, thậm chí bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng, những người làm báo với lương tâm, trách nhiệm, “thiên chức nghề nghiệp” của mình luôn dấn thân tìm hiểu sự thật, phản ánh những điều xấu xa để bảo vệ người dân, xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Cần phải nói rằng với nguồn lực hạn chế, lại không có quyền năng tố tụng, các thông tin, chứng cứ mà báo chí có được về các dấu hiệu vi phạm pháp luật, tội phạm… sẽ trở nên ít giá trị nếu không được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan công an.

Chỉ khi nào sự phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa cơ quan báo chí với cơ quan công an được thể hiện, vì mục tiêu chung là bảo vệ sự bình yên cho người dân, lúc đó các thông tin mà nhà báo, PV có được mới thực sự có giá trị và giải quyết rốt ráo vấn đề.

Việc Công an TP.HCM nhanh chóng bắt giữ các nghi can trong đường dây trộm cắp nêu trên khiến chúng tôi - những người làm báo Pháp Luật TP.HCM cảm thấy vui, hạnh phúc, xen lẫn chút “tự hào nghề nghiệp” khi những thông tin mà báo cung cấp thực sự có giá trị, hữu ích trong việc phá án.

Năm mới 2025 đã đến và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cũng đã cận kề, đây là thời điểm nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm đường phố, trộm cắp, cướp giật… Cần hơn nữa những sự phối hợp như vậy để phát hiện, đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Từ đó góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới