Hơn chục năm trước, người dân trồng lúa, nuôi tôm vùng ngập mặn như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng… đã phải chi tiền thuê người phát bỏ năn tượng. Lúc đó, hẳn không ai nghĩ tới việc loài cỏ dại này lại “hái ra” được ngoại tệ.
Từ không ai muốn làm đến hợp tác xã 400 hộ
TS Dương Văn Ni, Chủ tịch Hội đồng kiêm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn Mekong (MCF), kể rằng những năm 1990 người dân đã phải phá bỏ năn tượng để có đất nuôi tôm. Sau đó, vì nuôi tôm ồ ạt nên một số vùng ở miền Tây bị nhiễm mặn, gây ra những dịch bệnh lớn cho tôm.
Để giải quyết vấn đề này, TS Ni đã đề xuất phủ xanh đất trồng bằng năn tượng. Lý do là sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, ông nhận thấy loài cỏ này giúp cải thiện môi trường nước, chịu được mặn xâm nhập, ngập úng và có thể trồng trong ao nuôi tôm.
“Khi kêu gọi trồng lại năn tượng, người dân nói chúng tôi bị khùng. Thậm chí các cấp địa phương còn cảnh báo người dân về ý tưởng của chúng tôi. Bởi lâu nay người dân tốn công phát dọn chúng để có đất nuôi tôm và ai đời lại đi trồng cỏ dại” - TS Ni kể lại.
Để thuyết phục người dân, ông đã cho trồng thử nghiệm ở một số khu vực và tổ chức những hội thảo đầu bờ để người dân tận mắt thấy hiệu quả. Từ đó khiến họ thay đổi suy nghĩ và học làm theo.
Hợp tác xã MCF Mỹ Quới thành lập vào năm 2021, hiện có 400 hộ và mục tiêu sẽ mở rộng lên 700 hộ. Bình quân mỗi tuần hợp tác xã này làm ra 1.700-2.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhiều sản phẩm từ năn tượng đã xuất được sang các thị trường Mỹ, Úc, châu Âu.
Năm 2007, để tận dụng nguồn năn tượng, TS Ni nảy ra ý tưởng làm đồ thủ công từ nguyên liệu này. Lúc bắt đầu phổ biến cho người dân về ý tưởng, ai nấy đều lắc đầu.
Theo TS Ni, vì người dân sợ đan cọng cỏ bé như cái đầu đũa này không biết đến bao giờ mới có sản phẩm, mà không có sản phẩm thì không có lương. Thêm nữa, người dân quen với việc đan cọng lục bình to, mềm, dễ đan nên thấy đan năn tượng phải xoắn 2-3 cọng lại khá cứng và mỏi tay. Điểm mấu chốt nhất là người dân chưa tin vào năng lực, tay nghề của mình.
Dần dần, TS Ni và các cộng sự cũng thuyết phục được người dân làm thử. Họ nhận thấy đan năn tượng không khó như họ nghĩ, thời gian đan cũng ngang với đan lục bình. Từ đó, người tham gia đan năn tượng hình thành những nhóm nhỏ, rồi đến tổ có quy mô lớn hơn và cuối cùng là hợp tác xã.
Đan năn tượng hơn một năm, cô Trần Thị Kim Linh (ngụ Sóc Trăng) chia sẻ công việc này có thể làm ở nhà, lúc nhàn rỗi vì không có quy định thời gian nộp sản phẩm. Mỗi ngày cô có thể làm được 4-5 sản phẩm; tiền công được trả tùy theo độ khó của sản phẩm; tổng thu nhập một tháng tuy không lớn nhưng đủ để cô trang trải cuộc sống qua ngày, lo thêm cho các con đi học.
14 năm để năn tượng vươn ra thế giới
Kể về quá trình hình thành làng nghề, từ lúc có ý tưởng đến khi thị trường chấp nhận sản phẩm thủ công từ năn tượng, TS Ni cho hay phải mất tới 14 năm.
Ban đầu phần lớn thương nhân trong ngành thủ công mỹ nghệ đều từ chối dùng nguyên liệu năn tượng. Đến năm 2015-2016, ĐBSCL hứng chịu đợt hạn mặn khốc liệt khiến lục bình, nguyên liệu truyền thống làm đồ thủ công, chết nhiều dẫn đến khan hiếm. Lúc ấy, người ta mới bắt đầu chú ý và dùng năn tượng làm nguyên liệu thay thế.
Là một trong rất ít người nhiệt tình với ý tưởng làm đồ thủ công từ năn tượng, anh Lai Trí Mộc, Giám đốc Công ty Xuất khẩu đồ dùng gia đình (VietnamHousewares), đã thay đổi cách đan, mẫu mã cũng như tích cực quảng bá, thuyết phục khách hàng quốc tế dùng sản phẩm mới.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Mộc cho biết công ty của anh đảm nhận khâu đầu ra của đồ thủ công từ năn tượng. Sản phẩm khá được ưa chuộng, nhất là ở những nơi lạnh, độ ẩm thấp bởi nó không giòn và dễ gãy như những nguyên liệu khác. Hiện chúng đã được bày bán ở nhiều quốc gia, trong đó một số sản phẩm đã có mặt tại hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ ở Mỹ.
Nói về sức hút của ý tưởng này, anh Mộc cho biết nghề thủ công mỹ nghệ tồn tại được là nhờ cây bản địa. Trước nay người ta đã quen với nguyên liệu truyền thống như lục bình, cói… và giờ đây năn tượng đến như một làn gió mới, góp thêm sự đa dạng cho nguồn hàng trên thị trường.
“Năn tượng là cây bản địa, không gây hại cho môi trường, ngược lại còn cải thiện hệ sinh thái nên tính bền vững rất cao và đây sẽ là một xu hướng trong tương lai” - anh Mộc khẳng định.
Úc hỗ trợ mở rộng mô hình làng nghề năn tượng
Từ năm 2020, Quỹ MCF kết hợp với Công ty Xuất khẩu đồ dùng gia đình (VietnamHousewares) thực hiện chương trình xây dựng các làng nghề nông thôn. Trong đó, dự án tiểu thủ công nghiệp - làm đồ thủ công bằng năn tượng được triển khai đầu tiên từ năm 2021 tại xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng.
Nhận thấy dự án góp phần giải quyết công ăn việc làm ở địa phương và thấy cây năn tượng có khả năng cải thiện môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu, chính phủ Úc đã hỗ trợ 550.000 AUD giai đoạn 2023-2025 để mở rộng mô hình làng nghề từ năn tượng.