(PLO)- Những tháng cuối năm, làng nghề đan lát hơn 100 tuổi tại TP.HCM lại nhộn nhịp, tất bật gia công sản phẩm để phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Video: Làng nghề đan lát hơn 100 năm tuổi tại TP.HCM nhộn nhịp cuối năm Còn một tháng hơn nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, những ngày này người dân làng nghề đan lát ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM làm việc không ngơi tay để đáp ứng kịp các đơn hàng trong nước và xuất khẩu.
Hơn 100 năm nay, dù trải qua bao thăng trầm làng nghề đan lát nơi đây vẫn được người dân gìn giữ, gắn bó và cho ra những sản phẩm đan lát bằng tre, trúc độc đáo và đẹp mắt. Xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi với lợi thế nhiều tre, trúc. Tận dụng nguyên liệu này, ban đầu người dân làm những sản phẩm đơn giản như rổ rá, thúng, nia phục vụ nhu cầu trong gia đình, dần dần sau này nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang kinh doanh sản phẩm từ chính cây tre, nứa và thu mua trúc từ miền Tây về sản xuất. Tại cơ sở của chị Nguyễn Thị Tuyết Mai - người đã gắn bó với nghề đã hơn 25 năm, nhộn nhịp thợ ra vào tấp nập, làm việc không ngơi tay để chạy năng suất cho các đơn hàng Tết. Trung bình một ngày tại xưởng chị sẽ nhận gần 400 sản phẩm từ được các hộ gia đình gia công. Chị Mai chia sẻ những đơn hàng Tết được khách đặt từ rất sớm, tăng khoảng 20% so với bình thường. Các sản phẩm được nhiều người ưa chuộng dịp Tết như giỏ xách, giỏ đựng chậu hoa, sàng, thúng, nia… để phục vụ nhu cầu trang trí. Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, sản phẩm của các cơ sở đan lát tại xã Thới Mỹ còn được xuất khẩu sang nhiều nước như Anh, Hà Lan... Để đảm bảo đơn hàng, nhiều cơ sở nhỏ tại đây hợp tác với nhau phân chia gia công từng công đoạn sản phẩm cho các cơ sở lớn. Qua đó giúp tiết kiệm nhân công, thời gian và các đối tượng tham gia sản xuất cũng đa dạng hơn. N hững năm trở lại đây, nhờ máy móc chẻ nan, người dân không còn chẻ tay nữa nên năng suất cũng tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chọn kết nối với các đối tác trong nước thực hiện gia công các sản phẩm chậu cây với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau để phục vụ nhu cầu Tết và phát triển làng nghề. Nghề đan lát ngoài giữ được hồn cốt của một làng nghề lâu đời tại TP.HCM còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương , đặc biệt là các lao động lớn tuổi giúp họ có thu nhập ổn định. Nghề đan lát tại xã Thái Mỹ hiện nay có 196/3.759 hộ của xã tham gia sản xuất; có 4 cơ sở làm đầu mối cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; 192 hộ gia công sản phẩm như rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, nia, sọt… Hiện nay, nhu cầu người tiêu dùng cũng chuyển sang chuộng những mặt hàng được làm từ nhựa, inox … bởi tính tiện dụng, giá thành rẻ. Tuy nhiên với một làng nghề đã có từ lâu đời, theo thời gian nghề đan lát có thể sẽ ít người theo đuổi nhưng nó vẫn sẽ tồn tại và không bao giờ mất đi.