Đó là những buổi học trải nghiệm ngoài nhà trường mà Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) đang bắt đầu thực hiện mỗi tuần cho lần lượt 56 lớp với gần 2.600 học sinh (HS).
Thích thú vì được làm hướng dẫn viên
“Nơi chúng ta đang đứng là Bưu điện TP.HCM, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của TP được người Pháp xây dựng từ những năm 1886-1891. Công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á... Và tiếp theo chúng ta sẽ tiến vào bên trong để xem kiến trúc của nó ra sao nhé!”.
Em Trần Thái Bảo Ngọc (lớp 8A4) đã bắt đầu vai trò “hướng dẫn viên” với giọng nói dõng dạc, tự tin cho các bạn cùng lớp nghe tại một buổi đi thực tế tại Bưu điện TP.HCM trong tuần qua. Cả nhóm HS lắng nghe, ghi chép và dõi theo ngôn ngữ hình thể linh hoạt của Ngọc một cách chăm chú. Những thông tin về lịch sử, kiến trúc và hoạt động của Bưu điện TP được em truyền tải một cách mạch lạc và cặn kẽ. Nếu không khoác trên mình chiếc áo đồng phục thì không ai có thể nghĩ em chỉ là một HS lớp 8.
Không khí đông đúc của bưu điện không ngăn được buổi tham quan thú vị nhưng nghiêm túc của đoàn HS. Các em trong nhóm lần lượt đưa ra câu hỏi để hướng dẫn viên cùng mọi người thảo luận khiến buổi tham quan sôi nổi hơn. Thỉnh thoảng các em cũng mạnh dạn đặt câu hỏi với các cô chú đang làm việc tại đây.
Em Trần Thái Bảo Ngọc (lớp 8A4, Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM) đang giới thiệu về tòa nhà Bưu điện TP.HCM cho các bạn trong nhóm cùng lớp. Ảnh: PA
Các em tự tin bắt chuyện với du khách nước ngoài. Ảnh: PA
Xem cách các em làm việc, nhiều khách tham quan không khỏi ngạc nhiên. Có em còn tranh thủ bắt chuyện với du khách nước ngoài hoặc chỉ dẫn tận tình bằng tiếng Anh về kiến trúc nơi đây, cũng như giới thiệu thêm về các địa danh nổi bật khác của TP khi du khách hỏi thăm.
Cùng lúc, một nhóm khác trong lớp đi tham quan và giới thiệu cho nhau về đường sách Nguyễn Văn Bình ngay gần đó. Nhóm dừng lại tại một hiệu sách cuối đường với các thể loại sách văn học. Các em bắt đầu thảo luận với nhau về sách và nhà văn Nam Cao. Một nhóm khác chọn điểm tham quan là nhà thờ Đức Bà với cách làm việc tương tự.
Nói về cách học này, em Trần Thái Bảo Ngọc cho rằng em cảm thấy rất thích thú khi đi thực tế như vậy. Tuy những nơi này không lạ nhưng nhờ tiết học này, các em được quan sát kỹ và hiểu sâu hơn về lịch sử cũng như những kiến trúc đẹp mà bình thường ít khi để ý.
“Bọn em phải mất 3-4 ngày tìm tư liệu trên sách, báo và Internet để chuẩn bị kỹ thông tin về điểm đến của nhóm. Riêng em được chọn làm hướng dẫn viên cho nhóm và cho các em lớp 6. Em đã tự tập nói nhiều lần, rồi tập nói cho ba mẹ nghe sao cho hay và lưu loát. Giờ thì ai đó hỏi về những nơi này em sẽ rất tự tin để trả lời một cách chi tiết rồi” - Ngọc nói.
HS Nguyễn Linh Phương cho biết đây là lần đầu tiên có tiết học thực tế và vì em rất thích sách nên em xung phong làm hướng dẫn viên giới thiệu về đường sách cho các bạn. “Lúc đầu em cũng run lắm, mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ trước đó. Tuy chưa như ý muốn nhưng em thấy mình tự tin hơn và đã dám làm điều mà em cứ nghĩ là không làm được” - Phương nói.
Thoát khỏi cách học khô cứng, cũ mòn
Theo cô Hoàng Thị Hoài Thương, tổ trưởng tổ văn của Trường THCS Trần Văn Ơn, đây cũng là cách hay để thoát khỏi việc học và viết văn thuyết minh khô khan trên giấy ở lớp 8 lâu nay. Sau khi kết thúc chuyến đi, các nhóm sẽ tập hợp dữ liệu để hoàn thành sản phẩm cuối cùng như bài trình chiếu Powerpoint, phóng sự, bài viết... “Không chỉ được học rất nhiều điều bổ ích mà các em còn rèn luyện nhiều kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý thông tin, trình bày, phản biện... Nhờ đó, việc kiểm tra, đánh giá cũng phải đổi mới, tức sẽ đánh giá cả quá trình các em tham gia như chuẩn bị, đặt câu hỏi hay... Môn văn lớp 8 lấy điểm một tiết, các môn khác liên quan có thể lấy điểm 15 phút” - cô Thương cho hay.
Nói về ý tưởng này, cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay học ngoài nhà trường là một dạng học trải nghiệm mà lâu nay các trường đều cho HS thực hiện trong năm học. Tuy nhiên, đây là tuần đầu và cũng lần đầu tiên trường thử nghiệm việc tích hợp tiết học này với việc dạy văn thuyết minh cho HS lớp 8. Và có thể tích hợp với các môn khác có liên quan như lịch sử, ngoại ngữ, địa lý. Ở một số môn khác trường cũng áp dụng cách làm này, như môn sinh học ở Thảo Cầm viên hoặc tại vườn cây thực vật của trường, môn họa lớp 6 có thể đi Bảo tàng Mỹ thuật... Các lớp tiếng Pháp, tiếng Anh tích hợp còn được khuyến khích thuyết minh bằng tiếng Anh cho các lớp có trình độ tiếng Anh tốt.
Bất ngờ vì trò quá chuyên nghiệp Tuy sẽ tốn công sức cả cô lẫn trò hơn nhưng nhờ đi như vậy, trường mới phát hiện ra những năng lực tuyệt vời tiềm ẩn của các em HS. Tôi còn quá bất ngờ trước khả năng nói tiếng Anh của một số em với người nước ngoài. Một số em còn rất năng động, tự tin và thuyết minh một cách tường tận các địa danh. Một số khác lại tỏ ra thông minh khi đặt những câu hỏi phản biện. Khả năng làm việc nhóm vì thế cũng được rèn luyện, óc sáng tạo cũng được phát huy. Cô TRẦN THÚY AN, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn ____________________________________ Mỗi tuần sẽ có hai lớp tham gia tiết học này. Một lớp chia thành ba nhóm và mỗi nhóm lần lượt xuất phát tại một địa điểm khác nhau để khỏi trùng lắp. Mỗi nhóm chia nhiệm vụ cho từng thành viên dựa theo năng lực và sở thích như nhóm làm hướng dẫn viên, nhóm ghi hình, nhóm phản biện, viết bài... Đi theo các em còn có một số giáo viên phụ trách để quản lý, quan sát, đánh giá kết quả cho từng em. |