Ông Nguyễn Nhật Tân - Ảnh: Q.V. |
Ông Tân theo dõi truyền thông biết Ấn Độ trúng mùa. Bay ngay qua quốc gia thân thiện này, ông nói với họ như vậy và nhận được kết quả tốt đẹp.
Chạy gạo nơi xứ người
Ấn Độ đồng ý cho VN mượn 300.000 tấn lúa mì, loại ngũ cốc họ trồng rất nhiều. Họ sẽ chuyển đợt đầu 100.000 tấn, đợt sau 200.000 tấn.
Ông Tân điện báo về Chính phủ, ai cũng vui. Tuy nhiên, ngay sau đó lại phải giải tiếp một bài toán khác. Khả năng tàu biển VN hồi ấy còn rất hạn chế, không thể vận chuyển nhanh số lương thực này về trong khi nhu cầu dân ăn quá cấp bách.
“Đặc biệt năng lực xay xát của mình cũng không thể làm bột kịp 300.000 tấn lúa mì này, mà dân thì quá ngán ngẩm món bo bo nguyên hạt khô cứng như đá sỏi rồi” - ông Tân kể chính mình lại phải thương thuyết nhờ Ấn Độ xay xát giúp.
VN nhận 70% lượng bột, phần còn lại xem như khấu hao xay xát và trả công cho họ. Rất vui là Ấn Độ tiếp tục đồng ý.
Ngoài Ấn Độ, thứ trưởng Tân lại bay sang Indonesia. Cùng đi với ông còn có phó thống đốc ngân hàng. Ông vẫn nói với họ để VN “giữ giùm” lượng lương thực trúng mùa đang phải để hư hỏng ngoài đồng. Tuy nhiên, tình hình quốc gia này đối với VN hơi khác biệt.
Trong khi Ấn Độ từ trước đã ngỏ lời giúp đỡ VN (và từng giúp đỡ), còn Indonesia thì không có. Đó là thời kỳ cánh quân sự do tổng thống Suharto nắm quyền. Trước khi đi, ông Tân phải xin phép các ông Đỗ Mười, Tố Hữu và Võ Văn Kiệt.
Trung tướng Arafin được Suharto cử tiếp đoàn. Không khí tiếp đón khá trọng thị. Tướng Arafin kể mình rất quan tâm cuộc chiến VN và ngưỡng mộ tài tướng Võ Nguyên Giáp. Riêng ông Arafin đồng ý ngay cho VN mua nợ lương thực nhưng phải trình lên tổng thống.
Cuối cùng Indonesia đồng ý bán nợ cho VN 200.000 tấn gạo chia làm hai đợt. Họ cũng mời ông Võ Văn Kiệt sang thăm và tiếp tục thương thảo vấn đề này.
Đặc biệt, Bộ Lương thực còn xoay xở một nguồn lương thực quan trọng từ Công ty Ipitrade, Pháp. Đây là doanh nghiệp của ông Doumeng, một “triệu phú đỏ” thuộc Đảng Cộng sản Pháp và thân thiện với VN.
Chính ông Doumeng tìm kiếm nguồn cung cấp rồi mua bằng tiền mặt 500.000 tấn gạo của Thái Lan để bán nợ lại cho VN.
Sau đó, thương vụ đặc biệt này lại tiếp tục được thực hiện nhiều lần. “Tôi làm việc trực tiếp với ông Doumeng ở Pháp. Ông có kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã trực tiếp giúp lương thực cho VN trong thời kỳ căng thẳng nhất” - ông Tân tâm sự thêm nếu không có nguồn tiền từ ông Doumeng, VN sẽ rất khó mua nợ được lương thực với số lượng lớn ở thời điểm khó khăn ấy.
Ngoài tìm kiếm nguồn lương thực trực tiếp từ nước ngoài, VN còn có nhiều cách xoay xở khá độc đáo.
Ông Tân kể đã từng xuất 200.000 tấn gạo miền Nam ngay trong lúc đang thiếu thốn để nhập tấm về ăn. Dân Sài Gòn không lạ cơm tấm, nhưng người Hà Nội tò mò và rất thích, vì dù sao vẫn ngon hơn hạt bo bo khô cứng.
Cái “lời” rõ ràng là lấy tiền xuất lượng gạo này, ông Tân vẫn mua được 200.000 tấn tấm trong khi còn dư tiền để nhập phân bón mà đất nước hồi ấy rất cần.
Một cảnh chen chúc mua hàng ở cửa hàng thực phẩm thời bao cấp - Ảnh tư liệu |
Từ Nam ra Bắc
Đặc biệt, việc xoay xở miếng ăn cho đất nước một thời thiếu đói không chỉ hoàn toàn dựa vào lương thực nước ngoài, mà còn xoay xở từ chính trong nước như “lá lành đùm lá rách” hay “lá rách ít đùm lá rách nhiều hơn”.
Cùng với các phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khác đều có nhiệm vụ giải quyết lương thực cấp bách, tướng Đồng Sỹ Nguyên được phân công cùng Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực lo việc thu mua, vận chuyển lương thực từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ra Bắc và từ nước ngoài về.
Trong hồi ký Trọn một con đường, tướng Đồng Sỹ Nguyên xúc động ghi: “Tôi nhớ lại những ngày ở Hà Nội, hầu như ngày nào anh Tô (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cũng hỏi tôi về tình hình lương thực cho Hà Nội, cho các tỉnh phía Bắc với nỗi băn khoăn, day dứt như mang nợ, mắc tội với nhân dân”.
Tâm sự với người viết, ông kể thêm giai đoạn tham gia chạy miếng ăn cho nhân dân, ông ra Bắc vào Nam như con thoi và hơn nửa thời gian trong Nam.
Cùng bộ trưởng lương thực trên hai chiếc Lada với vài bảo vệ, thư ký, cần vụ, có ngày ông làm việc qua ba tỉnh. Nhiều đêm đến 2g sáng họ vẫn còn đang thị sát tình hình cảng xuất nhập.
Những năm sau 1975 tàu bè còn rất thiếu, việc vận chuyển lương thực phải sử dụng cả phương tiện của quân đội. Hầu hết là tàu biển pha sông tải trọng khoảng 1.200 tấn có thể đi biển lẫn đường sông, và một số tàu 5.000-10.000 tấn cũng được sử dụng để chuyên chở kịp thời lương thực giải tỏa tình hình thiếu hụt nghiêm trọng ở miền Bắc.
Cảng Hải Phòng suốt một thời gian dài luôn nghẽn hàng vì hoạt động quá tải. Chính vị tướng nổi tiếng Đinh Đức Thiện cũng phải trực tiếp về chỉ đạo quân đội tháo dỡ hàng nghẽn ở cảng. Hải Phòng không xuể, các cảng nhỏ ở Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa cũng được sử dụng để đưa lương thực về tay người dân.
Đại tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ 505 từng chiến đấu và ủi lên đảo chìm Colin để bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988, nhớ lại chính hải đội này cũng tham gia chở gạo miền Nam ra Bắc theo yêu cầu khẩn cấp. HQ 505 là tàu đổ bộ hạng nặng vào lúc bấy giờ do Mỹ để lại cho quân đội Sài Gòn.
Sau năm 1975, nó tiếp tục được sử dụng để xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Giai đoạn thiếu hụt lương thực trước năm 1988, nó từng được trưng dụng để chở gạo vào cảng Hải Phòng.
“Vì là dương vận hạm nên chở được rất nhiều gạo và an toàn, nhất là vào mùa biển động. Chúng tôi lên gạo từ cảng Sài Gòn, Cần Thơ, rồi cập cảng Hải Phòng”.
Nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Duy Thành cũng có kỷ niệm khó quên về một thời chạy gạo khi còn đương chức chủ tịch Hải Phòng: “Thành phố tổ chức đoàn cán bộ vào miền Nam xoay gạo. Chúng tôi đi đường bộ suốt mấy ngày. Lãnh đạo tỉnh Cửu Long kết nghĩa (nay là Trà Vinh, Vĩnh Long) tiếp đón thân tình nhưng không... bán gạo, mặc dù giám đốc sở nông nghiệp tỉnh từng là thành ủy viên Hải Phòng”. Ông Thành nhớ lại: không hiểu đêm đó địa phương bàn lại thế nào mà sáng hôm sau lại quyết định bán 1.000 tấn lúa. Không bõ công chuyến đi xa, ông Thành dẫn đoàn qua Hậu Giang tìm mua gạo. Thương vụ bên đây chóng vánh hơn. Chỉ hai giờ bàn bạc, Hậu Giang đã quyết định bán cho Hải Phòng 2.000 tấn gạo, thanh toán bằng cách đổi hàng công nghiệp. Lẽ ra chuyến chạy gạo của Hải Phòng đã thành công vui vẻ nếu đường về qua Khánh Hòa ông Nguyễn Văn Sinh, chuyên viên văn phòng Ủy ban Hải Phòng, không bị đột tử vì bệnh tim. Mua được ít lúa gạo lại bất ngờ mất một người. Kể từ đoạn Nha Trang, đoàn xe về Hải Phòng có chiếc quan tài lặng lẽ nằm khuất bên trong... |
____________
Để giải quyết vấn đề ngoại tệ cho những nhu cầu cấp bách của quốc gia, trong đó có lương thực của người dân, một thương vụ đặc biệt được thực thi: bán vàng! Và chuyện này có liên quan đến 16 tấn vàng của chính quyền Sài Gòn để lại sau ngày 30-4-1975?
Kỳ tới: Thương vụ đặc biệt: bán vàng!