Khó xử với 22 ha đất Hà Nội và Quảng Ninh mua bằng tiền lừa đảo

(PLO)- Hàng trăm bị hại trong vụ án Lê Hồng Bàng chiếm đoạt tài sản được xử phần hình sự 5 năm trước, nay trông đợi TAND Hà Nội giải quyết phần bồi thường thiệt hại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Hà Nội hôm nay, 16-5, đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, nhưng để giải quyết phần phần dân sự trong vụ án Lê Hồng Bàng, cựu giám đốc Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam, chiếm đoạt hơn 347 tỉ đồng.

Mấu chốt của phiên tòa này là phán xét về khu đất 8,1ha tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và 14ha ở đảo Thẻ Vàng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Phiên tòa chỉ giải quyết phần dân sự của vụ án lừa đảo chiếm đoạt 347 tỉ đồng. Ảnh: BT

Phiên tòa chỉ giải quyết phần dân sự của vụ án lừa đảo chiếm đoạt 347 tỉ đồng. Ảnh: BT

Có mặt tại phiên tòa này là Lê Hồng Bàng, người đang thi hành án tù chung thân, được cấp phúc thẩm giữ nguyên trong phiên tòa năm 2018. Bản án lúc đấy chỉ tuyên phần phạt tù, còn phần trách nhiệm dân sự liên quan đến các khu đất lớn kia thì hủy, yêu cầu cấp sơ thẩm làm rõ, nhằm thu hồi tài sản, bồi thường cho gần 400 bị hại trong vụ án lừa đảo này.

VKS đề nghị tuyên hủy hợp đồng mua bán đất

Tại phiên sơ thẩm hôm nay, đại diện VKSND Hà Nội dẫn kết quả điều tra cho thấy 8,1 ha đất ở Hà Nội vẫn là đất nông nghiệp, do UBND phường Minh Khai quản lý và đang cho thuê. 14h đất ở Quảng Ninh là đất lâm nghiệp, vẫn đứng tên các chủ cũ.

Lê Văn Bàng khai nhờ người khác mua số đất trên của 34 cá nhân, với dự định sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án bất động sản.

Chủ tọa phiên tòa công bố lời khai của những người bán đất với nội dung cho thấy một số trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Từ Liêm, một số không có, và có trường hợp là thuê đất nông nghiệp của UBND xã Minh Khai.

Việc giao dịch quyền sử dụng đất cho phía Lê Văn Bàng được các hộ này thực hiện dưới hình thức mua bán viết tay, không có chứng nhận của chính quyền địa phương, chưa làm thủ tục sang tên.

Nêu quan điểm về các giao dịch này, VKSND Hà Nội cho rằng việc mua bán đất nông nghiệp, lâm nghiệp là trái pháp luật, nên cần tuyên hủy hợp đồng, giao đất về địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Những người bán đã chi tiêu, sử dụng hết tiền thu được từ các hợp đồng viết tay trên, nay không có khả năng trả lại. Vậy Bàng có thể khởi kiện vụ án dân sự khác để giải quyết vấn đề lợi ích của mình.

Các bị hại tại phiên tòa. Ảnh: BT

Các bị hại tại phiên tòa. Ảnh: BT

Bị hại đề nghị tôn trọng hợp đồng để kê biên, bảo đảm quyền lợi cho mình

Đông đảo các bị hại không đồng ý với quan điểm của VKSND Hà Nội. Bảo vệ quyền lợi cho phía bị hại, luật sư Vũ Thị Mai Phương khẳng định hồ sơ tài liệu, lời khai, diễn biến các phiên tòa đều cho thấy hai khu đất Hà Nội, Quảng Ninh được mua bằng tiền mà các bị hại đưa cho Lê Hồng Bàng.

Vụ án kéo dài hơn 10 năm, điều tra nhiều lần, kết quả điều tra đều thể hiện các hộ dân ở xã Minh Khai, Hà Nội đã nhận tổng cộng 21,3 tỉ đồng rồi giao đất, có xác nhận của xã và hiện nay, không có ý kiến gì. Còn đất ở đảo Thẻ Vàng là Bàng đưa tiền cho nhân viên đi mua, vẫn đang đứng tên người bán là ông Lục Văn Thạch.

''Đây là vật chứng của vụ án và cần áp dụng nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự, kê biên 2 khu đất, bán đấu giá thu hồi tiền để bồi thường cho các bị hại'', luật sư Phương đề nghị.

Một nhóm 34 bị hại ủy quyền cho ông Hoàng Văn Quyết tham dự phiên tòa này. Theo ông Quyết, khi khám xét nhà Bàng, công an đã thu giữ sổ đỏ của 14 ha ở đảo Thẻ Vàng. Đây là vật chứng của vụ án, là tài sản trong vụ án. Vậy vì sao các phiên tòa đều không giải quyết tài sản này?

Ông Quyết còn nói rằng hồ sơ về khu đất đã bị rút khỏi vụ án giao cho Lê Văn Phương, một nhân viên của Bàng. Sau đó Phương bán lô đất này khi Khu kinh tế Vân Đồn được quy hoạch, đầu tư xây dựng năm 2015-2016.

Ông Quyết mô tả đảo Thẻ Vàng nằm ở trung tâm xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn. Từ khi có quy hoạch Khu kinh tế Vân Đồn thì giá đất ở đây đã tăng rất mạnh. Còn 8,1 ha giờ ở xã Minh Khai, trong các văn bản quy hoạch về sử dụng đất ở của Hà Nội ban hành trước thời điểm xảy ra vụ án thì đều nằm trong quy hoạch đất đô thị, đất ở và UBND Hà Nội có chủ trương đầu tư xây dựng khu đô thị Minh Khai – Phú Diễn ở đây.

Nhóm doanh nghiệp của Lê Hồng Bàng và các đối tượng liên quan trong vụ án đã có công văn xin phép, được UBND Hà Nội giới thiệu xuống UBND xã Minh Khai. Từ đây, UBND xã đã giới thiệu địa điểm lập, triển khai thực hiện dự án, đồng ý cho các công ty này gặp trực tiếp các hộ dân.

Công ty Hoàng Hà đại diện nhóm công ty này tiếp xúc với các hộ dân để mua đất, rồi lập hồ sơ dự án nhà ở nộp lên UBND Hà Nội hai lần trong năm 2009.

Tuy nhiên, khi công an vào cuộc, bắt giữ Lê Hồng Bàng thì mọi việc dừng lại.

Với diễn biến vụ việc như vậy, tương tự như luật sư của bị hại, ông Quyết đề nghị tòa tuyên kê biên hai khu đất này để giải quyết bồi thường cho các bị hại.

Với diễn biến như vậy, phiên tòa sẽ tiếp tục trong những ngày tới.

Từ tháng 2 đến 7-2009, Lê Hồng Bàng, Hoàng Văn Cường và Hà Tuấn Linh sử dụng ba pháp nhân là Công ty CP sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Công ty Hoàng Hà ký các hợp đồng liên doanh với mục tiêu triển khai các dự án bất động sản có tên: dự án 683, dự án Lộc Hòa, dự án Cửu Long, dự án Phương Đông tại các địa điểm thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Các dự án này chưa được chính quyền phê duyệt nhưng Bàng, Cường, Linh vẫn quảng bá, giới thiệu, ký hợp đồng nhận tiền của những người có nhu cầu. Tổng cộng, Lê Hồng Bàng chiếm đoạt 347 tỉ đồng của gần 400 bị hại.

Quá trình điều tra, Cường, Linh đã bỏ trốn, Cơ quan CSĐT TP Hà Nội tách ra để xử lý sau. Bàng bị xử tù chung thân về tội lừa đảo, nhưng phần dân sự liên quan đến quyền lợi của các bị hại vẫn bị treo đến lúc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm