Ngày 22-8, Bộ Ngoại giao, UNESCO và UBND Tỉnh Cao Bằng tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất".
Theo ông Hoàng Xuân Ánh – chủ tịch tỉnh Cao Bằng, hội nghị quốc tế lần thứ 8 mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 5 đến 17-9 với khoảng 800 đến 1.000 đại biểu quốc tế tham dự, đại sứ các nước các tổ chức quốc tế tham dự.
Nhân dịp này, tỉnh tổ chức nhiều không gian văn hóa trải nghiệm nhằm giới thiệu nền văn của tỉnh Cao Bằng, tham gia trải nghiệm triển lãm ảnh đẹp của tỉnh, gian hàng cùng em khám phá công viên địa chất Cao Bằng, khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cao Bằng...
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam, đại sứ Hà Kim Ngọc, hội nghị là sự kiện quan trọng để các thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu, quản lý, các học giả từ các nước thành viên có cơ hội được gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện công tác xây dựng, vận hành và phát huy vai trò Công viên địa chất toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Kết quả của Hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội đồng Chấp hành UNESCO, cơ sở quan trọng giúp Tổ chức UNESCO đánh giá tác động của các danh hiệu UNESCO đối với sự phát triển ở các quốc gia thành viên.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, hội nghị càng thêm ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định hội nghị lần này không chỉ là sự kiện của riêng tỉnh Cao Bằng mà còn là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, qua đó góp phần định vị Cao Bằng nói riêng, các địa phương của Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản thế giới. Đây vừa là cơ hội để tăng cường kết nối hợp tác quốc tế vừa là dịp quảng bá đưa các địa phương Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến gần hơn với Việt Nam.
Cũng tại sự kiện, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh đến một số điểm mạnh về vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh của tỉnh.
Tỉnh Cao Bằng nằm ở phía Đông Bắc của tổ quốc, có vị trí trọng yếu về quốc phòng và an ninh và có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Cao Bằng hội tụ những yếu tố, lợi thế để phát triển bền vững.
Các danh lam thắng cảnh của tỉnh Cao Bằng nổi tiếng khắp cả trong và ngoài nước. Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, một trong bốn thác nước lớn và đẹp nhất trong số các thác nước nằm trên biên giới và được xếp vào nhóm top 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới.
Travel Leisure bình chọn vào 1 trong 21 thác hùng vĩ nhất thế giới. Văn hóa Tày, Nùng, Thái đã được ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cao Bằng hiện có 271 di tích, là một trong số ít các địa phương có đến 3 di tích quốc gia.
Công viên địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu thứ 5 của Đông Nam Á và là công viên địa chất thứ 2 của Việt Nam sau công viên địa chất Hà Giang.
Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng hội tụ hơn 200 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành trên 500 triệu năm của trái đất, với diện tích trên 3.600km2 (toàn tỉnh Cao Bằng có diện tích 6.700km2). Toàn bộ đường biên giới Việt – Trung giữa tỉnh Cao Bằng với khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc là ranh giới của công viên địa chất toàn cầu.