Khoanh nợ thuế gần 30.000 tỉ đồng cho hơn 700.000 trường hợp

(PLO)- Trong 2 năm, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện khoanh nợ thuế cho hơn 700.000 người nộp thuế với tổng số tiền gần 30.000 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình xử lý nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội. Nghị quyết 94 được ban hành năm 2019 quy định việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với trường hợp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Tính đến cuối tháng 12-2022, đã thực hiện khoanh nợ đối với hơn 700.000 người nộp thuế với tổng số tiền gần 30.000 tỉ đồng. Trong đó, gần 260.000 người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp được khoanh nợ hơn 27.000 tỉ đồng, còn lại là cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh.

Ngoài ra, còn hơn 317.000 người nộp thuế được xóa nợ tiền phạt chậm nộp với tổng số tiền là hơn 7.600 tỉ đồng.

Như vậy, cơ quan quản lý thuế đã cơ bản hoàn thành toàn bộ việc xử lý khoanh nợ so với dự kiến xử lý, việc xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đạt 61% so với số dự kiến xử lý nợ của các địa phương.

Có bảy nhóm người nộp thuế nằm trong diện được khoanh nợ tiền thuế.

Thứ nhất là nhóm người đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai là nhóm người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể.

Thứ ba là nhóm người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Thứ tư là nhóm người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ năm là nhóm người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Thứ sáu là nhóm người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

Thứ bảy là nhóm người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Trong bảy nhóm người nộp thuế nêu trên, nhóm người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký chiếm tỉ lệ cao nhất. Cơ quan thuế đã thực hiện khoanh nợ cho hơn 667.000 người nộp thuế thuộc nhóm này với tổng số tiền hơn 24.600 tỉ đồng và hơn 309.000 người được xóa nợ thuế với tổng số tiền hơn 6.700 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 94 được thực hiện trong giai đoạn bùng phát của dịch bệnh COVID-19 (giai đoạn 2020-2022), giãn cách xã hội trên toàn quốc nên cơ quan quản lý thuế gặp khó khăn trong việc thu thập, xác minh thông tin.... Vì vậy, thời gian xử lý nợ kéo dài.

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý thuế tiếp tục rà soát xác định đối tượng được xử lý nợ. Từ đó, thu thập, bổ sung, hoàn thiện và lập đầy đủ hồ sơ xử lý nợ, đối chiếu, xác định chính xác số tiền thuế nợ được khoanh, số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa. Xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm