Không cam lòng chỉ nhận 5.000 nón bảo hộ, đại sứ Ukraine đòi Đức hỗ trợ vũ khí

Bất chấp việc Đức liên tục từ chối cung cấp vũ khí và đạn dược, Đại sứ Ukraine tại Đức Andrey Melnik cho biết Berlin cần phải mạnh dạn và nên chuyển giao vũ khí cho Ukraine khi Kiev đối mặt với một cuộc tấn công từ Nga.

Theo đài RT, ngày 26-1, ông Melnik tiếp tục kêu gọi Berlin hỗ trợ thêm vũ khí, cho biết thêm nước này rất hoan nghênh “hành động mang tính biểu tượng” của Đức, tuy nhiên chỉ 5.000 nón bảo hiểm quân sự Đức gửi là chưa đủ. 

Ông cho biết Ukraine không cần chiến thuật mà cần Đức mạnh dạn cung cấp vũ khí phòng thủ, nhấn mạnh rằng đây là điều mà người dân nước này cần nhất bây giờ.

Đại sứ Ukraine tại Đức Andrey Melnik. Ảnh: IMAGO

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuyên bố Berlin sẽ không gửi bất kỳ vũ khí nào đến Ukraine ngoài 5.000 mũ bảo hộ.

Thị trưởng Kiev - ông Vitali Klitschko tỏ thái độ “khinh bỉ” động thái này của Đức. Theo ông, hành động gửi 5.000 nón bảo hộ của Berlin khiến ông “cạn lời” và cho rằng Bộ Quốc phòng Đức không hoàn toàn hiểu rằng Ukraine đang đối mặt với quân đội Nga vốn đã được trang bị đến mức hoàn hảo và có thể tấn công Kiev bất cứ lúc nào. 

“5.000 nón bảo hộ hoàn toàn là một trò đùa. Đức sẽ hỗ trợ gì tiếp theo? Gối chăng?” - ông nói.

Trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng cảnh báo rằng chính quyền Moscow có thể đang lên kế hoạch đưa quân vào Kiev. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng NATO đang làm tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn.

Hồi đầu tháng, ông Melnik nói rằng Đức phải chịu trách nhiệm đối với tương lai của Ukraine và do đó, Đức có nghĩa vụ phải bán vũ khí cho Ukraine để đất nước này có thể tự vệ trước sự tấn công của Nga. 

Đồng thời, ông nói thêm rằng nếu không có sự hỗ trợ về mặt vũ khí của Đức, quan hệ song phương giữa hai quốc gia sẽ có nguy cơ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Đức đã nêu rõ chính sách của mình rằng không cung cấp vũ khí cho các khu vực xung đột. Đây là một chính sách lâu đời của các chính phủ Đức tiền nhiệm và vẫn được chính phủ mới thành lập hồi tháng 12-2021 tiếp tục ủng hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm